maduro venezuela army
Đất nước Venezuela, vốn đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong suốt mấy năm gần đây do tình hình chính trị-xã hội bất ổn, kinh tế lao dốc vì nhiều lý do cả khách quan và chủ quan, một lần nữa lại trải qua những thời khắc vô cùng căng thẳng khi phe đối lập, với sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch từ bên ngoài, phát động âm mưu đảo chính hòng lật đổ chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Mặc dù đây không phải lần đầu tiên chính quyền cách mạng Bolivar đứng trước những thách thức cam go trong suốt 20 năm cầm quyền, song bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế hiện nay khiến tình hình trở nên phức tạp gấp bội.

Từ âm mưu đảo chính...

Rạng sáng 30/4, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã tung lên mạng xã hội một đoạn băng, trong đó nhân vật này đứng cùng một nhóm binh sỹ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia, tuyên bố giai đoạn cuối cùng của cái gọi là "Chiến dịch tự do" đã bắt đầu, nói rằng ông ta "đã nhận được sự ủng hộ của quân đội, căn cứ không quân La Carlota đã nằm trong sự kiểm soát của phe đối lập" đồng thời kêu gọi người dân xuống đường biểu tình để lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro. Nhân vật tự phong là "Tổng thống lâm thời" này cũng không quên nhắc lại nhiều lần rằng đây là "ngày quyết định" đối với Venezuela.

guaido
© Reuters / Carlos Garcia RawlinsKẻ tiếm quyền Juan Guaido đang cố gắng kích động dân chúng
Một số vụ đụng độ giữa những người ủng hộ phe đối lập và cảnh sát chống bạo động cũng xảy ra, song trên thực tế chỉ tập trung chủ yếu tại khu vực xung quanh cầu vượt Altamira ở phía Đông thủ đô Caracas, nơi được coi là thành trì của phe đối lập Venezuela. Các nhóm quá khích ủng hộ phe đối lập vẫn tiếp tục sử dụng chiến thuật mà họ đã thực hiện nhiều năm nay mỗi khi được huy động, là tấn công bằng gạch đá, bom xăng tự chế và thậm chí cả bằng vũ khí nóng, buộc lực lượng an ninh phải sử dụng lựu đạn hơi cay, đạn cao su và vòi rồng để giải tán đám đông.

Manh động hơn, các nhóm này còn tấn công cả căn cứ không quân La Carlota ở gần đó, địa điểm mà trước đó thủ lĩnh đối lập khẳng định là "đã nằm trong sự kiểm soát" của mình.

Ngay lập tức, Mỹ và một số chính phủ cánh hữu ở Mỹ Latinh đã lên tiếng ủng hộ hành động của thủ lĩnh đối lập Guaido, đồng thời kêu gọi Tổng thống Maduro sớm chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa.

Giới phân tích chính trị Mỹ Latinh nhận định, đây là những hành động có sự phối hợp và tính toán kỹ lưỡng nhằm gây thêm sức ép đối với Chính phủ Venezuela.

Thậm chí các tổ chức khu vực có quan điểm chống Venezuela như Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) hay Nhóm Lima đã lập tức đưa ra tuyên bố chỉ trích "Chính phủ Venezuela sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình ôn hòa," song lại phớt lờ thực tế rằng chính những nhóm quá khích chống chính phủ chủ động sử dụng các biện pháp bạo lực để thực hiện mưu đồ gây ra tình trạng bạo loạn xã hội.
government soldiers maduro
© Federico Parra / Agence France-PresseVài tay súng lẻ loi bắn chỉ thiên để gây thanh thế cho Guaido
Thực tế cho thấy tuyên bố của thủ lĩnh đối lập Guaido về "sự hậu thuẫn của quân đội và đại bộ phận nhân dân Venezuela" chỉ là chiêu bài để kích động sự hoảng loạn trong dân chúng, lôi kéo người dân vào các hành động bạo lực và gây chia rẽ trong hàng ngũ quân đội trung thành với nhân dân, chính phủ và hiến pháp.

Sau vài giờ tập trung tại khu vực cầu vượt Altamira để chờ đợi thêm sự tham gia của binh lính mà ông ta cho là "sẽ nghe theo lời kêu gọi," nhưng không đạt được mục đích, ông Guaido và một nhóm nhỏ binh sỹ phản bội cùng các nhân vật đối lập khác đã di chuyển tới địa điểm khác và sau đó "biến mất," để lại những nhóm quá khích tiếp tục đối đầu với lực lượng chống bạo loạn.

Ngay chiều 30/4, thông tin từ các hãng truyền thông cho biết nhân vật đối lập được coi là "người đỡ đầu" của ông Guaido, Chủ tịch đảng Voluntad Popular (Ý chí nhân dân) Leopoldo Lopez, người được giải thoát sáng cùng ngày khi đang phải thụ án quản thúc tại gia và xuất hiện cùng thủ lĩnh đối lập Guaido trong các hoạt động kích động, đã cùng gia đình đến "làm khách" tại Đại sứ quán Chile và sau đó chuyển sang Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Caracas, trong khi nhóm hơn 20 binh sỹ tham gia đảo chính bất thành cũng xin tị nạn tại Đại sứ quán Brazil.

...Đến cuộc chiến truyền thông gây nhiễu

Có thể nói, xung quanh vụ đảo chính bất thành gây hỗn loạn tình hình chính trị-xã hội Venezuela này, phe đối lập đã tung hàng loạt thông tin giả mạo lên mạng xã hội, được các phương tiện truyền thông phương Tây đăng tải rộng rãi nhằm tạo ra sự hoài nghi trong dư luận về diễn biến tình hình.

Ngay trong những tuyên bố của thủ lĩnh đối lập Guaido đã đầy rẫy mâu thuẫn và sau đó bị vạch trần là "một sự lừa dối trắng trợn." Từ việc nhân vật này cho rằng "đã nhận được sự ủng hộ của quân đội và đang có mặt trong căn cứ không quân La Carlota để chuẩn bị tiến về Dinh Tổng thống Miraflores," trong khi thực tế ông ta cùng những người ủng hộ đứng ở khu vực bên ngoài căn cứ trên để kích động biểu tình bạo lực.

Để quy tụ được một nhóm binh sỹ có mặt tại khu vực cầu vượt Altamira, một số sỹ quan phản bội trong phe nhóm của thủ lĩnh đối lập Guaido cũng phải sử dụng đến chiêu bài lừa các binh sỹ tới tham dự một sự kiện quan trọng, và sau đó tại địa điểm tập trung thì buộc họ phải chặn đường và tham gia âm mưu đảo chính. Ngay khi phát hiện sự thật, nhiều binh sỹ đã tìm cách liên lạc với sỹ quan chỉ huy cao nhất và từng nhóm đã quay trở về đơn vị, khiến số binh sỹ còn lại cùng với các nhân vật đối lập chủ chốt ở điểm tập kết chỉ còn khoảng hơn 20 người.

Cái gọi là "sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng nhân dân" mỗi khi thủ lĩnh đối lập Guaido xuất hiện, trên thực tế là những người ủng hộ ông ta tập trung chủ yếu ở khu vực phía Đông Caracas. Phe đối lập hầu như không đề cập đến sự có mặt của hàng chục nghìn người xung quanh khu vực Dinh Tổng thống Miraflores ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội lập hiến Diosdado Cabello kêu gọi người dân xuống đường bảo vệ cách mạng trước âm mưu đảo chính.
pro maduro rally 2019
Biển người diễu hành ủng hộ chính phủ Maduro ở nhiều địa điểm ngày 1/2/2019
Trong lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5, hàng trăm nghìn người tham gia tuần hành ủng hộ chính phủ, nhưng rất ít được các phương tiện truyền thông phương Tây đề cập, mà họ chỉ tập trung vào các điểm có đụng độ giữa các nhóm đối lập quá khích và lực lượng an ninh.

Các phương tiện truyền thông phương Tây cũng đăng tải với mật độ dày đặc những thông tin không có chứng cứ mà một số quan chức Mỹ liên tục tung ra, kiểu như "Tổng thống Maduro đã sẵn sàng chạy sang Cuba," hay "Bộ trưởng Quốc phòng, Chánh án Tòa án Tối cao và Tư lệnh lực lượng cận vệ tổng thống đã nhiều lần thảo luận với phe đối lập và cam kết quay lưng với Tổng thống Maduro," bất chấp thực tế Bộ trưởng Quốc phòng và giới chức quân sự cấp cao Venezuela đã liên tục lên án âm mưu đảo chính, khẳng định trung thành với hiến pháp, nhân dân và chính phủ.
Maduroparade
© TwitterTổng thống Maduro dẫn đầu một cuộc diễu hành của quân đội tại Caracas ngày 2/5/2019
Tổng thống Maduro cũng đã xuất hiện trên truyền hình cùng nhiều thành viên nội các và các tướng lĩnh quân đội để đánh giá tình hình, công bố những bằng chứng không thể chối cãi về âm mưu đảo chính và các hành động bạo lực của phe đối lập. Các chuyên gia đánh giá những thông tin nhiễu loạn như vậy là để gây hoang mang trong người dân và kích động mâu thuẫn nội bộ ở Venezuela, qua đó "hậu thuẫn" âm mưu đảo chính của phe đối lập.

Kiên định trước mọi âm mưu chống phá

Tổng thống Maduro tuyên bố âm mưu đảo chính bất thành do thủ lĩnh đối lập Guaido phát động với sự hậu thuẫn từ bên ngoài là minh chứng cho thấy đó không phải là phương thức đem lại hòa bình cho đất nước. Theo ông, can thiệp, đảo chính và đối đầu bạo lực không phải là con đường mà nhân dân Venezuela mong muốn, đồng thời khẳng định biện pháp tốt nhất để khỏa lấp những khác biệt luôn phải dựa vào thể chế và sự tôn trọng lẫn nhau.

Nhà lãnh đạo Venezuela cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh bảo vệ quyền lợi và chủ quyền của đất nước trước âm mưu của các thế lực thù địch tìm cách xóa bỏ những thành tựu mà cách mạng đã giành được nhiều năm qua với sự đoàn kết của nhân dân và quân đội.

Ông Maduro cũng thông báo sẽ tổ chức "ngày đối thoại quốc gia" để lắng nghe những đề xuất, ý kiến của các cơ quan, tổ chức xã hội và nhân dân, giúp chính phủ khắc phục những thiếu sót, điều chỉnh phương thức điều hành vì lợi ích và sự thành công của công cuộc cách mạng Bolivar do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng.

Tình hình kinh tế sa sút của Venezuela thời gian qua, một trong những yếu tố chủ chốt dẫn tới bất ổn chính trị, một phần do chính sách bao vây cấm vận ngày càng khắc nghiệt của Mỹ, đặc biệt nhắm vào ngành kinh tế mũi nhọn dầu mỏ, cũng như cuộc chiến liên tục của các thế lực thù địch phá hoại nền kinh tế, khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận có cả các yếu tố chủ quan bắt nguồn từ những sai lầm, yếu kém trong phương thức điều hành của chính phủ, từ việc quá phụ thuộc vào dầu mỏ, không có các biện pháp hữu hiệu đa dạng nền kinh tế cho tới tình trạng tham nhũng.

Vì vậy, chính phủ cách mạng Bolivar nếu muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của nhân dân thì cần phải có những sách lược mới mang tính đột phá để vực dậy nền kinh tế, cải thiện đời sống của người dân, song song với việc tiếp tục triển khai các chương trình phúc lợi đã duy trì nhiều năm qua. Đây là vấn đề hết sức cấp bách, song không phải có thể giải quyết "một sớm một chiều."

Tình hình chính trị-xã hội tại quốc gia Nam Mỹ này chắc chắn vẫn còn khó khăn bởi những mâu thuẫn của các bên không dễ khỏa lấp. Cùng với đó, phe cực hữu trong nước với sự hậu thuẫn từ bên ngoài sẽ không dễ từ bỏ âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng Bolivar. Chính phủ Venezuela sẽ cần những bước đi đúng đắn và kế hoạch cải cách mạnh mẽ để từng bước ổn định tình hình, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân vì một đất nước hòa bình và phát triển.