Murtaja Qureiris
Murtaja Qureiris
Một thiếu niên Arab Saudi bị giam giữ suốt 4 năm qua mà không vì cáo trạng nào cả, giờ phải đối mặt với án tử vì hành động mà cậu bị cáo buộc là vi phạm khi mới chỉ ở độ tuổi lên 10.

Bản án tử hình đối với Murtaja Qureiris, 18 tuổi, bị nhiều tổ chức nhân quyền xem là một trong những hành vi vi phạm nặng nề nhất quyền được bảo vệ hợp pháp của trẻ em trên toàn thế giới.

"Có một số hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế đăng sau bản án tử hình đối với một đứa trẻ" - Maya Foa, Giám đốc của Reprieve, một trong những tổ chức nhân quyền theo dõi vụ việc này, cho hay. Bà nói rằng bằng việc thúc đẩy bản án tử hình đối với Murtaja, "chính quyền Arab Saudi như thể đang quảng bá cho quyền được miễn trừ của họ trước thế giới".

Bị cáo trẻ tuổi này bị bắt giữ lúc 13 tuổi và kể từ đó đã phải ở sau song sắt. Các cáo buộc nhằm cậu, vào thời điểm 3 năm trước khi bị bắt, liên quan tới việc cậu tham gia vào các cuộc biểu tình chống chính phủ, sở hữu vũ khí và gia nhập một tổ chức khủng bố.

Tổ chức Nhân quyền Arab Saudi của châu Âu, bên theo dõi vụ việc này suốt nhiều năm, hồi tuần trước nói rằng họ là bên đầu tiên xác nhận rằng Văn phòng công tố Arab Saudi buộc tội Murtaja vào tháng 8/2018 do cậu bé có tham gia vào các cuộc biểu tình, và cho rằng cậu sẽ bị xử tử.

Các tổ chức nhân quyền ở Arab Saudi cũng cho hay, Murtaja đã bị giam giữ nhiều năm mà không có cáo trạng cụ thể, đầu tiên là bị giam giữ mà không được tiếp cận với luật sư, sau đó là bị ép phải nhận tội. Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) xác nhận, Văn phòng công tố Arab Saudi đã đề nghị mức án tử hình đối với Murtaja ngay khi cậu bị đem ra xét xử vào hồi tháng 8/2018.

Xử tử - thường là bằng hình chức chặt đầu - vốn phổ biến ở Arab Saudi, và các tổ chức nhân quyền nói rằng những người bị xử tử ở nước này thường bị cầm tù, tra tấn suốt nhiều năm, sau đó bị xử ép. Nhưng vụ việc của Murtaja lại đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi cậu bị kết án tử chỉ vì những hành động cậu làm khi còn là một đứa trẻ.

Đại sứ quán Arab Saudi ở Washington hiện chưa đưa ra bình luận về vụ việc này. Trong khi Hoàng gia Arab Saudi bấy lâu nay vẫn luôn bảo vệ việc họ áp dụng hình phạt cao nhất.

Còn nhớ trong năm 2017, trả lời câu hỏi của Cao ủy về vấn đề Nhân quyền của LHQ về hình thức xử tử, Chính phủ Arab Saudi nói rằng hình phạt xử tử "chỉ có thể được áp dụng đối với những tội ác nghiêm trong nhất và là nhằm quản lý một cách nghiêm khắc nhất". Nhưng các tổ chức nhân quyền lại cho rằng hình thức xử tử cũng được Arab Saudi áp dụng với những lỗi nhỏ hay sử dụng để trừng phạt các nhóm người thiểu số hay các nhà hoạt động dám phản đối chính phủ.

"Rõ ràng là chính quyền Arab Saudi không từ hành động nào để đối phó với những người dám chống lại họ, trong đó có việc xử tử những người vốn chỉ là trẻ em lúc họ phạm tội" - Lynn Maalouf, Giám đốc nghiên cứu Trung Đông của AI, nhận định.

Bà Maalouf nói rằng sẽ là điều "kinh khủng" nếu chính quyền Arab Saudi áp dụng hình thức xử tử đối với những cáo buộc kiểu như tham gia vào biểu tình lúc còn là trẻ con.

Được biết, cậu bé Murtaja, thành viên của cộng đồng người thiểu số Shi'ite ở Arab Saudi, bị bắt giữ vào tháng 9/2014 - theo Tổ chức nhân quyền Arab Saudi của châu Âu.

Hoàng gia Arab Saudi áp dụng một phiên bản bảo thủ của đạo Hồi có tên gọi Wahhabism, gắn liền nó với quy tắc xã hội, Chính phủ và cả hệ thống tòa án trong nước. Chính phủ nước này thường xuyên bị cáo buộc đàn áp người Shi'ite ở quốc gia có phần đông là người Hồi giáo dòng Sunni.

Hãng CNN của Mỹ từng đăng tải một số đoạn video có cảnh cậu bé Murtaja dẫn đầu một nhóm trẻ em tham gia đi xe đạp tuần hành vào năm 2011. Lúc đó cậu mới 10 tuổi. Đó là khoảng thời gian cao điểm của phong trào Mùa xuân Arab quét qua khu vực Trung Đông, Bắc Phi và diễn ra rầm rộ ở các tỉnh phía Đông của Arab Saudi, khu vực có nhiều người Shi'ite sinh sống.

Murtaja xuất thân từ một gia đình các nhà hoạt động ở tỉnh Qatif, một phần của khu vực người Shi'ite sinh sống ở miền Đông Arab Saudi. Anh trai cậu, Ali Qureiris, đã bị sát hại trong lúc tham gia một cuộc biểu tình năm 2011.

Phiên tòa xét xử đầu tiên của Murtaja được tổ chức vào tháng 8/2018, tức gần 4 năm sau khi bị bắt giữ. Phiên tòa được tổ chức tại Tòa án Hình sự Đặc biệt, một tòa án chuyên xét xử các vụ khủng bố được thành lập từ năm 2008, mà sau thường xét xử các nhà hoạt động và người biểu tình. Phiên tòa tiếp theo của Murtaja sẽ diễn ra trong vài tuần tới.

Ngoài Murtaja, có ít nhất 3 thanh niên trẻ tuổi khác - Ali al-Mimr, Dawood al-Marhoon và Abdulla al-Zaher - những người cũng bị xét xử vì những tội mà họ mắc lúc còn nhỏ, đã bị tuyên án tử hình ở Arab Saudi và đang chờ ngày hành hình - theo Cao ủy về Nhân quyền của LHQ.

Năm nay, hãng thông tấn nhà nước Arab Saudi đã báo cáo về 37 trường hợp tử hình. Ít nhất 33 người trong đó là thành viên cộng đồng thiểu số người Shi'ite. Những người này bị xử tử vì lý do "có tư tưởng cực đoan, theo đuổi hệ tư tưởng khủng bố và thành lập các tổ chức khủng bố nằm vùng để gây ảnh hưởng tới an ninh, reo rắc sự hỗn loạn và khuấy động xung đột vùng miền".

Các vụ tử hinh này lập tức vấp phải chỉ trích kịch liệt từ LHQ, trong khi các tổ chức nhân quyền kêu gọi Hoàng Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman phải chịu trách nhiệm.

"Chính quyền Arab Saudi có lịch sử đáng sợ về việc sử dụng án tử như một thứ vũ khí nhằm dập tắt tiếng nói những người có tư tưởng đối lập và trừng phạt những người tham gia biểu tình chống chính phủ, trong đó có cả trẻ em - đến từ cộng đồng người thiểu số Shi'ite" - bà Maalouf nói.

Đáng chú ý nhất chính là vào hồi tháng 4/2019, Arab Saudi đã xử tử tập thể 47 người đàn ông vì các cáo buộc khủng bố, trong đó có một vụ giáo sỹ người Shi'ite tên Sheikh Nimr al-Nimr, người thường xuyên chỉ trích chính quyền vì cách đối xử của họ với người thiểu số Shi'ite.

Tính từ năm 2018 đến nay Arab Saudi đã xử tử 139 người, phần lớn trong số này phạm tội giết người hoặc liên quan tới ma túy - theo Báo cáo nhân quyền thế giới năm 2019. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2019, theo báo cáo của AI, chính quyền Arab Saudi đã xử tử ít nhất 110 người.