chess pawns us china trade war tariffs
© Getty Images
Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) - hiệp hội thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới mới đây đã có tuyên bố thúc giục chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng áp dụng thuế quan bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đòn thuế quan nhằm vào khoảng 300 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc hàng năm, từ giày dép đến đồ nội thất nếu bị đánh tăng thuế nhập khẩu sẽ khiến người Mỹ phải trả thêm rất nhiều tiền, ước tính vào khoảng 18 tỷ USD/năm.

Mức thuế được nâng lên 25% cho hàng hóa trị giá 300 tỷ USD này đều là các sản phẩm hàng hàng ngày được các hộ gia đình Mỹ lựa chọn. Do đó, nó tác động một cách mạnh mẽ lên nhiều loại hàng hóa, nhiều gia đình và ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của họ.

Theo nghiên cứu từ NRF, thuế quan ở mức 25% sẽ khiến nước Mỹ phải trả thêm 4,4 tỷ USD vào chi phí may mặc, thêm 2,5 tỷ USD cho giày dép, thêm 3,7 tỷ USD cho đồ chơi và thêm 1,6 tỷ USD cho các thiết bị gia dụng mỗi năm. Tất cả những khoản tiện này sẽ đổ xuống đầu người tiêu dùng Mỹ.

Nghiên cứu mới này đi kèm với các tính toán ảm đạm trước đây của NRF cho thấy, ở mức thuế quan 25% đối với đồ nội thất và hàng hóa du lịch sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả gần 6 tỷ USD hàng năm. Do đó, tổng chi phí tăng thêm có thể lên tới 18,2 tỷ USD.

David French - Phó Chủ tịch Quan hệ Chính phủ của NRF nhận định rằng, đối với hầu hết các sản phẩm tiêu dùng trong danh sách hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc này, có rất ít nguồn cung ứng thay thế.

Ông nói thêm rằng, tất cả các công ty không thể chuyển nguồn cung ứng sang các nước khác để từ chối nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Do đó, các nhà bán lẻ vẫn phải tự động nhập khẩu hàng hóa từ công xưởng của thế giới là Trung Quốc, chấp nhận mức thuế quan tăng cao. Sau đó, họ chuyển một phần hoặc toàn bộ chi phí nhập khẩu đó cho người tiêu dùng Mỹ.

Phát biểu tại phiên điều trần ở Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), ông David French tuyên bố một cách mạnh mẽ: "Đã đến lúc đánh giá lại một chiến lược chỉ dựa trên thuế quan và hợp tác với các đồng minh của chúng ta để gây áp lực quốc tế đối với Trung Quốc".

Một số đại diện tới phiên điều trần đồng tình với quan điểm cho rằng, việc nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia khác sẽ khiến chi phí tăng lên, đặc biệt có trường hợp tăng nhiều hơn mức 25% mà ông Trump muốn áp lên hàng Trung Quốc.

Tổng thống Trump và một số thân tín trong chính phủ cho biết rằng: nếu áp dụng mức thuế mới có thể sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nhưng có rất nhiều người tham gia phiên điều trần đều cho rằng việc dịch chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác như ở Đông Nam Á là câu chuyện không phải diễn ra chỉ một sớm một chiều bởi các quốc gia đó chưa thể đáp ứng được các điều kiện về cơ sở hạ tầng, tay nghề người lao động...

Trong khi đó, Trung Quốc đóng vài trò quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu, trải dài trên nhiều lĩnh vực từ giày dép, hàng điện tử đến cần cẩu bốc dỡ hàng hóa tại các cảng biển.

Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Mỹ (USFIA) cũng đã lên tiếng trong một động thái liên quan đến việc tăng thuế quan hàng hóa của Trung Quốc. Hiệp hội này cho rằng, hiện tại, không có sự thay thế khả thi nào khác cho các nhà cung cấp Trung Quốc. Tổ chức này ước tính rằng các khoản thuế bổ sung chắc chắn sẽ làm tăng giá bán lẻ đối với quần áo và hàng dệt gia dụng, khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả 4,9 tỷ USD mỗi năm. Ví dụ, một gia đình 4 người sẽ trả thêm 60 USD hàng năm chỉ cho quần áo.

Đòn thuế quan của ông Trump có thể cũng sẽ khiến nhiều lao động Mỹ bị thất nghiệp. Marc Schneider, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất hàng thời trang và da giày Kenneth Cole Productions cho biết, mức thuế 25% có thể khiến lợi nhuận công ty sụt giảm mạnh và họ sẽ phải sa thải bớt người lao động.

"Chúng tôi sẽ phải cắt giảm chất lượng các sản phẩm giày dép, tăng giá và không thu được lợi nhuận nếu như buộc phải di chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác" - Chủ tịch Schneider cho biết.

Rich Helfenbein, Chủ tịch hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ cũng nói rằng: "Mức thuế 25% thực sự là một đòn giáng mạnh vào chúng tôi. Nếu chúng tôi có thể chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc thì chúng tôi đã làm rồi, nhưng thực tế, chúng tôi không thể".

Mark Flannery, Chủ tịch của Regalo International LLC, một công ty chuyên sản xuất cửa ngăn trẻ em, ghế trẻ em trên xe hơi và sân chơi trẻ em gấp gọn có trụ sở tại bang Minnesota, cho biết chi phí để di chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia cũng sử dụng phần lớn thép sản xuất ở Trung Quốc, sẽ cao hơn 50% so với chi phí vận hành tại Trung Quốc. Chi phí sản xuất ở Mexico cũng cao hơn.

"Ở thời điểm hiện tại, không có một quốc gia nào mà chúng tôi có thể sản xuất cửa ngăn trẻ em bằng kim loại, ngoài Trung Quốc" - ông Flannery trình bày.

Được biết, các sản phẩm đảm bảo an toàn cho trẻ em, như ghế ngồi trên xe hơi, không nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế nhập khẩu của Mỹ, có hiệu lực trong tháng 9/2018. Nhằm gây sức ép lên Trung Quốc trong quá trình đàm phán thương mại, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã đưa mặt hàng trên vào danh sách lần này, cùng với một số mặt hàng chưa phải chịu thuế trước đây, như tivi màn hình phẳng và tai nghe bluetooth.

Jean Kolloff, Chủ sở hữu công ty nhập khẩu khăn len cashmere Quiin Apparel, cho biết lý do mà bà phản đối kế hoạch tăng thuế lại mang nhiều tính chất địa lý. Dê được nuôi tại vùng Alashan đóng vai trò cực kỳ quan trong trong việc sản xuất loại len cashmere nhạt màu và nguyên liệu này chỉ được tìm thấy tại vùng Nội mông của Trung Quốc.

Nhiều công ty khác có hoạt động sản xuất kinh doanh trên chính nước Mỹ cũng lên tiếng phản đối dự luật mới vì họ phụ thuộc nhiều vào linh kiện, bộ phận có xuất xứ Trung Quốc, ví dụ như bóng đèn diode mà Ledvance LLC đang sử dụng hoặc những phần da khâu dùng trong giày thể thao của New Balance LLC.

Nông dân Mỹ - một phần chủ đạo trong lực lượng cử tri ủng hộ ông Trump - cũng phàn nàn. Các nhà sản xuất rượu vang ở California bây giờ gặp khó khăn, bởi vì họ đã mua các chai thủy tinh ở Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, các quy định nghiêm ngặt về môi trường và chi phí sản xuất thủy tinh cao ở California dẫn đến thực tế là trong 20 năm qua, các cơ sở sản xuất chai thủy tinh đã chuyển sang Trung Quốc. Việc tăng thuế đối với các sản phẩm thủy tinh sẽ làm tăng chi phí sản xuất, và cuối cùng sẽ tác động đến giá tiêu dùng.

Trước đây, khi đáp trả những lời phàn nàn của giới kinh doanh, chính quyền Trump đã đề nghị tìm kiếm nhà cung cấp ở các quốc gia khác hoặc, thậm chí tốt hơn, mang hoạt động sản xuất về Mỹ.

Nhưng, việc di chuyển cơ sở sản xuất là một quá trình rất tốn kém, và khác với việc áp thuế, quá trình này không thể được thực hiện nhanh chóng. Tức là, trong một thời gian nhất định, người sản xuất hoặc người tiêu dùng phải chịu chi phí bổ sung. Nếu nói về những người chỉ đơn giản mua một số linh kiện ở Trung Quốc, thì việc tìm kiếm và làm việc với nhà cung cấp khác cũng là một vấn đề.

Theo tờ WSJ, Chủ tịch của công ty Strikeforce Bowling LLC đã cố gắng tìm kiếm các nhà sản xuất giày bowling ở Cộng hòa Dominican, Campuchia, Bangladesh để thay thế hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, không ai muốn thực hiện đơn đặt hàng cho các lô nhỏ như vậy. Do đó, Strikeforce Bowling LLC tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, vì công ty chỉ đơn giản không thể đạt thỏa thuận với bất kỳ ai khác.

Ông Trump sẽ không nhường bước?

Dù nhiều ý kiến phản đối của doanh nghiệp đã được gửi đến các cơ quan ngoại giao, kinh tế của Mỹ. Song theo phân tích của Giáo sư Lu Jian từ Trường Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc), ít có khả năng ông Trump thực sự thay đổi quan điểm về cuộc chiến này.

"Nếu tổng thống Mỹ tiếp cận vấn đề từ góc độ kinh tế, cuộc xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ không leo thang căng thẳng như hiện nay. Vì vậy, tôi cho rằng, Trump sẽ bỏ qua ý kiến ​​của các doanh nhân cho đến khi ông chịu áp lực chính trị, sau đó Trump sẽ buộc phải thực hiện một số thay đổi.

Chưa thể dự đoán liệu Trump có sẵn sàng nhượng bộ một số công ty hay không, nhưng rõ ràng là đến nay những lập luận của các công ty đó không có ảnh hưởng đáng kể đến ông. Trump có nỗi ám ảnh của mình, có cử tri của mình. Chỉ có rất ít doanh nhân mà Trump tính đến lợi ích của họ" - Giáo sư Lu Jian nhận xét.

Theo phân tích của Giáo sư Lu Jian, ông Trump đang rất cần sự ủng hộ của cử tri hỗ trợ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Phần lớn cử tri của ông Trump là những người có thu nhập trung bình và thấp, họ muốn làm việc tại Mỹ và không nghĩ về hậu quả tương lai, về chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Đối với họ, điều quan trọng hơn là có việc làm ngay bây giờ. Do đó, các tác động dù có thế nào cũng khó ảnh hưởng tới Tổng thống.

Ngoài ra, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, Tổng thống Trump có một phong cách rất đặc biệt.

"Ông Trump có nỗi ám ảnh của riêng mình. Bất kể phần còn lại của thế giới đang nói gì, ông chỉ chú ý lắng nghe những tín hiệu từ phe đối lập trong nước, và điều đó củng cố niềm tin của Trump rằng, ông đang làm mọi thứ đúng cách. Đối với ông, điều quan trọng là bảo vệ ý tưởng của riêng mình, đó là lý do tại sao ông đang thực hiện những bước đi như vậy" - ông Jian nhận định.