oil tanker
© Reuters
Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh đã đổ bộ lên tàu chở dầu cỡ lớn mang tên Grace 1 khi nó đang đi qua eo biển Gibraltar hôm thứ Năm (ngày 4/7) vì nghi ngờ con tàu chuyên chở dầu thô từ Iran đến Syria trái với lệnh trừng phạt của EU và Mỹ.

Tàu chở dầu trên được cho là đã xuất phát từ Iran - một đồng minh thân cận của chính phủ Syria và số hàng trên bị nghi ngờ được chuyển đến Nhà máy lọc dầu Baniyas của Syria để tiến hành công tác tinh chế thành phẩm.

Việc làm này bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với nhà máy lọc dầu Baniyas và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc bán dầu quốc tế của Iran.


Nhận xét: Theo luật pháp quốc tế, chỉ có Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới có quyền áp đặt lệnh trừng phạt với một quốc gia. Hành động này của Anh là hành động theo luật rừng "lẽ phải thuộc về kẻ mạnh", quả đúng là hành vi cướp biển vậy.


Lệnh cấm vận được áp dụng trở lại sau những căng thẳng giữa Washington và Tehran, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 hồi đầu năm nay.

Theo thông báo của giới chức Gibraltar, toàn bộ con tàu cũng như hàng hóa mà nó mang theo đều bị đặc nhiệm Anh thu giữ, hành động mà Bộ Ngoại giao Anh tỏ ý hoan nghênh nhiệt liệt.

Mặc dù vậy do lúc đột kích con tàu đang nằm trong hải phận Tây Ban Nha cho nên chính quyền nước sở tại đã thể hiện sự không hài lòng, cho rằng lính đặc nhiệm Anh đã xâm phạm chủ quyền của họ.

Ngoài ra được biết để che mắt các hoạt động tình báo của Mỹ và phương Tây, con tàu trên đã lựa chọn hải trình đi vòng qua châu Phi tuy nhiên vẫn không thể lọt qua được hệ thống tình báo cực kỳ hùng hậu được bố trí xung quanh.

Hiện tại chưa rõ số phận con tàu cùng thủy thủ đoàn sẽ ra sao, bất chấp phản đối từ phía Iran thì gần như chắc chắn số hàng trên tàu sẽ bị tịch thu toàn bộ, không loại trừ khả năng số phận tương tự sẽ tới với cả con tàu.

Sự việc này đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn vốn âm ỉ bấy lâu nay giữa Iran với phương Tây, bởi cho dù châu Âu lên tiếng đề nghị Tehran duy trì thỏa thuận hạt nhân nhưng họ lại có hành động đi theo Mỹ.

Hành động này theo đánh giá sẽ trở thành giọt nước tràn ly cuối cùng, khiến Iran rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân và tiến hành làm giàu Uranium ở cấp độ cao vượt mức giới hạn.