Putin Xi
© Sputnik / Alexei Druzhinin
Báo Izvestia của Nga mới đây dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Storchak gửi Chủ tịch Ủy ban Thị trường Tài chính Duma quốc gia Nga Anatoly Aksakov cho hay, hai nước Nga và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận liên chính phủ về việc chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ - rúp và nhân dân tệ.

Văn kiện trên đã được ký kết bởi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương. Theo đó, các hợp đồng nhà nước thanh toán qua Ngân hàng VTB và Ngân hàng Thương mại Trung Quốc sẽ là những đối tượng đầu tiên chuyển sang giao dịch bằng rúp và nhân dân tệ.

Đây là động thái cụ thể hóa các thỏa thuận trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nga, hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin hôm 5/6.

Việc ký kết văn kiện chỉ là thủ tục. Nga và Trung Quốc đã bước đầu thực hiện cơ chế thanh toán nói trên từ năm ngoái. Từ bỏ đồng USD là một trong biện pháp hữu hiệu nhằm phá thế thượng phong của đồng bạc xanh, giảm thiểu tối đa các biện pháp trừng phạt và sức ép kinh tế của Mỹ nhằm vào Nga và Trung Quốc.

Hai nước có dự định mở rộng cơ chế thanh toán này cho các giao dịch của các doanh nghiệp. Các khoản thanh toán bằng rúp và nhân dân tệ cũng sẽ được thực hiện trên các hợp đồng đã được ký kết bằng USD trước đó.

Thứ trưởng Aksakov cho biết trong những năm tới, tỉ lệ các giao dịch của Nga với Trung Quốc thanh toán bằng rúp có thể đạt tới 50%, trong khi tại thời điểm hiện nay con số này chỉ ở mức 10%.

Động thái chuyển sang thanh toán bằng rúp và nhân dân tệ là một quá trình khá nhiều rủi ro bởi tỷ giá rúp và nhân dân tệ phải chịu biên độ dao động lớn do bất kỳ sự kiện tiêu cực nào trên thị trường thế giới.

Song giới chuyên gia nhận định thỏa thuận mới được ký kết giữa 2 quốc gia này sẽ giúp tăng khối lượng giao dịch bằng rúp và nhân dân tệ lên gấp nhiều lần. Xu hướng loại bỏ đồng USD trong các thanh toán quốc tế đang được Nga và Trung Quốc thúc đẩy cũng nhận được sự ủng hộ các quốc gia khác.

Trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang tích cực triển khai các động thái tranh chấp thương mại, thực hiện chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới. Nga và Trung Quốc cũng đang dẫn đầu phong trào tẩy chay công cụ thực hiện chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ - đồng USD.

Hai nước cũng đã kéo sự ủng hộ của các thành viên trong khối các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazil và Nam Phi tẩy chay chủ nghĩa kinh tế mà Mỹ đang hướng tới.

Tại cuộc họp của khối BRICS bên lề Thượng đỉnh G20, Tổng thống Putin cũng lưu ý nền kinh tế thế giới hiện đang trong tình hình "rất đáng lo ngại" khi thương mại toàn cầu đang phải chịu những tác động từ "chủ nghĩa bảo hộ và những hạn chế mang động cơ chính trị".

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng sự phát triển kinh tế toàn cầu phần lớn đang chịu sự chi phối của các quyết định đơn phương. Ông nhấn mạnh cần tập trung vào việc cải cách WTO nhằm đảm bảo kinh tế toàn cầu đạt được sự phát triển cân bằng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ trích một số quốc gia phát triển theo đuổi những biện pháp mang tính bảo hộ đang làm bùng phát các cuộc tranh chấp thương mại và sự phong tỏa kinh tế, đồng thời gọi đây là nguy cơ lớn nhất làm gia tăng sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Ông nhấn mạnh những điều này "đang hủy hoại trật tự thương mại toàn cầu" cũng như "ảnh hưởng đến lợi ích chung của các nước, phủ bóng đen lên hòa bình và sự ổn định trên khắp thế giới". Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi các nước BRICS cần "nâng cao sức bền và năng lực ứng phó với các nguy cơ bên ngoài".