US nukes
Lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ nghi ngờ rằng, Nga đang âm tiến hành thử hạt nhân bất chấp lệnh cấm. Tuyên bố trên được Trung tướng Robert P. Ashley, lãnh đạo tình báo quân đội Mỹ đưa ra khi phát biểu tại một diễn đàn kiểm soát vũ khí tại Viện Hudson: "Mỹ tin rằng Nga có thể không tuân thủ lệnh cấm thử hạt nhân theo cách phù hợp với tiêu chuẩn".

Tướng Ashley nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng họ có khả năng để tiến hành các thử nghiệm hạt nhân cấp thấp vượt quá giới hạn năng suất bằng không được thiết lập trong CTBT".

Dù chính phủ Nga chưa chính thức có phản ứng với tuyên bố của tướng Mỹ, nhưng người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, Vladimir Shamanov, nói rằng những cáo buộc của ông Ashley không thể vô trách nhiệm hơn.

"Các thử nghiệm hạt nhân không thể được thực hiện bí mật. Những loại tuyên bố trên phản ánh rằng tính chuyên nghiệp của quân đội Mỹ đang giảm xuống một cách có hệ thống", ông Shamanov nhấn mạnh.

Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) được đàm phán vào những năm 1990 đã nhận được sự ủng hộ toàn cầu nhưng phải được 8 quốc gia công nghệ hạt nhân khác trong đó có Israel, Iran, Ai Cập và Mỹ phê chuẩn để có hiệu lực. Nga đã phê chuẩn hiệp ước năm 2000.

Sẽ không có gì đáng nói về tuyên bố của tướng Ashley nếu ngay trước đó, phòng thí nghiệm Lawrence Livermore trực thuộc Bộ Năng lượng Mỹ không thừa nhận, cơ quan này đã hoàn thành vụ thử hạt nhân ngầm tại bang Nevada vào ngày 13/2.

Đây là lần đầu tiên Mỹ thử nghiệm loại hình thí nghiệm này kể từ tháng 12/2017 và là lần thứ hai được triển khai dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Mặc dù vậy, cơ quan này tiết lộ, đây là vụ thử nghiệm hạt nhân chưa tới hạn - một cách kích nổ đặc biệt các đầu đạn hạt nhân bằng đồng vị plutonium và uranium, nhưng không giải phóng năng lượng hạt nhân.

Trước khi Lawrence Livermore chính thức thừa nhận thử vũ khí hạt nhân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova nhấn tuyên bố, có những dấu hiệu Mỹ đang nối lại các vụ thử nghiệm hạt nhân. "Chúng tôi đang chú ý đến các báo cáo trên truyền thông về việc Washington cần thiết phải tiếp tục các thử nghiệm hạt nhân", bà Zakharova nói.

Sự xuất hiện của những thông tin như vậy được xem là nỗ lực chuẩn bị dư luận của Washington cho ý tưởng rằng "các vụ thử hạt nhân là một nhu cầu không thể tránh khỏi. Nếu không có điều đó an ninh quốc gia của Mỹ có thể bị đe dọa".

Đây chỉ là logic trong chính sách của Washington hướng tới việc tạo ra các điều kiện cần thiết để có thể nối lại các vụ thử hạt nhân. Bà Zakharova nhấn mạnh: "các nguyên nhân Mỹ đưa ra để từ chối phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện và việc họ quyết định tăng phạm vi trong các thử nghiệm tên lửa là hoàn toàn dễ hiểu".

Bà này nhấn mạnh rằng, lập trường của Washington đã mở đường cho một của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới.