IMF fund
© Yuri Gripas / Reuters
Bloomberg hôm 11/4 dẫn nguồn tin tiết lộ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tiếp cận Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 400 triệu USD cho đến khi vấn đề công nhận Chính phủ Venezuela được làm rõ.

IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết họ sẵn sàng 'di chuyển nhanh chóng' để giúp giảm bớt khủng hoảng nhân đạo ở Venezuela, nhưng vấn đề xác định vai trò lãnh đạo ở Venezuela đang cản trở tiến trình này.

Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde nói với các phóng viên trước các cuộc họp IMF ở Washington: "Các thành viên của chúng tôi phải chỉ ra cơ quan nào họ công nhận ngoại giao để chúng tôi có thể theo dõi".

Tuyên bố này cũng đã được nhắc lại bởi người phát ngôn của Quỹ IMF.

"Bất kỳ sự tham gia nào của IMF với Venezuela, bao gồm cả việc đáp ứng các yêu cầu giao dịch tài chính tiềm năng, đều dựa trên vấn đề công nhận chính phủ đang được làm rõ... Chúng tôi được hướng dẫn bởi tư cách thành viên của chúng tôi về vấn đề đó và tại thời điểm này, quyết định này vẫn chưa được thực hiện" - người phát ngôn Quỹ IMF cho biết.

Động thái này thể hiện một cách rõ ràng rằng các tổ chức kinh tế này đang cố gắng đưa vấn đề chính trị vào quy tắc hoạt động của họ, bất chấp cả việc Liên Hiệp Quốc đã công nhận Tổng thống duy nhất ở Venezuela là Nicolas Maduro.

SDR được đặt ra vào những năm 1970 nhằm chống lại tình trạng quá phụ thuộc vàng cũng như USD. Quốc gia thành viên IMF có thể dùng SDR trong quan hệ tín dụng với quỹ này hoặc thanh toán thương mại với thành viên khác. Khi giải ngân có thể quy đổi SDR ra một loại tiền tệ mạnh nào đó (USD, euro, yen Nhật...) tùy trường hợp cụ thể.

Việc sử dụng SDR của Tổng thống Nicolas Maduro được cho là động thái cần thiết để huy động ngoại tệ, ngăn nền kinh tế sụp đổ. Tuy nhiên, khi bị ngăn chặn quyền rút vốn đặc biệt trong bối cảnh Venezuela cũng không thể bán được vàng do các lệnh trừng phạt của Mỹ thì chính quyền của ông Maduro lại thêm phần khó khăn.

Việc IMF và WB đều xem xét các động thái về rút tiền của Venezuela nhằm chấn hưng nền kinh tế khiến giới quan sát nghi ngờ về sự thực của hành động này là gì.

Đáng chú ý là động thái từ IMF và WB xuất hiện sau thông báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đưa ra vào hôm 9/4 rằng, Mỹ sẽ sử dụng cả tài nguyên của IMF và WB "để xây dựng lại Venezuela".

Mỹ ủng hộ chính phủ lâm thời do Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido tự xưng làm Tổng thống lập nên.

Sau khi IMF có động thái chặn quyền rút vốn của Tổng thống Nicolas Maduro, Giáo sư Ricardo Hausmann - cố vấn kinh tế của nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela Juan Guaido - tuyên bố IMF đang giúp bảo vệ tài sản cho đến khi chính quyền mới tiếp quản.

Động thái mới nhất từ tổ chức tài chính quốc tế nói trên đối với Venezuela có thể coi là đòn hiểm thứ hai của Mỹ nhằm vào quốc gia Nam Mỹ này sau các vụ tấn công mạng lưới điện mà Caracas cáo buộc.

Chính quyền ông Maduro cáo buộc Mỹ đã ra tay tấn công mạng lưới điện của nước này nhằm tạo nên cuộc khủng hoảng năng lượng, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội của nước này ở quy mô toàn quốc.

Tổng thống Maduro còn lớn tiếng cáo buộc Mỹ đã sử dụng một loại vũ khí điện từ mới chưa từng được áp dụng trước đây trên thế giới để hủy hoại điện năng của quốc gia Mỹ La-tin này.

Trong khi đó, Tổng thống tự xưng Juan Guaido được Mỹ ủng hộ, đã lợi dụng những đợt mất điện luân phiên và dài ngày ở quốc gia này để chỉ trích sự yếu kém của Chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Lôi kéo những người dân bức xúc vì tình trạng thiếu điện sử dụng, ông Guaido gọi Tổng thống Maduro là "vô trách nhiệm".

Dù Mỹ nhiều lần bác bỏ cáo buộc của chính quyền Maduro nhưng lại sử dụng các phương pháp khác nhau để chặn mọi nỗ lực cứu nền kinh tế của chính quyền đương nhiệm: trừng phạt bất cứ quốc gia nào muốn giúp đỡ Venezuela, hối thúc Anh không hồi hương số vàng gửi của chính quyền Venezuela trước đó...