Putin/Monitors
© screen shot 2017
Ngày 1/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ký ban hành luật tạo ra mạng Internet riêng của nước Nga mang tên Runet. Luật mới kêu gọi thành lập một trung tâm quản lý được giám sát bởi Cơ quan Giám sát truyền thông, công nghệ thông tin và truyền thông đại chúng Liên bang Nga (Roskomnadzor).

Với việc có một mạng Internet độc lập, Nga đã phòng bị cho mình khả năng chống lại các rủi ro lớn nhất, bao gồm cả trường hợp mạng toàn cầu bị sập.

Trong trường hợp xảy ra tấn công mạng, Roskomnadzor sẽ tiến hành "hoạt động tập trung của tổng hệ thống liên lạc", giúp chính phủ Nga xác định các mối đe dọa để từ đó đưa ra biện pháp đối phó thích hợp. Ngoài ra, thông tin của các tổ chức và công ty nhà nước cũng sẽ được bảo vệ bằng phương thức mã hóa, theo RIA-Novosti.

Điện Kremlin mô tả, Runet là mạng internet nội địa "bền vững, an toàn và ổn định".

Văn bản luật trên đã được công bố công khai trên cổng thông tin của Chính phủ Nga hôm 1/5, sẽ có hiệu lực vào tháng 11/2019. Đến thời điểm này, Nga chưa tiết lộ gì nhiều về mạng Internet độc lập này.

Runet được cho là một biện pháp đối phó của Nga với Chiến lược An ninh mạng quốc gia Mỹ - vốn cáo buộc Nga, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên sử dụng các công cụ mạng làm "suy yếu" nền kinh tế và dân chủ Mỹ.

Trước đó Nga đã thử nghiệm hiệu quả hoạt động của một hệ thống mạng Internet độc lập riêng, tạm ngắt kết nối Internet của Nga với hệ thống mạng toàn cầu. Cuộc thử nghiệm đặt ra yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng Nga (ISP) phải cài đặt các biện pháp kĩ thuật nhằm điều hướng toàn bộ lưu lượng Internet của Nga đến các điểm trung chuyển được phê chuẩn hoặc các điểm được quản lý bởi Roskomnazor.

Roskomnazor sẽ giám sát lưu lượng mạng Internet để ngăn chặn các nội dung bị cấm và đảm bảo rằng các dữ liệu được truyền tải giữa những người dùng Internet ở Nga sẽ chỉ nằm ở tại nước Nga, chứ không bị điều hướng không cần thiết đến các máy chủ ở nước ngoài, nơi chúng có thể bị can thiệp.

Nga cũng sẽ xây dựng phiên bản riêng của hệ thống tên miền (DNS) hay còn gọi là sổ địa chỉ của Internet. Nhờ đó, nó có thể hoạt động nếu liên kết đến các máy chủ có vị trí quốc tế bị cắt.

Theo báo chí Nga, nhà chức trách Nga thậm chí còn xây dựng một bản sao lưu dự phòng của Hệ thống Phân giải Tên miền (DNS) lưu ở trong nước và đã thử nghiệm hai lần vào năm 2014 và 2018.

Sự chuẩn bị của Moscow là có cơ sở. Hiện tại có 12 tổ chức giám sát các server chính cho DNS song không server nào đặt tại Nga. Do đó, một khi mạng toàn cầu gặp trục trặc, thậm chí Nga bị ngắt kết nối khỏi Internet toàn cầu vì một lý do nào đó, chẳng hạn như biện pháp trừng phạt, thì Moscow có thể lường trước được kịch bản cho mình.

Trước các cuộc thử nghiệm của Nga, Người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), Trung tướng Paul Nakasone cho rằng, việc Nga thiết lập mạng Internet có chủ quyền riêng đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ kiểm duyệt và giám sát mọi thông tin từ người dùng.