iran oil
© Reuters / Raheb Homavandi
Bộ Ngoại giao Iran cho biết giữa quốc gia Trung Đông này và các nước EU đã hình thành thỏa thuận Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) như một biện pháp giúp Iran "lách" các biện pháp trừng phạt của Mỹ, cũng như bảo vệ các công ty châu Âu làm ăn với Iran.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, khi các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt đã bắt đầu bước sang tháng thứ 7 thì INSTEX vẫn chưa đi vào thực hiện. Bộ Ngoại giao Iran đã đưa ra các cảnh báo về việc họ sẽ hủy bỏ các thỏa thuận trong khuôn khổ JCPOA như một biện pháp đáp trả.

Đồng thời, Ngoại trưởng Iran, ông Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh, trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng, Iran đã có sẵn các phương pháp để giải quyết các biện pháp trừng phạt của Mỹ, tương tự như INSTEX nhưng chỉ khác về vấn đề đối tác.

Cụ thể, Tehran đã làm việc với những đối tác tin cậy của họ là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga để hình thành một dạng thỏa thuận INSTEX nhưng với tên gọi là tổ chức SATMA. Bản thân Tehran đã thông báo với EU về điều này.

Theo đó, SATMA cho phép các công ty của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ giao dịch với Iran thông qua đồng tiền nội tệ của các quốc gia, không sử dụng đồng USD để thanh toán quốc tế. Ngoài ra, các công ty của những quốc gia này sẽ trung chuyển dầu Iran tới thị trường thứ ba và nhận phí dịch vụ với tư cách là đơn vị xuất khẩu dầu.

Như vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ trên danh nghĩa sẽ không có hiệu lực. Đây là bước đi tích cực nhất mà Iran đạt được nhằm đối đầu với tham vọng "biến xuất khẩu dầu Iran về con số không" của Mỹ.

Thực tế, trong thời gian Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt dầu Iran từ tháng 11/2018 và duy trì cơ chế miễn trừ trừng phạt 6 tháng cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã hợp tác với Tehran theo kiểu: tàu chở dầu của Iran đi qua kênh Suez sẽ cập cảng biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Thổ Nhĩ Kỳ nhận dầu và trung chuyển sang thị trường thứ ba. Đây cũng là cách mà Syria mua được dầu của Iran dù cả 2 quốc gia đều đang chịu trừng phạt và cấm vận của Mỹ.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trên danh nghĩa vẫn đang trong mối quan hệ đồng minh. Tuy nhiên, Ankara đã thẳng thừng tuyên bố hồi cuối tháng tư sẽ tiếp tục mua dầu của Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Do đó, việc tham gia vào SATMA là điều gần như được Ankara đảm bảo chắc chắn.

Như vậy, với sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Iran hoàn toàn có thể đối mặt với các thách thức từ phía Mỹ. Như Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố hôm 29/4: "Iran có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều đối tác không còn mua dầu của chúng tôi, tuy nhiên, tham vọng để Mỹ biến xuất khẩu Iran về '0' là một nhiệm vụ bất khả thi. Iran có thể bán ít đi, nhưng giá dầu thế giới sẽ tăng mạnh".

Một vấn đề đáng chú ý khác, nếu Thổ Nhĩ Kỳ đứng chung chiến tuyến với Iran, họ sẽ hình thành một kênh vận chuyển đường bộ. Giữa hai quốc gia này có đường biên giới chung, dầu của Iran sẽ qua cầu nối của Thổ Nhĩ Kỳ đến với châu Âu một cách dễ dàng.

Ngoài mặt, EU buộc phải chấp nhận việc theo đuổi các lệnh trừng phạt Iran với Mỹ. Nhưng thực tế, sự tồn tại của INSTEX cho thấy EU vẫn muốn tiếp tục phối hợp với Iran. Và theo cơ chế SATMA, châu Âu có thể mua dầu của Iran với danh nghĩa buôn bán với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia không bị Mỹ cấm vận.

Chưa dừng ở đó, hiện tại đội tàu sân bay của Mỹ đã có mặt ở eo Hormuz để kiểm soát vùng biển này, đảm bảo Iran không liều lĩnh đóng cửa eo biển quan trọng bậc nhất năng lượng thế giới, và kiểm soát các tuyến vận chuyển dầu của Iran.

Tuy nhiên, khi tuyến đường bộ mở ra, Iran có thể phá vỡ thế trấn giữ của Mỹ ở eo Hormuz. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ mở đường cho năng lượng Iran vào châu Âu, còn Nga - quốc gia vốn đã miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt của Mỹ, sẽ đóng vai trò mở đường ra đại dương. Iran có một nước cờ rất sáng để chống lại sự cấm vận từ phía Washington.

Về phía Ankara, hỗ trợ Iran mang lại cho họ nguồn lợi ích to lớn: trở thành một phần trong dòng chảy năng lượng của quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 3 OPEC, và được hưởng lợi từ các loại phí trung chuyển và bến bãi. Ankara chắc chắn sẽ không vì Mỹ mà từ bỏ những lợi ích này.