Hongkong protest extradition law
Lần hiếm hoi, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đưa ra lời xin lỗi vì dự luật dẫn độ khiến người dân Hồng Kông phẫn nộ. Tuy nhiên, lời xin lỗi dường như đã quá muộn màng và các nhà hoạt động dân chủ đã bác bỏ nó. Cùng với đó, 2 triệu người đã xuống đường, tương đương ¼ tổng dân số của đặc khu hành chính đã xuống đường bày tỏ sự không hài lòng.


Nhận xét: Mặc dù những cuộc biểu tình ở Hồng Kông là rất lớn, con số 2 triệu người biểu tình mà báo chí thường dẫn ra là quá lớn và rất khó tin.


Nhiều người phản đối cho biết họ thất vọng với tuyên bố của bà Lâm và nói rằng chúng không chân thành. Leo cheng, một sinh viên 19 tuổi tham gia tuần hành, cho rằng: "Bà ta làm điều đó vì áp lực".

Trong ngày cuối tuần, người tuần hành đã lấp kín những đại lộ rộng lớn của Hồng Kông. Tất cả các tầng lớp trong xã hội Hồng Kông, bao gồm cả những ông bố bà mẹ mang theo con cái, đều đổ xuống đường. Nó cho thấy một tâm trạng nặng nề và lo lắng đang bao trùm thành phố.

Người biểu tình muốn rút hoàn toàn dự luật dẫn độ chứ không chỉ là đình chỉ vô thời hạn; mở một cuộc điều tra công bằng về việc cảnh sát sử dụng vũ lực nhằm vào người biểu tình trong cuộc đụng độ hôm 12/6 và yêu cầu giải thích vì sao lại gọi tuần hành là bạo loạn bất hợp pháp, cách gọi cho phép bắt bất cứ ai tham gia biểu tình với án tù nhiều năm.

Trái hoàn toàn với những hành động đàn áp hôm 12/6, ngày 16/6, cảnh sát chỉ đóng vai trò kiểm soát đám đông. Người ta tiếp tục kêu gọi một cuộc tuần hành khác trong ngày 17/6 nhưng chưa sự kiện nào được lên kế hoạch. Dẫu vậy, những yêu cầu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức đang ngày càng nhiều lên.

Lời xin lỗi mà bà Lâm đưa ra khi tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật dẫn độ không thể xoa dịu những người biểu tình. Ngược lại, nó càng khiến đám đông phẫn nộ vì giải pháp nửa vời. Ngoài ra, việc cảnh sát đàn áp người biểu tình hôm 12/6 là lý do khiến đám đông trở nên căng thẳng. Nhiều người không có ý định ra đường nhưng đã không thể dừng lại trước những gì mà trưởng đặc khu của họ làm.

Với những gì đang diễn ra, cuộc khủng hoảng chính trị với bà Lâm dường như sẽ còn lâu mới kết thúc. Sự hỗ trợ duy nhất người phụ nữ này có thể tìm kiếm có lẽ không phải ở trên chính đặc khu này. Lời xin lỗi hiếm hoi của bà Lâm khiến nhiều người cho rằng vị thế của người phụ nữ này đang tụt dốc.

Cái chết của một người đàn ông khi cố gắng giăng biểu ngữ phản đối cuối ngày 15/6 dường như đang tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc tuần hành. Hàng trăm nghìn người đã tụ tập để tưởng nhớ người đàn ông thiệt mạng, người mà cảnh sát xác nhận là Leung, 35 tuổi. Chuỗi sự việc liên tiếp khiến bà Lâm gặp thách thức lớn hơn bao giờ hết trước việc lấy lại niềm tin của người Hồng Kông.