Iran oil refinery
© Tasnim
Ngày 23/4, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo chính thức tuyên bố chấm dứt chế độ miễn trừ trừng phạt cho 8 quốc gia và vùng lãnh thổ mua dầu của Iran. Như vậy, bất kỳ giao dịch nào với Iran đều nằm trong diện trừng phạt của Mỹ.

8 quốc gia và vùng lãnh thổ này bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Hy Lạp. Ngoại trừ Trung Quốc và Ấn Độ, 6 quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại đều có mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

Hiện tại, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả những chính quyền còn lại đều cam kết không mua thêm bất kỳ thùng dầu nào của Iran. Trong đó, Italy và Hy Lạp đã chấm dứt các giao dịch kể từ ngày 1/1/2019. Hàn Quốc tuyên bố hồi đầu tháng 4 đã tìm kiếm được nguồn thay thế.

Nhật Bản hôm 23/4 cũng đã tuyên bố sẽ chấm dứt các hợp tác với Iran về dầu thô và nhiên liệu. Cụ thể, Bộ trưởng thương mại và công nghiệp Nhật Bản, ông Ahmedhige Seko khẳng định sẽ không mua thêm bất kỳ thùng dầu nào của Iran kể từ ngày 2/5/2019 (thời điểm lệnh cấm miễn trừ được chính thức áp dụng).

Bộ trưởng Seko khẳng định: "Nhật Bản chấp nhận các yêu cầu từ phía đồng minh và sẽ nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp thay thế. Nhật hy vọng sẽ làm giảm thiểu tối đa các tác động từ việc này đến nền kinh tế. Trong thời gian đầu, Tokyo có thể phải mở kho dự trữ năng lượng quốc gia để đáp ứng phần cung cấp bị thiếu hụt".

Đồng minh EU của Mỹ khẳng định sẽ tôn trọng các lệnh trừng phạt của Washington hôm 23/4. Tuy nhiên, EU lấy làm tiếc vì yêu cầu này của Mỹ sẽ làm tác động xấu đến thành công của thỏa thuận hạt nhân JCPOA đã đạt được với Iran hồi năm 2015. Bản thân Mỹ năm 2018 đã rút khỏi thỏa thuận này.

Ấn Độ, một quốc gia ngoài danh sách đồng minh của Mỹ cũng đã lên tiếng. Hôm 23/4, Bộ trưởng Dầu khí và Khí đốt tự nhiên Ấn Độ Dharmendra Pradhan cho biết: "Chính phủ đã đưa ra một kế hoạch mạnh mẽ để tìm kiếm các nguồn cung dầu thô khác cho các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ. Sẽ có thêm nguồn cung từ những nước xuất khẩu lớn khác. Ấn Độ không mua thêm dầu của Iran trong thời gian tới".

Bất chấp các tín hiệu từ phía đồng minh, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang cho thấy họ một mình một phách và không quan tâm đến mục đích của Mỹ muốn đưa ngành xuất khẩu dầu và năng lượng của Iran về "con số 0".

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định: "Quyết định của Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với nhập khẩu dầu Iran sẽ không phục vụ ổn định và hòa bình khu vực, nó chỉ mang lại tổn hại cho người dân Iran. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối quyết định đơn phương này của Mỹ".

Như vậy, Ankara khẳng đinh họ sẽ vẫn làm ăn với Tehran bất chấp Washington có gây ra các áp lực như thế nào. Điều này đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời phản đối Mỹ và chấp nhận đối đầu với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có Trung Quốc là quốc gia trong nhóm 8 nước quyết định tiếp tục hợp tác với Iran. Thậm chí, Bắc Kinh đã ngay lập tức tuyên bố "sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp đang làm việc với Iran".

Hiện tại, Iraq cũng đã lên tiếng sẽ tiếp tục mua khí đốt của Iran bất chấp cấm vận. Ngoài ra còn nhiều quốc gia khác vẫn đang hợp tác với Iran. Tham vọng cấm cửa xuất khẩu Iran của Mỹ sẽ rất khó khăn để thực hiện được.

Tuy nhiên, theo nhận định của Reuters, hàng loạt thị trường nhập khẩu lớn từ chối làm việc với Iran dự kiến cũng sẽ gây ra tổn hại không nhỏ đến nền kinh tế của nước này, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu là chủ yếu.

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran có mối quan hệ gắn bó sâu sắc trong năng lượng. Tehran là một trong những nhà cung cấp chính dầu thô cho các nhà máy lọc dầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, kể từ tháng 11/2018, khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt và mở ra quy chế miễn trừ cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã khôn khéo phối hợp với Tehran như một kênh phân phối năng lượng nước này.

Cụ thể, tàu chở dầu của Iran được phép đi qua kênh đào Suez và cập bến cảng của Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó, Ankara nhận trách nhiệm phân phối nguồn hàng này vào Địa Trung Hải và thu lợi nhuận trung chuyển kếch xù từ đó.

Có thể thấy rằng, một lần nữa, Thổ Nhĩ Kỳ gạt đi nguyện vọng của đồng minh Mỹ và chỉ theo đuổi "Nước Thổ trên hết".