Russia hosts Afghanistan talk in Moscow with Taliban
Cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan tại Moscow
Taliban và các nhóm chính trị đối lập ở Afghanistan đã có một bước tiến dài trong tiến trình hòa bình ở quốc gia này khi đàm phán trên đất Nga. Phát biểu với báo giới sau cuộc đàm phán diễn ra tại thủ đô Moscow của Nga, người phát ngôn của Taliban Mohammad Sohail Shaheen cho biết đã có nhiều tiến bộ với nhóm chính trị gia đối lập tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Shaheen cho rằng đây là một cuộc đàm phán thành công, đồng thời bày tỏ hy vọng những tiến bộ này sẽ tiếp tục trong tương lai.

"Taliban hy vọng các tiến bộ này sẽ là tiền đề để thảo luận về đề xuất ngừng bắn giữa các nhóm, thúc đẩy tiến trình hòa bình, hòa giải tại quốc gia của chúng tôi" - ông Shaheen nhận định.

Tuy nhiên, phía Taliban cũng nhắc lại các luận điểm của nhóm vũ trang này với phía Mỹ: "Taliban đạt được tiến bộ với các nhóm chính trị khác, nhưng không phải tiến bộ với Mỹ. Các lực lượng nước ngoài cần phải rút khỏi Afghanistan để tạo điều kiện cho việc thiết lập hòa bình".

Cuộc đối thoại giữa Taliban và các chính trị gia có ảnh hưởng ở Afghanistan này không có đại diện từ chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani. Ở đây xuất hiện hai vấn đề: thứ nhất, các phe phái vũ trang và chính trị ở Afghanistan đang đứng chung quan điểm và tập hợp lại với nhau. Thứ hai, chính quyền Kabul thân Mỹ đang đứng ngoài quan điểm chung này và ngày càng mất vai trò trong tiến trình hòa bình hiện tại.

Afghanistan hiện tại không phải chỉ đơn thuần có cuộc đối đầu giữa Mỹ- chính quyền Kabul cùng với lực lượng Taliban. Trên khắp đất nước này còn xuất hiện hàng loạt các nhóm dân quân, vũ trang chia cắt đất nước thành nhiều khu vực cát cứ.

Từ đầu năm 2019 đến nay, đây là lần thứ hai Taliban tuyên bố đạt được nhiều bước tiến trong đàm phán với các nhóm chính trị khác. Điều này cho thấy đã có sự đồng thuận cao giữa lực lượng phiến quân mạnh nhất với những lực lượng khác. Nói cách khác, các thế lực từ chính trị đến quân sự đang cùng quan điểm chung, và quan điểm ấy đi ngược lại với chính phủ cầm quyền thân Mỹ.

Giới quan sát cho rằng khi tiến hành kỳ bầu cử tiếp theo, nếu được diễn ra minh bạch và dân chủ công khai, Tổng thống Ashraf Ghani sẽ không nhận được sự ủng hộ của cử tri và một nhân vật trong nhóm đối lập sẽ chiến thắng, như vậy, ảnh hưởng của Mỹ bị tước đoạt khỏi chính quyền này.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không để kịch bản xấu này xảy ra nếu họ vẫn đang hiện diện quân sự và hậu thuẫn chính quyền đó. Vì thế, một kịch bản khác, các cuộc xung đột sẽ leo thang và các cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi Mỹ phải lựa chọn: nhượng bộ Taliban, hoặc tiếp tục đổ quân lực vào quốc gia này, đổ vật lực để chống lưng cho chính quyền Kabul.

Cần chú ý thêm vào "Lộ trình hòa bình" mà Mỹ đưa ra khi đàm phán, họ muốn Taliban từ bỏ vai trò là một tổ chức vũ trang, thay vào đó tiến hành hoạt động theo đường lối một phe phái chính trị của một đất nước thống nhất, ngoài ra Mỹ muốn Taliban ngừng cung cấp cơ sở và vật chất cho các nhóm khủng bố trên quốc gia này.

Đáp lại, Taliban yêu cầu Mỹ cần có thêm các bước đi chứng minh thiện chí. đầu tiên cần dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, phong tỏa tài chính với nhóm này, và tiến đến dỡ bỏ lệnh cấm đi lại quốc tế với các thủ lĩnh của Taliban. Vài tháng sau, họ không cần Mỹ phải chứng minh thiện chí, Taliban đưa yêu sách: hoặc Mỹ rút quân, hoặc không đàm phán thêm.

Như vậy, Mỹ không còn thế cửa trên với nhóm vũ trang mạnh nhất Afghanistan, ngược lại, Taliban còn đứng ở vị thế không cho Mỹ có sự lựa chọn. Để có vị thế này, Taliban cần hai yếu tố: có sự hậu thuẫn từ một thế lực nước ngoài đủ lớn, và có cơ sở sức mạnh từ cả kinh tế lẫn chính trị trên thực địa.

Về yếu tố nước ngoài, không chỉ Nga đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng với Taliban. Iran, láng giềng với nước này cũng khẳng định "ủng hộ giải pháp hòa bình" mà Taliban đề xuất và "người Afghanistan tự giải quyết mâu thuẫn mà không có bàn tay của nước ngoài can thiệp". Còn trong nước, Taliban đang chứng minh họ là lực lượng có ảnh hưởng nhất, có khả năng thống nhất và hiệu triệu mọi nhóm vũ trang, nhóm chính trị.

Khác với quan điểm của Mỹ, tiến trình hòa bình ở Afghanistan đang diễn ra theo đúng lộ trình mà Nga đề ra từ năm 2018: thống nhất quan điểm chính trị, hòa giải các nhóm xung đột, đàm phán đa phương đa nhóm để tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn toàn diện.

Cho đến thời điểm này, chính quyền Kabul đang là số ít, và không đủ sức mạnh, uy tín để đi ngược lại đại đa số kia.

Sau khi tiến hành một cuộc chiến thay đổi chế độ quốc gia nào đó trên thế giới, duy trì hình thái hỗn loạn là điều mà Washington yêu thích nhất. Có thể thấy điều đó tại Iraq khi người Kurd đòi tự trị, người Hồi giáo các dòng đánh giết lẫn nhau. Thấy điều đó ở Afghanistan, Libya, Syria... Sự hỗn loạn ấy cho Mỹ cơ hội dừng chân lâu dài để "gìn giữ hòa bình" và tất nhiên, trục lợi từ các thị trường buôn lậu, vũ khí và trên hết là dầu mỏ.

Tại Afghanistan lúc này, sự đoàn kết của các phe nhóm đối lập là tình trạng Mỹ không ưa mắt nhất. Mỹ sẽ phải lựa chọn: tiếp tục ở lại Afghanistan, hà hơi thổi ngạt chính quyền Kabul, thêm tiền và quân để duy trì cuộc chiến với Taliban. Hoặc chấp nhận rút lui, rời khỏi vũng lầy này, để người Afghanistan tự vùng vẫy, tự giải quyết vấn đề nội bộ theo cách của họ. Hoặc có thể hiểu là theo cách của Nga.

Cục diện Afghanistan lần này, Mỹ không chỉ sa lầy trên chiến trường, chính trị, mà họ còn thua đau một ván cờ địa chính trị với Nga - kẻ vào sau nhưng về đích trước.