Dragon, bear, eagle
Để thoát khỏi khó khăn trong chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với Nga, vốn cũng đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Chiến tranh thương mại với Mỹ kéo Trung Quốc lại gần Nga

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Sputnik, ông Sun Zhangzhi, Giám đốc Viện Nga, Đông Âu và Trung Á, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phát biểu rằng, chiến tranh thương mại Trung-Mỹ sẽ mang đến những cơ hội mới cho cả Nga và Trung Quốc.

Theo ông, cả hai quốc gia đều chịu áp lực trừng phạt từ Hoa Kỳ. Trong điều kiện như vậy, hai nước nên kết hợp nỗ lực của mình và phát triển hợp tác kinh tế và thương mại.

"Đừng nói là chúng tôi đã không cảnh báo các vị" - cụm từ này xuất hiện trong bài báo gần đây trên tờ "Nhân Dân nhật báo" về phản ứng có thể có từ phía Trung Quốc đối với sự tấn công thuế quan của Hoa Kỳ.

Theo thường lệ, câu này chỉ được các phương tiện truyền thông chính thức của Bắc Kinh sử dụng một vài lần, trong thời kỳ đối đầu gay gắt nhất với các nước khác. Chẳng hạn, đó là vào năm 1962, đêm trước cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn hay năm 1979, trước cuộc chiến tranh Trung-Việt. Rõ ràng, bây giờ là thời kỳ một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mới tháng trước, tưởng chừng như cuộc chiến thương mại đã gần kết thúc. Các bên gặp nhau thường xuyên tại các cuộc đàm phán thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà đàm phán chính từ phía Mỹ tuyên bố rằng "thỏa thuận toàn diện" đã được chuẩn bị xong, chỉ còn giải quyết một số mâu thuẫn, việc ký kết thỏa thuận thương mại chỉ còn là vấn đề một vài tuần.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 5, các cuộc đàm phán bất ngờ gặp bế tắc và ông Trump lại tuyên bố các loại thuế mới đối với Trung Quốc và Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa công ty viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen, về thực chất là đã ngăn chặn sự hợp tác của công ty này với các đối tác Mỹ.

Có mấy luồng ý kiến giải thích vì sao thỏa thuận lại đổ vỡ.

Washington tuyên bố rằng vào phút cuối Bắc Kinh quyết định xem xét lại những điểm chính của thỏa thuận. Ngược lại, Trung Quốc đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã làm thỏa thuận đổ vỡ, lưu ý rằng người Mỹ liên tục đề xuất các điều khoản thỏa thuận mới, có một số điều mà nước này hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Bây giờ, rõ ràng là cả hai nước đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài. Các nhà quan sát bên ngoài, gồm cả cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, cho rằng, bằng hành động của mình, Hoa Kỳ đang đẩy Trung Quốc ra xa và khiến cho sự nhượng bộ từ phía Bắc Kinh ngày càng ít đi.

Các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc không thể đưa ra phản ứng đối xứng với Hoa Kỳ về thuế quan, hoặc cũng có thể đưa ra các biện pháp khác gây thiệt hại đau đớn không kém cho Washington.

Ví dụ, không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ bán trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc lệnh cấm bán kim loại đất hiếm, được sử dụng trong sản xuất mọi thiết bị điện tử phức tạp và phần lớn được khai thác bởi Trung Quốc, có thể là cuộc tấn công trả đũa mạnh mẽ với Washington.

Chiến tranh thương mại Trung-Mỹ là cơ hội cho Nga và Trung Quốc?

Giám đốc Viện Nga, Đông Âu và Trung Á, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc là ông Sun Zhuangzhi nói rằng, Trung Quốc không muốn cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, nhưng một khi Washington đặt mục tiêu kiềm chế Bắc Kinh, người Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng và sẽ thu được lợi ích tối đa từ điều đó.

Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có tác động bất lợi đến nền kinh tế toàn thế giới. Tất nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và Nga; nhưng đồng thời, nó mở ra một số cơ hội nhất định để phát triển hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc.

Một ví dụ điển hình là dưới áp lực trừng phạt từ Hoa Kỳ và EU, Nga bắt đầu phát triển sản xuất và nông nghiệp của riêng mình và nhanh chóng vươn lên thành quốc gia hàng đầu thế giới về nông nghiệp.

Ông Sun Zhuangzhi cho rằng, đối với hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Nga, đây cũng là một cơ hội mới.

Hai bên có thể tăng cường mua bán các sản phẩm nông nghiệp, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đây đều là những yếu tố tích cực đối với cả Nga và Trung Quốc. Dựa trên sự hợp tác này, hai nước có thể nâng doanh thu hàng hóa lên mức khá cao. Việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và tài nguyên năng lượng của Nga sẽ góp phần đa dạng hóa thương mại, tác động tích cực đến an ninh năng lượng và lương thực của hai nước.

Trước đây, Trung Quốc đã nhập khẩu một phần đáng kể các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ và Canada. Bây giờ Bắc Kinh đang đa dạng hóa các nhà xuất khẩu từ các nước khác và điều này rõ ràng là tốt cho Trung Quốc và cũng có lợi cho Nga.

Trước đây, đối tác thương mại chính của Nga là Liên minh châu Âu, nhưng hiện nay cũng đã chững lại do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và EU.

Hiện nay, trong điều kiện sụt giảm doanh thu hàng hóa giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Nga có thể gia tăng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, đa dạng hóa thị trường cho các sản phẩm của mình và gia tăng xuất khẩu các sản phẩm Nga đến Trung Quốc.

Chuyên gia Sun Zhuangzhi nghĩ rằng, với những nỗ lực chung của hai nước, từ tình hình cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, có thể rút ra được lợi ích cho cả Nga và Trung Quốc, giúp mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Nga-Trung sẽ tập trung hợp tác về năng lượng

Cũng trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Hãng thông tấn Nga Sputnik, giáo sư Đại học Phúc Đán là Zhao Huasheng lưu ý rằng, trong điều kiện hiện nay, triển vọng tiềm năng nhất là tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Liên bang Nga trong lĩnh vực năng lượng.

"Khí thiên nhiên là lĩnh vực đầy hứa hẹn, kể cả khí đường ống. Chúng tôi không có nhiều đường ống dẫn khí đốt và bây giờ Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG). LNG đến Vịnh Bột Hải từ Bắc Băng Dương. Trong tương lai, nguồn cung LNG từ Nga sẽ tăng đáng kể.

Cuộc chiến thương mại sẽ tác động đến nhiều quốc gia, bởi vì nền kinh tế Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều nền kinh tế nước ngoài. Nhưng thật khó để nói chính xác đó là quốc gia nào.

Các chuyên gia Trung Quốc tin chắc rằng Nga và Trung Quốc đang ở vị thế địa chính trị tương đồng. Sự tấn công từ phương Tây xuất phát từ nguyên nhân muốn kiềm chế sự phát triển của cả hai nước. Trong trường hợp của Trung Quốc, sự mất cân bằng thương mại chỉ là một cái cớ.

Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, ông Li Yongquan nói với Sputnik rằng, Hoa Kỳ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga và cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ cũng có thể được coi là một kiểu trừng phạt.

Trung Quốc thấy rằng, điều đặc biệt quan trọng hiện nay là thiết lập quan hệ đối tác, cùng có lợi và cùng tồn tại. Còn Hoa Kỳ coi lợi ích của mình là tối quan trọng, nên họ luôn xây dựng quan hệ với các quốc gia khác theo nguyên tắc ưu tiên của lợi ích họ. Nhưng những mối quan hệ như vậy không có triển vọng.

Có thể nói, sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa Trung Quốc đến gần Nga hơn. Bởi vì, trên thực tế, cả các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga và chiến tranh thương mại đói với Trung Quốc đều là hậu quả của một quá trình hệ thống trên thế giới, thay đổi kiến ​​trúc quan hệ quốc tế và sự hồi sinh của Nga sau khi Liên Xô sụp đổ, cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ông Li Yongquan nhấn mạnh rằng, thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, mô hình phát triển tự do đã lỗi thời. Trong hoàn cảnh như vậy, mỗi quốc gia có thể phải đối mặt với các vấn đề, nhưng đối với Trung Quốc và Nga, lợi ích chính trị của hai bên có thể coi là trùng hợp.