Hongkong protest extradition law
Biểu tình ôn hòa đêm 9-6 ở Hong Kong đã trở thành cuộc đụng độ giữa hàng trăm ngàn người dân và cảnh sát. Báo chí Trung Quốc tố "các thế lực nước ngoài" muốn phá Trung Quốc thông qua vụ việc này.

Tổ chức Mặt trận nhân quyền, phía lãnh đạo người biểu tình, cho biết có 1,03 triệu người tham gia tuần hành nhằm phản đối những thay đổi trong dự luật dẫn độ cho phép nghi phạm được đưa tới xét xử tại tòa ở Trung Quốc. Con số này được nhận xét là quá lớn so với quy mô dân số 7,48 triệu người của Hong Kong.

Theo CNN, cuộc biểu tình đêm 9-6 sẽ là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát Hong Kong ước tính số người biểu tình chỉ gần 240.000 người.

Cảnh sát đã bao vây bên ngoài tòa nhà của cơ quan lập pháp tại Hong Kong từ sáng sớm ngày 10-6, sau khi cuộc biểu tình ôn hòa trở thành cuộc đụng độ giữa người tham gia và lực lượng chức năng.

Ngày 10-6, báo chí Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc "các thế lực nước ngoài" đang lợi dụng tình hình ở Hong Kong để phá Trung Quốc.

Một bài xã luận của tờ China Daily cho rằng dự luật mới là một điều luật cần thiết. Tờ báo chính phủ này tuyên bố: "Bất cứ ai công bằng đều công nhận dự luật sửa đổi này là một văn bản lập pháp hợp pháp, hợp lý và hợp lẽ. Nó sẽ giúp củng cố pháp quyền và việc thực thi công lý ở Hong Kong".

"Đáng tiếc một số người dân Hong Kong đã bị dắt mũi bởi các phe đối lập và đồng minh của họ tại nước ngoài để ủng hộ chiến dịch phản đối dẫn độ", China Daily nhấn mạnh.

China Daily cho rằng một số người biểu tình đã hiểu sai về các thay đổi trong dự luật. Tuy nhiên, tờ báo này không nêu đích danh "thế lực nước ngoài".

Theo Reuters, những người phản đối tin rằng dự luật mới sẽ khiến Hong Kong chịu thiệt hại bởi sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. Theo họ, Trung Quốc sẽ dễ dàng can thiệp vì lý do chính trị hoặc các sai phạm vô ý trong kinh doanh, khiến hệ thống luật pháp tại thành phố này bị suy yếu.

Không chỉ người dân Hong Kong, cả Mỹ và châu Âu cũng đã lên tiếng phản đối dự luật này.

Sự kiện diễn ra ngày 9-6 nhắm vào trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, bà Carrie Lam, và những người chống lưng cho bà tại Bắc Kinh.