iran us liberty
© AFP 2018 / Behrouz Mehri
Áp lực kinh tế tối đa bằng lệnh cấm vận của chính quyền Trump khiến cuộc sống của 80 triệu người Iran trở nên khó khăn hơn. Từ chiếc mũ xin tiền trống không của người biểu diễn trên tàu điện ngầm, tới chiếc ví rỗng của các cô gái sắp lấy chồng, người dân Iran đang hứng chịu tình trạng thiếu tiền nghiêm trọng do áp lực kinh tế trong mọi ngóc ngách cuộc sống.

Nhiều người chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách gây áp lực tối đa của ông lên Iran, khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Tehran năm 2015 (JCPOA) và gia tăng biện pháp trừng phạt lên Iran.

Iran gần đây đe dọa rút khỏi JCPOA trừ phi các cường quốc châu Âu giảm bớt tác động từ cái mà họ gọi là "chiến tranh kinh tế" do Trump phát động. Iran cũng sẵn sàng chống lại lực lượng quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực, sau khi phòng không nước này bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) Mỹ bị cáo buộc xâm phạm không phận hồi tuần trước.

Sau sự cố, Trump quyết định không tung đòn không kích trả đũa Iran, nhưng tung ra nhiều biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn với nước này, khiến sức ép kinh tế càng đè nặng lên vai người Iran.

Tuy nhiên, ngoài đổ lỗi cho Trump, nhiều người Iran còn chỉ trích chính phủ, những người đã đưa đất nước từ thảm họa kinh tế này tới thảm họa kinh tế khác sau Cách mạng Hồi giáo 40 năm trước.

"Chiến tranh kinh tế là có thực và người dân đang chịu áp lực cực độ", Shiva Keshavarz, một nữ nhân viên kế toán 22 tuổi sắp lấy chồng, nói. Cô cho rằng các lãnh đạo chính phủ "luôn nói chúng tôi phải kiên cường và vượt qua áp lực, nhưng chúng tôi đã nghe thấy tiếng xương cốt mình vỡ vụn dưới sức ép đó rồi".

Dạo qua bất kỳ cửa hàng đổi tiền nào cũng có thể cảm nhận được khó khăn mà người Iran đang đối mặt. Thời điểm Iran và 6 cường quốc ký thỏa thuận hạt nhân JCPOA, 32.000 rial đổi được một USD. Bây giờ, con số này tăng lên 130.000 rial.

Theo số liệu của chính phủ Iran, tỷ lệ lạm phát ở nước này đã tăng lên mức hơn 37%. Hơn 3 triệu người, tương đương 12% dân số trong độ tuổi lao động, rơi vào cảnh thất nghiệp. Tỷ lệ này cao gấp đôi ở thanh niên trí thức.

Đồng tiền mất giá và lạm phát khiến mọi thứ đắt đỏ hơn, từ trái cây, rau quả, lốp xe, xăng dầu cho tới các mặt hàng giá trị lớn như điện thoại di động. Một chiếc điện thoại di động đơn giản có giá bằng hai tháng tiền lương trung bình của viên chức chính phủ, còn một chiếc iPhone bằng 10 tháng lương.

"Khi nguồn nhập khẩu điện thoại di động bị chặn, thương gia phải buôn lậu hàng bằng tỷ giá đôla chợ đen và bán đắt hơn", Pouria Hassani, một người bán điện thoại đi động ở Tehran nói. "Anh không thể kỳ vọng chúng tôi mua đắt bán rẻ được. Chúng tôi không muốn lỗ vốn".

Hossein Rostami, 33 tuổi, làm nghề giao hàng bằng xe máy, cho biết giá má phanh đã tăng gấp 5 lần. "Nguyên nhân vấn đề của Iran là sự kém cỏi của nhiều quan chức", Rostami nói trong lúc đồng nghiệp đang mời chào khách ở Tehran. "Đất nước chúng tôi rất giàu tài nguyên".

Iran là nơi có trữ lượng dầu thô lớn thứ 4 thế giới và có lượng dự trữ khí đốt tự nhiên chỉ sau Nga. Nhưng dưới chiến dịch gây sức ép tối đa của Trump, Mỹ đã cắt đứt khả năng bán dầu thô của Iran trên thị trường toàn cầu, đe dọa cấm vận bất kỳ quốc gia nào mua dầu của Iran. Dầu chiếm 1/3 trong số 80 tỷ USD mỗi năm trong ngân sách chính phủ Iran, đồng nghĩa với việc giảm nguồn thu từ dầu sẽ giảm phúc lợi xã hội và chi tiêu quân sự.

Phần thu còn lại của ngân sách quốc gia đến từ thuế và xuất khẩu mặt hàng phi dầu mỏ, trong đó các sản phẩm gốc hóa dầu cung cấp tới 50% trong số 45 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu phi dầu mỏ.

Trong công viên Laleh ở Tehran, Zhara Ghasemi, một giáo viên đã nghỉ hưu, chỉ trích chính phủ khi đổ lỗi "mọi vấn đề" do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bà cho hay cuộc sống thường nhật đang rất khó khăn, khi giá sữa tăng gấp đôi, rau và trái cây cũng đắt hơn trước.

"Chúng tôi đang chết dần dưới áp lực này, trong khi các quan chức không có biện pháp giải quyết", Ghasemi nói.

Nhiều năm thất vọng với các chính sách kinh tế thất bại khiến người Iran xuống đường tuần hành năm 2017 và biến thành cuộc biểu tình chống chính phủ lan rộng trên hàng chục thành phố, thị trấn vào đầu năm 2018.

Các vấn đề hiện tại bắt nguồn từ nỗ lực nhằm tư nhân hóa nền kinh tế kế hoạch của nhà nước Iran sau chiến tranh với Iraq, cuộc chiến cướp đi sinh mạng khoảng một triệu người vào những năm 1980.

"Tình hình của chúng ta bây giờ tệ hơn thời chiến", Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh nói hồi đầu tháng. "Chúng ta không gặp khó khăn về xuất khẩu dầu khi Saddam Hussein tấn công các nhà máy. Bây giờ, chúng ta không thể xuất khẩu dầu có nguồn gốc từ Iran".

Jafar Mousavi, chủ một cửa hàng bán đồ khô ở Tehran, nhận định lệnh cấm vận của Mỹ gây ra một số vấn đề, nhưng khó khăn cũng bắt nguồn từ nạn hối lộ và tham nhũng trong chính quyền.

"Chiến tranh kinh tế không bắt nguồn từ bên ngoài biên giới mà khởi phát từ trong nước", Mousavi nói, bổ sung rằng nhà sản xuất và người dân có thể vượt qua áp lực khi chính phủ Iran trở nên "liêm chính hơn".

Với những người mỗi ngày đi làm và về nhà trên tuyến tàu điện ngầm đông đúc ở Tehran, thu nhập của họ ngày càng ít đi dù công việc không thay đổi. Trên một toa tàu, Abbas Feayouji và con trai Rahmat đang chơi những bản tình ca buồn nổi tiếng để xin tiền.

"Tôi không rõ tại sao, nhưng giờ người ta cho ít tiền hơn trước", Feayouji, 47 tuổi, bố của ba đứa con, nói khi nghỉ giải lao.