US planes bombing Vietnam
Tầng lớp thượng lưu Đông Nam Á đã "quên mất" hàng chục triệu người Châu Á bị chủ nghĩa thực dân phương Tây sát hại vào cuối và sau Thế Chiến thứ II. Họ đã "quên mất" những gì diễn ra ở phương Bắc - về vụ ném bom đốt cháy Tokyo và Osaka, về vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, về việc quân đội Hoa Kỳ thủ tiêu man rợ thường dân Triều Tiên. Nhưng họ cũng quên cả những nạn nhân của họ - hàng trăm ngàn người, trên thực tế là hàng triệu, người bị bom xé thành từng mảnh nhỏ, bị hóa chất thiêu cháy hoặc bị thủ tiêu trực tiếp - đàn ông, đàn bà và trẻ em ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Indonesia, Philippines và Đông Timor.

Tất cả đã được tha thứ và bị quên lãng.

Một lần nữa Đế Quốc lại tự hào "chuyển trục" sang Châu Á; họ thậm chí còn khoác lác về điều đó.

Điều hiển nhiên là Đế Quốc không biết xấu hổ và không còn phép tắc gì nữa. Nó rao giảng về dân chủ và tự do, trong khi không buồn rửa sạch máu của hàng chục triệu người trên bàn tay của nó.

Ở khắp Châu Á, "công chúng có đặc quyền" đã chọn cách không biết, không nhớ, hay thậm chí là xóa sạch những chương khủng khiếp của lịch sử. Những người bám chặt lấy ký ức bị bịt miệng, cười nhạo, hoặc bị biến thành phi lý.

Chứng lãng quên có lựa chọn, "sự độ lượng" đó sẽ sớm phải trả giá. Một cách ngắn gọn, nó sẽ quay trở lại giống như cái boomerang. Lịch sử lặp lại. Nó luôn như vậy, đặc biệt là lịch sử của chủ nghĩa thực dân và khủng bố phương Tây. Nhưng người phải trả giá không phải là tầng lớp thượng lưu suy đồi đạo đức. Như thường lệ, người nghèo châu Á sẽ bị buộc phải trả giá.

***

Sau khi tôi ra khỏi hang động lớn nhất ở vùng phụ cận Tham Pha Thok của Lào, tôi gửi tin nhắn cho người bạn Việt Nam tốt của tôi ở Hà Nội. Tôi muốn so sánh sự đau khổ của người dân Lào và Việt Nam.

Hang động từng là "nơi trú ẩn" của quân Pathet Lào. Trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ II, nó được sử dụng làm sở chỉ huy. Giờ đây trông nó rất ma quái, giống như một cái xương sọ bị thực vật nhiệt đới bao phủ.

Không lực Hoa Kỳ đã thường xuyên ném bom dữ dội toàn bộ khu vực và vẫn còn nhiều hố bom sâu ở xung quanh, bị cây cối và bụi rậm che phủ.

Hoa Kỳ đã ném bom toàn bộ Lào, vốn được tặng một biệt danh đầy cay đắng: "Quốc gia bị ném bom nhiều nhất trên trái đất".

Thật khó có thể hình dung, trong tình trạng tỉnh táo, điều mà Hoa Kỳ, Australia và đồng minh Thái Lan của họ đã làm với đất nước Lào hiền hòa, thưa dân cư và thuần nông.

John Bacher, nhà sử học và nhà lưu trữ ở Metro Toronto, đã có lần viết về "Cuộc Chiến tranh Bí mật": "Từ năm 1965 đến 1973, Hoa Kỳ đã ném bom xuống Lào nhiều hơn bom ném xuống Nhật Bản và Đức trong Thế Chiến thứ II. Hơn 350.000 người đã bị giết. Cuộc chiến ở Lào chỉ là bí mật với người dân Mỹ và Quốc Hội. Nó tiên đoán mối liên hệ bẩn thỉu giữa buôn bán ma túy và các chính quyền áp bức địa phương mà chúng ta thấy sau này trong vụ Noriega."

Trong chiến dịch bí mật lớn nhất lịch sử Hoa Kỳ này, mục tiêu chính là "ngăn chặn lực lượng thân Việt Nam giành quyền kiểm soát" khu vực. Toàn bộ chiến dịch giống như trò chơi mà những cậu bé lớn xác, độc ác được phép chơi: Ném bom đưa toàn bộ quốc gia về Thời Đồ Đá trong hơn một thập kỷ. Nhưng không thể gọi "trò chơi" này là gì khác ngoài vụ diệt chủng tàn bạo nhất trong lịch sử của thế kỷ 20.

Dĩ nhiên, hầu như không có một ai ở phương Tây hay ở Đông Nam Á biết gì về điều này.

Tôi nhắn tin cho người bạn: "Điều mà tôi được thấy vài năm trước khi làm việc trên Cánh Đồng Chum dĩ nhiên là kinh khủng hơn những gì tôi đã thấy xung quanh Tham Pha Thok, nhưng ngay cả ở đây, những hành động kinh hoàng của Hoa Kỳ cũng bị lãng quên." Tôi cũng gửi cho cô ấy đường link tới những báo cáo trước đó của tôi về Cánh Đồng Chum.

Vài phút sau, cô ấy trả lời: "Nếu anh không nói ... thì tôi sẽ không bao giờ biết về cuộc chiến bí mật này. Như chúng tôi được biết thì chưa bao giờ có chiến tranh ở Lào. Thật tội nghiệp cho người Lào!"

Tôi hỏi những người bạn khác ở Việt Nam, sau đó là ở Indonesia. Không ai biết gì về việc ném bom Lào.

"Cuộc Chiến tranh Bí mật" vẫn thuộc loại tuyệt mật, ngay cả bây giờ, ngay cả ở đây, tại trái tim của khu vực châu Á Thái Bình Dương, hay chính xác hơn, đặc biệt là ở đây.

Khi Noam Chomsky và tôi thảo luận về tình hình thế giới cho cuốn sách của chúng tôi "Về Khủng Bố Phương Tây - Từ Hiroshima tới Chiến Tranh của Máy Bay Không Người Lái", Noam nhắc tới chuyến thăm đất nước Lào bị chiến tranh tàn phá. Ông ấy nhớ rõ về những phi công Hoa Kỳ, cũng như hàng đoàn nhà báo phương Tây, những người sống ở Vientiane nhưng quá bận rộn để nhìn và không hỏi bất cứ câu hỏi có liên quan nào.

***

"Ở Philippine, tuyệt đại đa số người dân bây giờ bị thuyết phục rằng Hoa Kỳ đã 'giải phóng' đất nước họ khỏi người Nhật", nhà báo cánh tả bạn tôi đã có lần nói như vậy.

Tiến sĩ Teresa S. Encarnación Tadem, giáo sư khoa học chính trị đại học Diliman của Philippine, giải thích với tôi vào năm ngoái, mặt đối mặt, ở Manila: "Ở đây có câu nói như thế này: 'Người Philippine yêu người Mỹ hơn là người Mỹ yêu bản thân họ.'"

Tôi hỏi: "Tại sao có thể thế được? Philippine bị Hoa Kỳ chiếm làm thuộc địa. Một số vụ thảm sát kinh hoàng đã diễn ra ... Đất nước này chưa bao giờ thực sự được tự do. Tại sao 'tình yêu' đối với Hoa Kỳ lại thịnh hành?"

"Đó là bởi vì cỗ máy tuyên truyền cực kỳ mạnh mẽ của Bắc Mỹ," chồng Teresa, tiến sĩ Eduardo Climaco Tadem, giáo sư khoa nghiên cứu châu Á đại học Diliman của Philippine, giải thích. "Nó đã tô vẽ thời kỳ lệ thuộc Hoa Kỳ như là một kiểu chủ nghĩa thực dân tốt lành, đối lập với thời kỳ lệ thuộc Tây Ban Nha trước đó, được mô tả là "tàn bạo hơn". Những tội ác trong chiến tranh Hoa Kỳ-Philippine (1898-1902) không được thảo luận. Những tội ác này khiến 1 triệu người Philippine bị giết hại. Vào thời kỳ ấy là gần 10% dân số của chúng tôi ... diệt chủng, tra tấn ... Philippine được gọi là "Việt Nam thứ nhất" ... tất cả những chuyện đó đều bị truyền thông đại chúng lãng quên, vắng mặt trong sách giáo khoa lịch sử. Dĩ nhiên, sau đó là những hình ảnh được Hollywood và văn hóa đại chúng Hoa Kỳ phổ biến: quân đội Hoa Kỳ anh hùng và tốt bụng cứu vớt đất nước bị tàn phá và giúp đỡ người nghèo ..."

Về căn bản, hoàn toàn trái ngược với hiện thực.

"Hệ thống giáo dục rất quan trọng", Teresa Tadem nói thêm. "Hệ thống giáo dục tạo ra sự đồng thuận và điều đó tạo ra sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ ... ngay cả trường đại học của chúng tôi - Đại học của Philippine - cũng được người Mỹ thiết lập. Anh có thể thấy điều đó được phản ánh trong chương trình đào tạo - ví dụ như các khóa học về khoa học chính trị ... tất cả chúng đều bắt nguồn từ Chiến Tranh Lạnh và tinh thần của nó."

Hầu hết trẻ em thuộc "tầng lớp thượng lưu" châu Á được "giáo dục" ở phương Tây, hoặc ít nhất là trong các "trường quốc tế" ở quê hương của chúng, tại đó các chương trình giáo dục thực dân được áp dụng. Hay tại các trường học tư nhân hoặc tôn giáo / Thiên Chúa Giáo ... "Giáo dục" kiểu đó luôn sử dụng các khái niệm tẩy não thân phương Tây và ủng hộ kinh doanh.

Một khi được tẩy não xong, trẻ em thuộc giới "thượng lưu" sẽ đi tẩy não phần dân chúng còn lại. Kết quả có thể dự đoán được: chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc phương Tây và thậm chí là chủ nghĩa thực dân đều không thể đụng tới, đều được tôn kính và ngưỡng mộ. Các quốc gia và các cá nhân đã giết hại hàng triệu người được gọi là những người thực thi tiến bộ, dân chủ và tự do. Thật là "cao quý" khi được hòa trộn với những người đó, cũng như là khát vọng được "làm theo hình mẫu của họ". Lịch sử đã chết. Nó bị thay thế bởi những câu chuyện cổ tích sơ đẳng theo kiểu Hollywood và Disney.

***

Ở Hà Nội, một bức ảnh hình tượng thể hiện người phụ nữ kéo chiếc cánh của máy bay Hoa Kỳ bị bắn rơi được gắn vào một tượng đài. Đó là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, có sức hút.

Người bạn của tôi, George Burchett, một nghệ sĩ Autralia nổi tiếng sinh ra ở Hà Nội và hiện giờ lại sống ở thành phố này, hộ tống tôi.

Bố của George, Wilfred Burchett, có thể được coi là nhà báo nói tiếng Anh vĩ đại nhất thế kỷ 20. Châu Á là nhà của Wilfred. Châu Á là nơi ông ấy tạo ra những công trình bất hủ, mô tả những hành động vô nhân đạo nhất của phương Tây tàn bạo: lời tường thuật của ông bao gồm từ mô tả tận mắt vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima tới những vụ thảm sát hàng loạt thường dân trong "Chiến tranh Triều Tiên". Wilfred Burchett cũng đưa tin về Việt Nam, Lào, Campuchia, đó chỉ là một số trong những nơi bất hạnh bị Hoa Kỳ và đồng minh của họ phá hủy hoàn toàn.

Hiện giờ sách của ông được các nhà xuất bản hàng đầu trên khắp thế giới xuất bản và tái bản, nhưng nghịch lý là chúng không tồn tại trong ý thức của thanh niên châu Á.

Người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh niên, biết rất ít về những hành động tàn bạo của phương Tây đối với các nước láng giềng của họ. Giỏi lắm thì họ biết về tội ác của Pháp và Hoa Kỳ tại đất nước họ - ở Việt Nam, họ không biết hoặc hầu như không biết gì về nạn nhân của những con quái vật được phương Tây tài trợ như Marcos và Suharto. Họ không biết gì về Campuchia - không biết gì về những kẻ thực sự phải chịu trách nhiệm về 2 triệu mạng người.

"Những cuộc chiến bí mật" vẫn là bí mật

Cùng với George Burchett, tôi thán phục nghệ thuật cách mạng và xã hội chủ nghĩa tuyệt vời ở Bảo Tàng Nghệ Thuật Quốc Gia. Hàng sa số các hành động tàn bạo của phương Tây được mô tả cực kỳ chi tiết ở đây, cũng như sự nỗ lực kháng chiến quyết tâm chống lại thực dân Hoa Kỳ của nhân dân Việt Nam vĩ đại và anh hùng.

Nhưng có một cảm giác kỳ quái trong viện bảo tàng - nó hầu như trống không! Bên cạnh chúng tôi chỉ có vài người khách, tất cả đều là khách du lịch nước ngoài: những gian đại sảnh của cơ sở nghệ thuật đáng kinh ngạc này hầu như trống không.

***

"Người Indonesia không biết, bởi vì họ đã bị làm cho ngu đần!" Người bạn già Djokopekik của tôi quát lên, ở phòng tranh của ông tại Yogyokarte. Ông ấy có thể được coi là nghệ sĩ hiện thực xã hội chủ nghĩa vĩ đại nhất của Đông Nam Á. Trong những bức tranh sơn dầu của ông, các binh lính tàn bạo đá vào lưng người dân khốn khổ, trong khi một con cá sấu khổng lồ (biểu tượng của sự tha hóa) tấn công, ngoạm và ăn thịt tất cả những người trước mặt. Djokopekik cởi mở và trung thực đến tàn nhẫn: "Đó là kế hoạch của họ; mục tiêu lớn nhất của chính quyền là tẩy não dân chúng. Người Indonesia không biết gì về lịch sử nước họ hay phần còn lại của Đông Nam Á!"

Trước khi chết, Pramoedya Ananta Toer, nhà văn có ảnh hưởng nhất Đông Nam Á đã nói với tôi: "Họ không thể suy nghĩ được nữa ... và họ không thể viết. Tôi không thể đọc hơn 5 trang của bất cứ nhà văn Indonesia đương đại nào ... chất lượng thật đáng xấu hổ ..." Trong cuốn sách mà chúng tôi (Pramoedya Ananta Toer, Rossie Indira và tôi) viết cùng nhau - "Đi đày (Exile)", ông than khóc rằng người dân Indonesia không biết gì về lịch sử hay thế giới.

Nếu như họ biết, họ chắc chắn sẽ nổi dậy và lật đổ chính quyền ô nhục đang cai trị quần đảo của họ cho đến ngày nay.

Hai đến ba triệu người Indonesia đã chết sau cuộc đảo chính quân sự năm 1965, do phương Tây và các giáo sĩ, chủ yếu là dòng Kháng Cách bắt nguồn từ châu Âu, châm ngòi và hỗ trợ. Đại đa số người dân ở quần đảo vô vọng này giờ đây hoàn toàn bị tẩy não bởi tuyên truyền của phương Tây, họ thậm chí không có khả năng nhận ra sự khốn khổ của bản thân họ. Họ vẫn tiếp tục đổ lỗi các nạn nhân (chủ yếu là người cộng sản, trí thức và "vô thần") vì những sự kiện đã diễn ra cách đây đúng 50 năm, những sự kiện đã bẻ gẫy xương sống của quốc gia một thời kiêu hãnh và tiến bộ này.

Người Indonesia hầu như hoàn toàn tin vào những câu chuyện cổ tích cánh hữu, phát xít do phương Tây bịa ra và phổ biến thông qua các kênh truyền thông đại chúng địa phương nằm trong tay tầng lớp "thượng lưu" đĩ thõa ... Không có gì đáng ngạc nhiên: trong suốt 50 năm dơ dáy, họ đã bị tẩy não về mặt trí tuệ và văn hóa bởi những thứ hạ cấp nhất của Hollywood, nhạc pop phương Tây và Disney.

Họ không biết gì về đất nước của họ.

Họ không biết gì về tội ác của bản thân họ. Họ không biết gì về những vụ diệt chủng mà họ đã gây ra. Hơn một nửa số chính khách của họ thực ra là tội phạm chiến tranh, chịu trách nhiệm về hơn 30% số đàn ông, đàn bà, trẻ em bị giết hại trong thời kỳ đô hộ được Hoa Kỳ/Anh/Australia hậu thuẫn ở Đông Timor (hiện giờ là quốc gia độc lập), về vụ tắm máu năm 1965 và vụ diệt chủng vẫn đang diễn ra mà Indonesia gây ra ở Papua.

Thông tin về tất cả những sự kiện kinh hoàng này đều có sẵn trên mạng. Có hàng ngàn trang mạng đăng tải bằng chứng chi tiết và nặng ký. Mặc dù vậy, hèn nhát và cơ hội, công chúng "có giáo dục" của Indonesia đã chọn cách "không biết".

Dĩ nhiên, phương Tây và băng đảng của họ có lợi lớn từ việc cướp bóc Papua.

Do vậy, tội ác diệt chủng của họ được tiến hành, tất cả che phủ trong bí mật.

Nếu như hỏi ở Việt Nam, Myanmar và thậm chí là ở Malaysia, người dân biết gì về Đông Timor và Papua? Câu trả lời là không gì cả, hoặc hầu như không gì cả.

Myanmar, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippine - các quốc gia này nằm trên cùng một phần của thế giới, nhưng nếu họ nằm trên các hành tinh khác nhau thì cũng không khác gì. Đó là kế hoạch như vậy: công thức chia để trị cổ xưa của Anh Quốc.

Ở Manila, thủ đô của Philippine, một gia đình khẳng định rằng Indonesia nằm ở châu Âu khi nói với tôi. Gia đình này cũng không biết gì về tội ác do chính quyền thân phương Tây của Marcos gây ra.

***

Truyền thông đại chúng phương Tây khuếch trương Thái Lan như là "đất nước của nụ cười", mặc dù vậy đó là một nơi cực kỳ cay đắng và tàn bạo, có tỷ lệ sát nhân (tính trên đầu người) thậm chí còn cao hơn cả ở Hoa Kỳ.

Thái Lan hoàn toàn bị phương Tây kiểm soát từ cuối Thế Chiến thứ II. Hệ quả là giới lãnh đạo của nó (nhà vua, giới thượng lưu và quân đội) đã cho phép những tội ác chống lại nhân loại tàn bạo nhất diễn ra trên lãnh thổ nước này. Chỉ đề cập một số nhỏ: vụ thảm sát những người Thái Lan nổi dậy cánh tả và ôn hòa (một số người bị thiêu sống trong các thùng dầu), vụ sát hại hàng ngàn người tị nạn Campuchia, giết hại và cưỡng hiếp sinh viên biểu tình ở Bangkok và những nơi khác ... Và điều khủng khiếp nhất của họ: Sự tham gia ít người biết đến của Thái Lan trong cuộc xâm lược Việt Nam dưới thời "Chiến tranh chống Mỹ" ... việc sử dụng rộng rãi phi công Thái Lan trong các hoạt động ném bom ở Lào, Việt Nam và Campuchia, cũng như việc chuyển giao một số sân bay quân sự (trong đó có Pattaya) cho không lực phương Tây. Đấy là chưa nói đến việc cung cấp các bé trai và bé gái Thái Lan (phần nhiều là dân tộc thiểu số) cho binh lính phương Tây.

***

Tội ác mà phương Tây vung vãi khắp Đông Nam Á dường như đã bị lãng quên, hay ít nhất là trong hiện tại.

"Hãy tiến về tương lai!" Tôi được nghe ở Hà Nội và Luang Prabang.

Nhưng trong khi người dân Việt Nam, Lào và Campuchia đang bận rộn "tha thứ" cho những đao phủ của họ, Đế Quốc giết hại người dân của Iraq, Syria, Lybia, Pakistan, Afghanistan, Yemen, Ukraina và mọi ngóc ngách của Châu Phi.

Nhiều người đã khẳng định và một số đã chứng minh, nhất là ở Nam Mỹ, nơi mà hầu như tất cả các con quái vật đã bị trừ khử, rằng không có một tương lai tử tế nào cho hành tinh này nếu không thừa nhận và thấu hiểu quá khứ.

Sau khi "tha thứ cho phương Tây", một số quốc gia Đông Nam Á ngay lập tức bị buộc phải đối đầu với Trung Quốc và Nga.

Khi "được tha thứ", phương Tây không chỉ nhún nhường tiếp nhận sự độ lượng vĩ đại của nạn nhân họ. Hành vi đó không thuộc về văn hóa của họ. Trái lại, họ coi sự tốt bụng là yếu đuối và ngay lập tức lợi dụng điều đó.

Bằng cách tha thứ cho phương Tây, bằng cách "lãng quên" tội ác của phương Tây, Đông Nam Á thực sự không làm điều gì tích cực. Họ chỉ phản bội các nạn nhân cùng cảnh ngộ với họ, trên khắp thế giới.

Họ cũng, theo một cách thực dụng và ích kỷ, mong đợi một phần thưởng nào đó. Nhưng phần thưởng ấy không bao giờ đến! Lịch sử đã chứng minh điều đó nhiều lần. Phương Tây muốn mọi thứ. Và họ tin rằng họ xứng đáng nhận mọi thứ. Nếu không bị chống lại, họ sẽ cướp bóc đến cùng, đến khi không còn gì nữa - như họ đã làm ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo, ở Iraq hay Indonesia.

***

Nhà sử học nổi tiếng người Australia và là giáo sư danh dự tại đại học Nagasaki của Nhật Bản, Geoffrey Gunn, đã viết tiểu luận này:
"Hoa Kỳ nắm giữ quyền lực cứng và mềm ngang nhau hay có vẻ như vậy. Qua lại Đông Nam Á trong bốn thập kỷ qua, tôi thừa nhận là đã bị bối rối trước những hồi ức có lựa chọn về dấu ấn của Hoa Kỳ. Như Lào và Campuchia, tại mỗi nước Hoa Kỳ đã ném số lượng bom lớn hơn ném xuống các thành phố của Nhật Bản trong Thế Chiến thứ II, nơi mà bom mìn chưa nổ vẫn lấy đi nhân mạng mỗi ngày. Trước đây không lâu, tôi hỏi một quan chức cấp cao của chính quyền ở Phnom Penh xem chính quyền Obama có xin lỗi về các tội ác đó không. "Không đời nào," ông ấy nói, nhưng sau đó ông ấy cũng không siết chặt nắm đấm, cũng như dân chúng dường như đã bị tê cứng về những thực tế cơ bản trong lịch sử phía sau của chính họ ngoài một cảm giác chung chung về sự kinh hoàng của quá khứ. Ở Lào vào tháng 12 năm 1975, tôi đã tình cờ ở đó khi những người cách mạng, đầy giận dữ trước Hoa Kỳ, giành lấy đất nước; việc trưng bày tội ác của Hoa Kỳ - từng là thứ được tuyên truyền thường xuyên - đã bị bỏ xó trong các góc của bảo tàng. Ở Việt Nam cũng vậy, họ đang chậm rãi tiến vào vòng tay của Hoa Kỳ với tư cách đối tác chiến lược, trong khi Hoa Kỳ không ăn năn hối lỗi với các nạn nhân của bom đạn, vũ khí hóa học và các tội ác khác. Ở Đông Timor, bị tổng thống Ford và ngoại trưởng Henry Kissinger hiến tế cho các tướng quân Indonesia để đổi lấy các lợi ích của phủ nhận chiến lược, nơi khoảng 30% dân số đã bị xóa sổ, Hoa Kỳ được tha thứ hay ít nhất là xóa bỏ khỏi các tường thuật chính thống. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ cấp nhà nước đầu tiên, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quảng cáo rùm beng các hợp tác kinh doanh lớn với Hoa Kỳ, một sự "bình thường mới" trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và giờ là đối tác của Hoa Kỳ trong "cuộc chiến chống khủng bố", như ở Afghanistan. Tốt thôi, vừa mới dạy lịch sử ở một trường đại học của Trung Quốc, tôi có thể nói thêm rằng lịch sử là quan trọng ở Trung Quốc nhưng chỉ là với Nhật Bản."
***

"Trung Quốc thường coi việc chống lại chủ nghĩa đế quốc, thực dân và tân thực dân phương Tây là lời hiệu triệu chủ chốt trong chính sách đối ngoại," Geoff thở dài, khi chúng tôi ngắm nhìn cái vịnh của thành phố quê hương ông - Nagasaki. "Giờ chỉ có tội ác của Nhật Bản là được nhớ tới ở Bắc Kinh."

Nhưng quay trở lại Đông Nam Á ...

Tất cả đều bị lãng quên và được tha thứ, lý do "tại sao" là rất rõ ràng, đơn giản. Họ được trả tiền để lãng quên! "Sự tha thứ" mang lại tài trợ; nó đảm bảo "các học bổng", một trong những cách các nước phương Tây phổ biến sự tha hóa của họ tại các nước chư hầu và tại các nước họ muốn lôi kéo vào quỹ đạo của họ.

Tầng lớp thượng lưu, với những căn nhà xa hoa, du lịch nước ngoài, trẻ em tại trường học ngoại quốc, là một nhóm rất dễ tha thứ.

Nhưng khi bạn đến vùng nông thôn, nơi mà đa số người dân Đông Nam Á vẫn sống. Mọi chuyện rất khác. Mọi chuyện ở đó khiến bạn rùng mình.
Trước khi rời khỏi Lào, tôi ngồi bên chiếc bàn ngoài trời ở làng Nam Bak, cách Luang Prabang khoảng 100 km. Bà Nang Oen kể cho tôi nghe câu chuyện về vụ ném bom trải thảm của Hoa Kỳ và ông Un Kham chỉ cho tôi những vết thương trên người:

"Ngay cả ở đây, ở Nam Bak, chúng tôi có nhiều hố bom ở khắp nơi, nhưng giờ chúng đã bị các cánh đồng lúa và nhà cửa che phủ. Vào năm 1968, nhà của bố mẹ tôi bị trúng bom... Tôi nghĩ rằng họ đã ném bom 500 bảng vào đó. Cuộc sống thật là không thể chịu nổi trong chiến tranh. Chúng tôi phải ngủ trên cánh đồng hoặc trong hang. Chúng tôi luôn phải di chuyển. Nhiều người đã bị đói khi chúng tôi không thể thu hoạch mùa màng."

Tôi hỏi bà Nang Oen về người Mỹ. Bà có quên, tha thứ không?

"Tôi cảm thấy thế nào về họ? Thực sự tôi không biết nói gì. Sau tất cả những năm tháng đó, tôi vẫn không thể nói lên lời. Họ giết sạch mọi thứ, kể cả gà. Tôi biết rằng họ vẫn đang làm chuyện tương tự khắp thế giới..."

Bà tạm ngừng, nhìn về phía chân trời.

"Đôi khi tôi nhớ những gì đã xảy ra với chúng tôi... Đôi khi tôi quên". Bà nhún vai. "Nhưng khi tôi quên thì đó chỉ là trong chốc lát. Chúng tôi không nhận được bất cứ sự bồi thường nào, thậm chí lời xin lỗi cũng không. Tôi không thể làm được gì. Đôi khi tôi thức giấc vào nửa đêm và khóc."

Tôi lắng nghe bà và hiểu, sau nhiều thập kỷ làm việc ở phần này của thế giới: đối với nhân dân Lào, Việt Nam, Campuchia và Đông Timor, không có gì bị lãng quên và không có gì được tha thứ. Sẽ không bao giờ!

Dịch bởi Hiệp Sĩ Cưỡi Lừa