Russian super weapons
Nga giảm chi tiêu quân sự vì đã đủ vũ khí răn đe
Nga đứng thứ 6 thế giới về ngân sách quốc phòng

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) được thành lập năm 1966. SIPRI là một trung tâm phân tích độc lập chuyên nghiên cứu về xung đột, vũ khí, kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị.

Theo dữ liệu của công trình nghiên cứu, chi tiêu quân sự trên thế giới năm 2018 lên tới 1,8 nghìn tỷ USD, tức là cao hơn 2,6% so với năm trước. Chi tiêu quân sự thế giới năm 2018 cũng đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1988, khi SIPRI bắt đầu thu thập thông tin và lưu giữ hồ sơ về chuyên mục này.

Đồng thời, lần đầu tiên kể từ năm 2006, Nga đã không có mặt trong tốp năm quốc gia dẫn đầu về chỉ số này - theo bản báo cáo thường niên của (SIPRI).

Theo tính toán của SIPRI, tổng chi tiêu quân sự năm 2018 chiếm tới 2,1% GDP thế giới. Báo cáo cũng nêu rõ, năm 2018, chi tiêu quân sự thế giới đã cao hơn 76% so với năm 1998, khi chi phí quân sự đạt mức thấp nhất sau thời kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Theo đó, chi nhiều tiền nhất cho vũ khí và được xếp trên Nga là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Ấn Độ và Pháp. Các nước này chiếm 60% chi tiêu quân sự toàn cầu.

Hoa Kỳ, với chi phí quốc phòng 649 tỷ dollars, trở thành người dẫn đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia có chi phí quân sự lớn nhất thế giới. Lọt tốp 5 còn có Trung Quốc (250 tỷ dollars), Ả Rập Saudi (67,6 tỷ dollars), Ấn Độ (66,5 tỷ dollars) và Pháp (63,8 tỷ dollars).

Như vậy, chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ đã tăng thêm 4,6% so với năm 2017 để lên tới 649 tỷ USD. Con số này cho thấy là chi tiêu quân sự của người Mỹ năm 2018 xấp xỉ mức tổng cộng chi tiêu quân sự của tám nước đứng sau Hoa Kỳ trong bảng xếp hạng của SIPRI, trong khi tỷ lệ của Trung Quốc trong chi tiêu quân sự thế giới là 14%, xếp ở vị trí thứ hai thế giới.

Báo cáo cũng lưu ý rằng, năm 2018 có thể quan sát thấy rõ sự gia tăng chi tiêu quân sự ở các quốc gia Trung và Đông Âu. Chuyên gia nghiên cứu cấp cao của SIPRI, ông Peter Wezemann tin rằng xu hướng này "chủ yếu vì ngày càng gia tăng cảm giác về mối nguy từ Nga".

Trong khi đó, theo dữ liệu thống kê của SIPRI, chi tiêu quân sự của Nga trong năm 2018 là 61,4 tỷ USD, nghĩa là ít hơn 3,5% so với năm ngoái. Do đó, Nga tụt xuống vị trí thứ sáu trong bảng xếp hạng của Viện này, lần đầu tiên ra khỏi Top 5 sau 13 năm liên tiếp đứng trong Top 5.

Được biết rằng, đây đã là năm thứ hai liên tiếp Nga cắt giảm chi phí quốc phòng. Liệu đây có phải là một xu hướng mới trong đầu tư quốc phòng Nga? Nó thể hiện điều gì? Nga đang tụt lùi so với các nước phương Tây hay đây là một chiến lược có chủ ý của Moscow?

Nga giảm ngân sách quốc phòng vì đã đủ vũ khí răn đe

Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Dmitry Kornev, Trưởng biên tập của trang MilitaryRussia.ru đã cho ý kiến bình luận về việc Nga cắt giảm chi tiêu quân sự và nêu quan điểm của ông về việc thứ hạng của Nga ngoài Top 5 nói lên điều gì.

Theo vị chuyên gia này, việc Nga đứng thứ 6 về chi tiêu quân sự có cả lý do chính trị lẫn nguyên nhân kinh tế.

Rất dễ hiểu là quy mô kinh tế-tài chính của Hoa Kỳ và Trung Quốc lúc này cho phép họ có ngân sách quân sự khổng lồ như SIPRI đã nêu ra. Nhưng Nga không có kế hoạch chạy đua theo đuổi những con số như vậy và quả thực đã cắt giảm ngân sách dành cho kinh phí quân sự.

Ông cho rằng, chiến lược phát triển năng lực tác chiến quốc gia của Nga hiện nay đã có sự bình ổn nhất định, mặc dù Chương trình vũ khí cho đến năm 2027 cũng từng có "xáo trộn" trong vài năm gần đây.

Ví dụ như đã thấy có 20 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 PAK FA Su-57 (trước đây là T-50) trong chương trình này và chờ đợi rằng sẽ có thêm vài chục chiếc. Trong chương trình cũng không thấy có sự hiện diện của hàng không mẫu hạm trong kế hoạch đóng tàu của hải quân.

Nhưng không thể nói rằng như vậy là Nga hết tiền đầu tư cho chi tiêu quốc phòng hay yếu kém mà thay vào đó, cách tiếp cận chương trình vũ khí thuần túy trở nên cân bằng hơn, hợp lý hơn.

Theo chuyên viên Dmitry Kornev, không có chương trình nào tồn tại theo nguyên tắc cứng nhắc, chúng ta có thể làm việc này vậy thì hãy làm hoặc ngừng chương trình kia thì hãy ngừng. Hiện nay, Nga đang tiến hành những chương trình thực sự cảm thấy cần thiết.

Trước đó, vào tháng 12 năm 2017, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng, Nga sẽ không để bị lôi kéo vào các cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ và phương Tây, mà sẽ lựa chọn con đường đi riêng của mình, để sử dụng ít kinh phí nhất nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao nhất.

Tổng thống lưu ý, trong năm 2018, tỷ lệ chi tiêu quốc phòng của Nga so với GDP sẽ là khoảng 2,85% và sau đó tiếp tục giảm xuống một cách bền vững, cắt giảm theo từng giai đoạn, thích hợp với ngân sách quốc gia.

Tháng 3 năm 2018, Thư ký báo chí của nguyên thủ quốc gia Nga, ông Dmitry Peskov thông báo rằng qua 5 năm Nga dự định chi cho mục đích quốc phòng khoảng dưới 3% GDP và sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách quốc phòng, do hầu hết các hạng mục Chương trình vũ khí cho đến năm 2020 đã hoàn thành và những hạng mục trong chương trình phát triển đến năm 2027 đang thực hiện rất đúng tiến độ kế hoạch.

Theo đó, ngân sách quốc phòng của Nga sẽ dần dần được cắt giảm, bởi phần lớn tiến trình đổi mới cơ sở vật chất của lực lượng vũ trang đã được hoàn thành, những vũ khí công nghệ cao cũng đã hoàn tất.

Nga đã hoặc sắp đưa vào biên chế hàng loạt vũ khí công nghệ cao như: Tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Kh-555; tên lửa hành trình chiến lược mang đầu đạn hạt nhân Kh-101/102; tên lửa siêu thanh Kinzhal, đầu đạn siêu thanh mới Avangard (Tiên phong), hay tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thế hệ mới RS-28 Sarmat.

Do đó, việc Nga giảm ngân sách quốc phòng cho thấy những loại vũ khí công nghệ cao của nước này đã thực sự hoàn thiện, nên Mỹ và phương Tây đừng chớ vội vui mừng, mà nên biết sợ vì điều đó.