putin modi i xi
© Mikhail Klimentyev / Sputnik / AFP
Tổng thống Putin khẳng định xu thế tất yếu của thế giới đa cực

Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế "Sự phát triển của Chế độ nghị viện", lần thứ 2 diễn ra tại Moscow từ ngày 1-3/7/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng : "Sự biến đổi của thế giới sang đa cực là hiển nhiên".

Có chủ quan quá không khi nhà lãnh đạo Nga khẳng định tính tất yếu của thế giới đa cực? Đây là khuynh hướng phát triển của thế giới đương đại hay chỉ là một tuyên bố chính trị của ông chủ Điện Kremlin trong bối cảnh Nga bị Mỹ-phương Tây cô lập?

Theo giới phân tích, nhận định của Tổng thống Putin là không phải là tuyên bố chính trị thể hiện sự thất vọng của Moscow trong bối cảnh nước Nga bị Mỹ-phương Tây cô lập, mà đây là quan điểm nhất quán của chính phủ Nga dưới "triều đại Putin".

Còn nhớ ngày 1/9/2008, sau khi Nga chiến thắng trong cuộc chiến với Gruzia, qua đó thanh toán cả vốn lẫn lãi của "món nợ Kosovo" cho Mỹ-NATO, nhưng Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev vẫn khẳng định tính đa cực của thế giới.

"Thế giới phải đa cực, thống trị là không thể chấp nhận. Không thể chấp nhận một trật tự thế giới mà mọi quyết định đều do một nước đưa ra, dù đó là nước hùng mạnh như Mỹ. Một thế giới như thế sẽ bất ổn và thiên về xung đột", AP tường thuật.

Ngày 14/10/2015, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tiếp tục khẳng định Moscow theo đuổi chính sách đối ngoại đa cực nhằm đáp ứng các lợi ích quốc gia của Nga, củng cố vị thế của nước Nga trong thế giới đầy cạnh tranh hiện nay.

"Nga theo đuổi chính sách đối ngoại đa cực và trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế. Chúng tôi nhận thấy rằng, chính sách đó đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế", ông Lavrov phát biểu trước Duma quốc gia Nga.

Rõ ràng, chính sách đối ngoại đa cực đã luôn được chính quyền Nga dưới "triều đại Putin" khẳng định, dù nước Nga đóng vai trò gì hay thể hiện vị thế như thế nào trên bàn cờ chính trị thế giới.

Tuy nhiên, đó là chính sách đối ngoại của Nga, nhưng liệu nó có phù hợp với xu thế phát triển của thế giới hiện nay, hay chỉ là ước vọng của Moscow trong bối cảnh Nga muốn cân bằng quyền lực với Mỹ và các đồng minh phương Tây?

Thực tế đã chứng minh trong thế giới đương đại không có một hay một nhóm quốc gia nào có đủ khả năng và tiềm lực để tự mình có thể giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, dù nó phát sinh do nhân tai hay thiên tai.

Có thể thấy hợp tác quốc tế đang là khuynh hướng phát triển cũng đồng thời là động lực phát triển của mỗi quốc gia, từ đó hình thành nên xu thế phát triển của thế giới. Toàn cầu hoá đã trở thành nền tảng xây dựng các giải pháp cho các vấn đề quốc tế.

Như vậy "sự biến đổi của thế giới sang đa cực là hiển nhiên", như lời khẳng định của Tổng thống Putin. Vậy nhưng theo người đứng đầu Điện Kremlin thì hiện có nhiều quốc gia ngoan cố không thừa nhận thực tế hiển nhiên đó.

Và "sự ngoan cố không thừa nhận của một số quốc gia đối với thực tế này dẫn đến sự đối đầu trên hành tinh, coi thường luật pháp quốc tế, phá hoại sự ổn định chiến lược. Tất cả điều này cản trở sự hợp tác", ông Putin cảnh báo.

Nhà lãnh đạo tối cao của nước Nga cảnh báo ai đi ngược xu thế vận động của thế giới đa cực? Không khó nhận diện đối tượng đầu tiên nhất mà ông Putin hướng tới là Mỹ và các nước đồng minh.

Song, theo giới phân tích, Mỹ và các đồng minh không phải là đối tượng duy nhất mà ông Putin muốn gửi thông điệp, bên cạnh đó còn là các thực thể khác. Đó là những thực thể a dua theo những hành động xem thường luật pháp quốc tế.

Phải nhìn nhận rằng, trong thời gian qua các thực thể a dua, tôn thờ "chân lý thuộc về kẻ mạnh" đã là tác nhân phá hoại nghiêm trọng nhất sự ổn định của thế giới, phá vỡ nhiều cấu trúc đã được định hình, cản trở sự hợp tác quốc tế.

Việc các thực thể a dua theo Anh-Mỹ, trừng phạt Nga trong "Điệp vụ Skripal" hay Nhóm Lima thực hiện kế hoạch của Mỹ nhằm sắp đặt một bàn cờ chính trị mới ở Venezuela, là những ví dụ rõ nhất về sự nguy hại của các thực thể a dua với thế giới.

Nhưng đến nay việc đua theo Anh-Mỹ trong "Điệp vụ Skripal" đã trở thành "vụ hớ thế kỷ" của những thực thể a dua, còn việc chính quyền Tổng thống Maduro đứng vững đã chứng minh việc vô hiệu luật pháp quốc tế không thể trở thành xu thế được.

Và khi Hội đồng Nghị viện của Ủy hội châu Âu (Council of Europe - CoE) nhất trí mời đại diện của Nga trở lại cơ quan này, sau 5 năm Moscow bị tẩy chay, cho thấy đa cực là xu thế phát triển không thể đảo ngược của thế giới đương đại.

Tổng thống Putin quyết kết liễu thế giới đơn cực

Sau thắng lợi trong cuộc chiến với Gruzia, ông Medeved khẳng định Nga "không thể chấp nhận một trật tự thế giới mà mọi quyết định đều do một nước đưa ra", còn tại Diễn đàn quốc tế Moscow, thì ông Putin khẳng định thế giới đa cực là tất yếu.

Điều đó cho thấy lập trường xuyên suốt của chính phủ Nga dưới triều đại Putin là thế giới đơn cực đã thuộc về quá khứ và không thể để nó tái lập vì đó là hậu hoạ của thế giới, mà thể hiện ra là có quốc gia được phép đứng trên luật pháp quốc tế.

Chính sách đối ngoại của Nga dưới "triều đại Putin" tựu trung ở 5 điểm căn bản, mà không khó nhận diện là cốt lõi của nó là hướng nước Nga hoà nhập vào một trật tự đa cực của thế giới, theo AP.

1. Tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; 2. Thế giới phải đa cực; 3. Không xây dựng chính sách gây đối đầu; 4. Lợi ích của người dân là lợi ích quốc gia; 5. Phát triển quan hệ thân thiện với tất cả các quốc gia, khu vực.

Với chính sách đối ngoại 5 điểm ấy, chính quyền Tổng thống Putin đã thể hiện quyết tâm kết liễu thế giới đơn cực và Moscow hiện thực hoá ước vọng đó bằng phương châm hành động "xây đối tác thay cho kết đồng minh".

Có thể thấy Washington đã khai thác tối đa chính sách dùng uy lực Mỹ thay cho uy tín Mỹ để ép đồng minh và các thực thể a dua bao vây cô lập Moscow. Từ đó kết hợp với kiểu ngoại giao bất quy tắc, chiếm lĩnh mặt bằng sân khấu chính trị của Nga.

Tuy nhiên, khi Tổng thống Putin thực hiện chính sách "xây đối tác" để hoá giải tác hại từ chính sách "kết đồng minh" của Mỹ, đã giúp cho Nga có được nhiều "đối tác tốt", trong khi Mỹ ngày càng phải đối phó với nhiều "đồng minh tồi".

Khi không "kết đồng minh", Nga được cho là đã hạn chế phải dành nguồn lực dành cho tài trợ, hỗ trợ để giữ đồng minh. Song quan trọng hơn là chính sách đối ngoại của Nga đã góp phần đảm bảo trật tự của thế giới, vốn đang có quá nhiều biến động.

Trong khi Mỹ hợp lực với 68 đồng minh để hình thành "tập thể khách không mời" tại Syira, thì Nga dù là nước bảo trợ chính quyền Syria, nhưng Moscow không kết đồng minh với Damascus. Cũng như vậy với thực thể khác, dù đối tác rất mong chờ.

Kết quả là Nga "không cùng hội nhưng đã cùng thuyền" với nhiều đồng minh của Mỹ, như kết hợp với Ả-rập Saudi kiến tạo cơ chế trong-ngoài OPEC, kết nối với Israel đảm bảo vị thế tại Syria, kết thân với Thổ Nhĩ Kỳ khoét rộng lỗ thủng của NATO...

Cùng với đó là việc ngày càng nhiều lực lượng chính trị ngay tại Mỹ và tại các nước phương Tây bị cáo buộc là "tay trong của Nga", ngày càng nhiều đồng minh của Mỹ bị cáo buộc là đã tìm cách "gần Nga xa Mỹ".

Đặc biệt, chính sách đối ngoại của Nga đã tạo ra "hiệu ứng vượt không gian", biến nước Nga thời Putin trở thành thực thể chính trị duy nhất cho đến nay tác động tới cả tình hình chính trị lẫn tình hình nội trị của nước Mỹ, mà Washington phải bó tay.

Khi giới tinh hoa nước Mỹ cáo buộc Tổng thống Trump thắng cử là nhờ có sự giúp sức của Tổng thống Putin cũng là lúc vị thế độc tôn của Mỹ trên thế giới chính thức bị xoá bỏ - thế giới đơn cực chính thức bị kết liễu, mà tác giả chính là quái kiệt Putin.