Putin
Khoảng thời gian kể từ khi ông Putin chính thức bước vào Điện Kremlin tới nay không chỉ là giai đoạn bước ngoặt lịch sử đối với nước Nga mà còn là đối với cả thế giới. Trong gần 20 năm qua, ông Putin đã đưa ra hai tuyên bố được đánh giá là tuyên ngôn của nước Nga về thế giới trong thời đại mới.

Hai tuyên bố này được ông Putin đưa ra trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2007 và Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg năm 2019.

Tuyên ngôn chính trị của nước Nga tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich 2007

Tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich năm 2007, Tổng thống Nga V.Putin đã có bài phát biểu mang tựa đề "Vai trò của Nga trong nền chính trị thế giới". Giới phân tích chính trị ở Điện Kremlin gọi bài phát biểu này là "Tuyên ngôn của nước Nga về chính trị - an ninh quốc tế trong thế kỷ XXI". Bản tuyên ngôn này có những nội dung cơ bản sau:

1.Trật tự thế giới đơn cực được hình thành sau Chiến tranh lạnh không thể tồn tại bền vững. Trật tự này chỉ có một ý nghĩa duy nhất là một trung tâm quyền lực, một trung tâm sức mạnh và một trung tâm thông qua quyết định, không chỉ làm phương hại đối với tất cả những ai nằm trong khuôn khổ hệ thống đơn cực đó mà còn đối với cả chủ nhân của hệ thống đó bởi nó có tác dụng tàn phá từ bên trong.

Trật tự này hoàn toàn không dân chủ bởi dân chủ là quyền lực của đa số và tính đến lợi ích và ý kiến của thiểu số. Đối với thế giới hiện đại, trật tự thế giới đơn cực không có lý do để tồn tại bền vững bởi quốc gia đứng đầu thế giới đơn cực trong thế giới đương đại không bao giờ có đủ tiềm lực chính trị - quân sự và kinh tế để thực hiện vai trò đó.

Quan trọng hơn, trật tự thế giới đơn cực không thể vận hành được bởi trong nền tảng của nó không có và không thể có cơ sở đạo đức - tinh thần cho nền văn minh hiện đại.

2. Chiến tranh và xung đột cục bộ trên thế giới không hề giảm trong trật tự thế giới đơn cực. Do không bị kiềm chế, một quốc gia ngang nhiên sử dụng sức mạnh quân sự trong các công việc quốc tế, đưa thế giới vào chuỗi dài các cuộc xung đột không bao giờ chấm dứt, trong đó các giải pháp chính trị tỏ ra bất lực.

3. Thế giới đang chứng kiến các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đang bị phớt lờ. Trong khi đó, gần như toàn bộ hệ thống pháp lý của một siêu cường suy nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, nhân đạo đã vượt qua biên giới quốc gia Hoa Kỳ và được mang đi áp đặt cho các nước khác. Họ không chấp nhận cơ chế duy nhất để thông qua quyết định về sử dụng sức mạnh quân sự như là giải pháp cuối cùng chỉ có thể là Hiến chương của Liên Hợp quốc thông qua Hội đồng Bảo an.

4. Nga rất lo ngại về kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng chống tên lửa ở châu Âu và tạo ra vòng xoáy chạy đua vũ trang mới. Trong khi đó, sau Chiến tranh lạnh, các nước Châu Âu không còn bị đe dọa bởi vũ khí tên lửa có tầm bắn khoảng 5.000-8.000 km, cũng không thể có chuyện tên lửa của Triều Tiên phóng tới lãnh thổ Mỹ phải bay vòng qua Tây Âu vì điều đó hoàn toàn trái với các quy luật chuyện động của tên lửa đường đạn. Còn Iran cũng không có các loại tên lửa có thể bắn tới Châu Âu.

5. Quá trình mở rộng NATO không hề xuất phát từ yêu cầu bảo đảm an ninh ở Châu Âu mà chỉ là hành động khiêu khích nghiêm trọng và làm giảm mức độ tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia trên lục địa này. Nước Nga có quyền chính đáng để nêu câu hỏi một cách thẳng thắn rằng sự mở rộng NATO nhằm chống lại ai? Vì sao NATO lại vi phạm cam kết với Liên Xô/Nga sẽ không mở rộng liên minh này sau khi giải tán khối Hiệp ước Varsava?

6. Về an ninh năng lượng, Nga đã hành động đầy trách nhiệm khi giải quyết những vấn đề cung cấp năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng cho các đối tác Châu Âu. Tất cả những gì Matxcơva làm từ trước đến nay chỉ nhằm đạt một mục đích duy nhất là đưa quan hệ của Nga với các nước sử dụng dầu mỏ và khí đốt chuyển sang cơ chế thị trường minh bạch theo các hợp đồng dài hạn. Liên Xô trước đây ngay cả trong điều kiện Chiến tranh lạnh cũng đã từng duy trì liên tục hoạt động cung cấp khí đốt ổn định và tin cậy sang Châu Âu. Ngày nay, nước Nga vẫn tiếp tục chính sách đó.

7. Nước Nga đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố. Nga đã giúp NATO trong cuộc chiến chống khủng bố ở Afghanistan. Do đó, để chống khủng bố có kết quả, thế giới cần liên kết nỗ lực cùng nhau dưới ngọn cờ của LHQ.

8. Về việc Mỹ ráo riết nghiên cứu phát triển vũ khí tiến công, Nga cho rằng nếu không ngăn chặn nố lực này thì sẽ đến một thời điểm nào đó, Mỹ sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối và dẫn tới nguy cơ là lực lượng hạt nhân của Nga có thể bị phía Mỹ vô hiệu hóa. Khi đó, cán cân lực lượng hạt nhân chiến lược sẽ bị phá hoại một cách tuyệt đối và một bên sẽ cảm thấy an toàn tuyệt đối rồi sẽ tự do "làm mưa làm gió" trong các cuộc xung đột cục bộ cũng như trên phạm vi toàn cầu.

9. Về khả năng sử dụng sức mạnh quân sự, Nga sẽ luôn hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, trong Hiến chương của Liên Hợp quốc còn có điều khoản quy định về quyền tự vệ. Theo đó, để thực hiện quyền tự vệ, bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền sử dụng sử dụng sức mạnh quân sự mà không cần bất kỳ sự cho phép nào của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Toàn bộ diễn biến tình hình thế giới kể từ năm 2007 tới nay chứng tỏ tuyên ngôn chính trị - an ninh của nước Nga tại Hội nghị an ninh quốc tế Munich đã trở thành hiện thực. Đó là, cuộc khủng hoảng hệ thống bùng phát ở Mỹ năm 2008 đã mở đầu sự sụp đổ của trật tự thế giới đơn cực hình thành sau Chiến tranh lạnh; Mỹ xúc tiến triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Âu; NATO không ngừng mở rộng căn cứ quân sự sát biên giới Nga; Mỹ đơn phương can thiệp vào chủ quyền của nhiều quốc gia ở Bắc Phi - Trung Đông, ở Ukraine, Venezuela v.v.

Tuyên ngôn của nước Nga về kinh tế thế giới tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg

Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Petersburg năm nay diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh thương mại với gần như cả thế giới, trong có có cả các đồng minh của Washington. Trước hết là cuộc cạnh tranh toàn diện của Mỹ với Trung Quốc. Do đó, đây là dịp để Tổng thống Nga V.Putin đưa tuyên ngôn lần thứ hai của nước Nga với thế giới. Bản tuyên bôn này có những nội dung chủ yếu sau:

1. Mô hình toàn cầu hóa mà thực chất là "Mỹ hóa toàn cầu" ngày càng không phù hợp với hiện thực kinh tế mới của thế giới. Quyền bá chủ của Mỹ mâu thuẫn với các mục tiêu chung của toàn nhân loại trong một kỷ nguyên mà thế giới đã thay đổi căn bản. Các nỗ lực phiêu lưu của Mỹ nhằm duy trì quyền bá chủ trên trường quốc tế đang làm cho mô hình toàn cầu đang đứng trước nguy cơ trở thành một trò lừa gạt. Trong đó, các quy tắc quốc tế phổ quát được thay thế bằng luật pháp và các cơ chế hành chính - tư pháp của một quốc gia đơn lẻ hoặc một nhóm các quốc gia có ảnh hưởng như Mỹ đang làm hiện nay.

Mô hình đó không chỉ mâu thuẫn với logic truyền thông quốc tế và hiện thực của thế giới đang hướng tới đa cực, mà còn không phù hợp với những nhiệm vụ của nhân loại trong kỷ nguyên mới.

2. Việc Mỹ sử dụng ưu thế "độc nhất vô nhị" của đồng USD làm công cụ để gây áp lực trong bối cảnh đang diễn ra những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi các tổ chức tài chính quốc tế phải xem xét lại vai trò của USD. Hiện nay, chính quyền Mỹ đang tự tay phá hủy những lợi thế của mình dựa trên cơ sở Hệ thống Bretton Woods, do đó USD ngày càng mất tín nhiệm trong các giao dịch thương mại quốc tế.

3. Chính sách trừng phạt và gây áp lực mà Mỹ đang thực hiện rất có thể sẽ làm cho không gian kinh tế toàn cầu bị phân mảnh và thúc đẩy các hành động bảo vệ lợi ích quốc gia bằng con đường vũ lực. Đây là con đường dẫn tới các cuộc xung đột vô tận, các cuộc chiến tranh thương mại, một cuộc chiến không có luật lệ.

4. Mỹ và các đồng minh của họ đã quen với việc có các đặc quyền, đặc lợi. Do đó một khi hệ thống đặc quyền này bị lung lay trước tác động trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh thì Phương Tây do Mỹ đứng đầu lại ra sức theo đuổi tham vọng duy trì vị thế thống trị toàn cầu của họ bằng mọi giá. Các quốc gia trước đây từng ủng hộ các nguyên tắc tự do thương mại, cạnh tranh công bằng và cởi mở, thì giờ đây sẵn sàng phát động chiến tranh thương mại và cấm vận.

5. Mỹ là quốc gia phát động cuộc chiến công nghệ đầu tiên trong kỷ nguyên số, được thể hiện trước hết trong các biện pháp trừng phạt của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc - một tổ chức đóng vai trò then chốt trong chương trình "Made In China 2025" và chiến lược "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh.

6. Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh năng lượng nhằm kiểm soát thị trường Châu Âu, trước hết là nhằm làm phá sản dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) đang được Nga cùng với các đối tác trong EU thực hiện.

7. Trong bức tranh chung của kinh tế thế giới, nước Nga có đầy đủ tiềm năng tài nguyên và con người để thực hiện các quyết sách công nghệ có ý nghĩa đột phá như trí tuệ nhân tạo, công nghệ gen, các nguồn năng lượng công suất lớn nhưng gọn nhẹ như công nghệ hạt nhân và vật liệu mới [2,3].

Theo Tổng thống V.Putin, không nên phá bỏ trật tự thế giới hiện tại được xây dựng dựa trên cơ sở các mối quan hệ quốc tế theo Hiến chương LHQ và Tổ chức thương mại thế giới. Nếu không ngăn chặn quá trình quân phiệt hóa hoạt động thương mại thế giới thì các biện pháp bao vây cấm vận có thể trở thành "các đầu đạn hạt nhân kiểu mới".