Vietnam iraq war lies
Bia đỡ đạn chiến tranh Iraq 2008: "Bọn chúng LỪA DỐI chúng tôi về cuộc chiến này!"
Bia đỡ đạn chiến tranh Việt Nam 1968: "Tôi biết CHÍNH XÁC điều anh muốn nói!"
Việt Nam: Nó luôn ở đó. Ám ảnh quá khứ và báo trước tương lai nước Mỹ.

Một cuộc chiến đã trôi qua 50 năm, từng được gọi là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, vẫn đang tiếp diễn và lôi kéo một nhóm người Mỹ "tham chiến": các tướng lĩnh quân đội Hoa Kỳ. Và sau gần nữa thế kỉ, họ vẫn thua và vẫn đổ lỗi cho những người khác về thất bại đó.

Hiển nhiên là quân đội Mỹ và các nhà lãnh đạo Washington đã thua cuộc chiến ở Việt Nam trong thế kỉ trước, và có lẽ đó là điều tốt. Ngay từ đầu, thực sự không có lí do gì chính đáng để nước Mỹ can thiệp vào một cuộc nội chiến chống thực dân, ủng hộ một chính phủ Nam Việt Nam không có tính chính danh rõ ràng, và ngăn cản cuộc tổng tuyển cử theo hiệp định ở cả hai miền của một ranh giới nhân tạo trên quốc gia này. Với những hành độ đó, Washington đã biến mình thành kẻ xấu đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, một tổ chức được hậu thuẫn bởi Bắc Việt Nam mà người Mỹ gọi là "Việt Cộng".

Hơn hai mươi năm can thiệp và nửa triệu quân Mỹ vào thời điểm cao trào của cuộc chiến không thể thay đổi điểm yếu căn bản của chế độ được Mỹ hậu thuẫn ở Sài Gòn. Hàng triệu người châu Á và 58.000 lính Mỹ đã thiệt mạng, nhưng quân đội Nam Việt Nam đã không thể tự chiến đấu mà không có sự trợ giúp của Mỹ và cuối cùng đã thất thủ trước một cuộc tấn công quy ước của Bắc Việt vào tháng 4/1975.

Chỉ có một vấn đề. Mặc dù đa số các nhà sử học (mà giới học thuật gọi là trường phái "chính thống") đồng ý với những nét chính của sự kiện như trên, đại đa số các sĩ quan cao cấp trong quân đội Mỹ thì không. Thay vào đó, họ tiếp tục "chiến đấu với kẻ thù" qua những cuốn sách họ đọc, những nghiên cứu họ xuất bản, và đáng lo ngại hơn cả là qua những chính sách mà họ theo đuổi ở khu vực Trung Đông.

Viết lại lịch sử

Vào năm 1986, Thiếu tá David Petraeus, sau này là tướng chỉ huy các cuộc chiến tranh Iraq - Afghanistan và giám đốc CIA, viết một bài báo trên tạp chí quân đội Parameters tóm tắt khóa luận tiến sĩ của ông về Chiến tranh Việt Nam. Bài báo thể hiện tầm hiểu biết ấn tượng của Thiếu tá Petraeus, ngoại trừ kết luận thảm họa của nó về những bài học từ cuộc chiến. Mặc dù thừa nhận rằng quân đội đã phải trả giá đắt cho cuộc chiến ở Việt Nam, rằng nỗi hận bất đắc chí hằn sâu trong tâm trí của những người lãnh đạo quân đội, song mối lo ngại thật sự của Petraeus là cuộc chiến đã khiến cho quân đội không sẵn sàng để tiến hành một đường lối chiến tranh gọi là "xung đột cường độ thấp", nay gọi là chống nổi dậy. Tóm lại, theo Petraeus, điều nước Mỹ cần không phải là ít chiến tranh hơn, mà là những cuộc chiến tốt hơn. Ông rút ra một kết luận định mệnh: Lần sau, quân đội cần phải chuẩn bị tốt hơn về lực lượng chống nổi dậy, trang bị, chiến thuật và học thuyết chiến tranh mới có thể giành chiến thắng.

Hai mươi năm sau, khi một vũng lầy tương tự Chiến tranh Việt Nam hình thành ở Iraq, Petraeus cùng một loạt các tướng lĩnh cùng thời trong COINdinistas (một nhóm sĩ quan ủng hộ lý thuyết tâm đắc của ông về chống nổi dậy trong chiến tranh hiện đại) đã vận dụng những kết luận trên vào cuộc chiến chống khủng bố. Một vài cái tên trong số đó, như H.R. McMaster hay James Mattis, có lẽ vẫn quen thuộc ngày nay. Petraeus cùng các đồng sự đã có cơ hội áp dụng lý thuyết vào thực tế tại Iraq và sau đó là Afghanistan, còn người Mỹ và phần còn lại của thế giới vẫn đang phải gánh chịu hậu quả.

Cũng giống như Petraeus, hẳn một thế hệ các sĩ quan cấp cao sau Chiến tranh Việt Nam, hiện đứng đầu một bộ máy chiến tranh khổng lồ, vẫn đang mải mê với cuộc chiến đã trôi qua đó. Sau hàng thập kỉ, các vị tướng - học giả tiếp tục đúc rút những bài học sai lầm từ Chiến tranh Việt Nam, nay chỉ còn là cuộc chiến dài thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.

Hai trường phái đối nghịch

Nhà sử học Gary Hess chỉ ra hai dòng chính của tư tưởng xét lại. Một bên là trường phái Clausewitz (đặt theo tên một nhà quân sự người Phổ thế kỉ XIX) khăng khăng cho rằng Washington đã không tấn công đủ mạnh vào trọng tâm của kẻ địch ở Bắc Việt Nam. Đằng sau vỏ bọc ngôn ngữ hàn lâm, quan điểm của những người theo trường phái này thống nhất ở một điểm: Quân đội Mỹ lẽ ra nên san phẳng miền Bắc bằng thật nhiều bom.

Trường phái thứ hai, bao gồm cả Petraeus, được Hess gọi là trường phái "trái tim và tâm trí". Như nhóm COINdinistas, họ cảm thấy rằng quân đội đã không coi trọng một cách thỏa đáng những việc như cô lập Việt Cộng, bảo vệ các xóm làng miền Nam, xây trường học, phát kẹo cho trẻ con - bất cứ việc gì giúp giành được cảm tình (hay "trái tim và tâm trí") của người Việt.

Dù khác biệt, cả hai trường phái đều thống nhất rằng: Quân đội Mỹ lẽ ra phải là bên chiến thắng ở Việt Nam.

Tính chất nguy hiểm của hai luồng tư tưởng này thể hiện rất rõ trong thế kỉ XXI. Các chỉ huy cấp cao, trong đó có một số người hiện đang nắm giữ những vị trí chủ chốt về an ninh quốc gia, đã biến những kết luận sai lầm từ cuộc xung đột ở Việt Nam thành những chiến lược quân sự tại Washington. Hệ quả là một chiến dịch chống khủng bố đang ngày càng được mở rộng, từ Nam Á cho tới Tây Phi, mà thực chất là tình trạng chiến tranh liên miên bắt nguồn từ một tư tưởng phiêu lưu rằng chiến lược chống nổi dậy và các điệp vụ dạng "cố vấn - yểm trợ" đã có thể thành công ở Việt Nam và có khả năng thành công ở những nơi khác.

Lựa chọn "chơi lớn"

Nổi bật trong trường phái Clausewitz là Đại tá Lục quân Mỹ Harry Summers, cựu binh Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Việt Nam. Cuốn sách của ông, "Về chiến lược: Một phân tích mang tính phê bình về Chiến tranh Việt Nam" (On Strategy: A Critical Analysis of the Vietnam War) xuất bản năm 1982 ngay lập tức trở thành tác phẩm kinh điển trong giới quân sự. Rất dễ hiểu tại sao. Summers lập luận rằng không phải binh lính mà chính các nhà lãnh đạo dân sự đã để thua cuộc chiến do quá tập trung vào phong trào nổi dậy ở miền Nam thay vì vào Hà Nội, thủ đô miền Bắc. Chiến thắng lẽ ra đã có thể đạt được bằng cách huy động nhiều quân hơn, hành xử hiếu chiến hơn, thậm chí là bằng những cuộc xâm lăng tổng lực vào các an toàn khu của cộng sản ở Lào, Cam-pu-chia và Bắc Việt Nam.

Summers tỏ ra đầy cảm xúc khi bàn về đề tài này. Sau này, ông biện giải nguồn gốc của những phân tích bi quan về cuộc chiến trong thời hậu chiến là từ "những kẻ trốn nghĩa vụ quân sự và những kẻ trốn tránh chiến đấu đang vật lộn với lương tâm mình". Trong tác phẩm của mình, Summers đã đánh giá thấp những nhân tố Việt Nam (như nhiều nhà sử học quân sự sau đó), không nghiên cứu đầy đủ những hậu quả có thể xảy ra (chẳng hạn như chiến tranh hạt nhân) của việc leo thang chiến tranh mà ông cổ súy, và thậm chí không buồn đặt câu hỏi liệu Việt Nam có phải là lợi ích cốt lõi đối với an ninh nước Mỹ.

Có lẽ Summers nên nhớ lại một cuộc gặp gỡ nổi tiếng thời hậu chiến giữa ông và một sĩ quan Bắc Việt, một Đại tá tên Tư (?). Ông nói với vị đại tá rằng: "Anh nên biết các anh chưa từng đánh bại chúng tôi trên chiến trường". "Có thể, nhưng điều đó cũng đâu có liên quan", viên đại tá đáp.

Bất kể những hạn chế nêu trên, tác phẩm của ông vẫn có ảnh hưởng lớn trong giới quân sự cho tới ngày nay. Bản thân tôi được chỉ định đọc cuốn sách này khi tôi còn là học viên trường sĩ quan West Point !

H.R. McMaster, Cố vấn An ninh Quốc gia tại nhiệm, đưa ra một phân tích công phu hơn thuộc trường phái Clausewitz trong cuốn sách "Sự tắc trách" (Dereliction of Duty) xuất bản năm 1997. Ông lập luận rằng Hội đồng Liên Tham mưu trưởng đã xử sự thiếu trách nhiệm khi không đưa ra cho Tổng thống Lyndon Johnson một bản đánh giá trung thực về những điều kiện cần để chiến thắng, có nghĩa là "nước Mỹ đã tham chiến mà thiếu vắng công tác cố vấn quân sự có hiệu quả". Ông kết luận rằng nước Mỹ thua cuộc không phải ở trên chiến trường, không phải do truyền thông, cũng chẳng phải do phong trào chống chiến tranh trong các trường đại học, mà là ở ngay tại Washington D.C. do sự thiếu dũng khí của các tham mưu trưởng Lầu Năm Góc khiến cho các lãnh đạo dân sự lựa chọn sai chiến lược.

McMaster là một học giả chân chính và một cây bút có tài, nhưng ông vẫn đề xuất rằng Hội đồng Tham mưu trưởng lẽ ra nên ủng hộ một chiến lược tấn công mạnh mẽ hơn - một cuộc xâm lược toàn diện vào miền Bắc hoặc ném bom trải thảm không thương tiếc xuống đất nước này. Về mặt này, ông tiêu biểu cho phái Clausewitz, vốn phớt lờ quan điểm của phía Việt Nam - như nhà sử học Ronald Spector đã chỉ ra, và không chịu thừa nhận rằng "Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến của người Việt Nam" (nhận xét của nhà sử học Edward Miller).

COIN: Cuộc chiến tranh nhỏ (và không có hồi kết)

Trung tá về hưu Andrew Krepinevich, cũng là cựu binh Chiến tranh Việt Nam, đã bắn phát pháo mở màn cho trường phái "trái tim và tâm trí". Trong cuốn "Quân đội và Việt Nam" (The Army and Vietnam) xuất bản năm 1986, ông lập luận rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng chứ không phải quân đội Bắc Việt mới là trọng tâm của kẻ địch, và việc quân đội Mỹ chú trọng vào chiến tranh quy ước hơn là chống nổi dậy đã đưa đến thất bại. Mặc dù những lý lẽ này chẳng ấn tượng hơn phái Clausewitz là bao, chúng vẫn phổ biến trong giới quân sự, bởi như nhà sử học Dale Andrade đã nói, chúng đưa ra lí giải đơn giản cho thất bại ở Việt Nam.

Năm 2005, Krepinevich viết một bài báo gây tiếng vang trên tạp chí Foreign Affairs có tiêu đề "Làm thế nào để chiến thắng ở Iraq" ("How to Win in Iraq"), trong đó ông áp dụng những kết luận của mình về Việt Nam vào một chiến lược chống nổi dậy lâu dài ở Trung Đông, nhờ đó chinh phục được David Brooks, nhà báo theo tư tưởng bảo thủ của tờ New York Times và gây ra "sự bàn tán sôi nổi trong Lầu Năm Góc, CIA, Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, và văn phòng phó tổng thống".

Năm 1999, Lewis Sorley, sĩ quan quân đội về hưu và cựu chiến binh, xuất bản tác phẩm mang tính tổng kết về trường phái "trái tim và tâm trí": A Better War: The Unexamined Victories and Final Tragedy of America's Last Years in Vietnam ("Một cuộc chiến thành công hơn: Chiến thắng bị bỏ ngỏ và bi kịch những năm cuối cùng ở Việt Nam của nước Mỹ"). Sorley đưa ra một kết luận táo bạo: Mùa xuân năm 1970, chiến sự chưa kết thúc nhưng kết cục của cuộc chiến đã được định đoạt. Theo câu chuyện kể mang tính chất an ủi của Sorley, nguyên nhân thực sự của thất bại nằm ở chiến lược "chiến tranh lớn" của Tướng William Westmoreland. Chiến lược chống nổi dậy của Tướng Creighton Abrams - người kế nhiệm Westmoreland và "vị cứu tinh" của Sorley - mới là chìa khóa thành công.

Các nhà phê bình nhận định rằng Sorley đã phóng đại những khác biệt không đáng kể giữa chiến lược của hai vị tướng và sản sinh ra một tác phẩm sai sự thật. Dù sao thì chuyện đó cũng không quan trọng. Năm 2005 khi tình hình ở Iraq - quốc gia mắc kẹt trong nội chiến tôn giáo giữa lúc đang bị Mỹ chiếm đóng - trở nên tồi tệ, cuốn sách của Sorley được đón đọc bởi Tướng John Abizaid, đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, và cố vấn Bộ Ngoại giao Philip Zelikow. Theo tác giả David Ignatius của báo Washington Post, tại thời điểm đó cuốn sách có thể được tìm thấy trên giá sách của các sĩ quan cao cấp ở Baghdad.

Một tín đồ nữa của trường phái "trái tim và tâm trí" là Trung tá John Nagl (ông thậm chí còn xuất hiện trong chương trình The Daily Show with Jon Stewart). Cuốn Learning to Eat Soup with a Knife: Counterinsurgency Lessons from Malaya and Vietnam ("Học ăn súp bằng dao: Những bài học về chống nổi dậy từ Malaya và Việt Nam") của ông tán thành quan điểm của Krepinevich cho rằng nếu Creighton Abrams nắm quyền chỉ huy từ đầu cuộc chiến thì quân đội Mỹ rất có thể đã chiến thắng. Năm 2006, báo Wall Street Journal đưa tin Tham mưu trưởng Lục quân, Tướng Peter Schoomaker thích cuốn sách của Nagl tới mức ông đưa nó vào danh mục cần phải đọc đối với tất cả các tướng bốn sao, còn Tướng George Casey, chỉ huy Chiến tranh Iraq lúc đó thì tặng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Donald Rumsfeld một bản trong một chuyến thăm Baghdad.

David Petraeus và Bộ trưởng Quốc phòng tại nhiệm James Mattis, đồng tác giả cuốn cẩm nang chiến trường về chống nổi dậy đầu tiên kể từ Chiến tranh Việt Nam mang tên FM 3-24 (xuất bản 2006) cũng là những tượng đài trong trường phái "trái tim và tâm trí". Nagl đã viết lời nói đầu, còn Krepinevich viết lời bình ở bìa sau của cuốn cẩm nang này.

Chính những lập luận xét lại này, sau khi lan xuống toàn bộ tầng lớp sĩ quan, đã tạo ra thảm kịch ở Iraq và Afghanistan.

Đọc nhầm sách

Năm 2009 khi Đại tá Gregory Daddis, cựu giáo sư sử học trường West Point được điều đến Iraq với tư cách cố vấn sử học cho Quân đoàn Đa quốc gia - sở chỉ huy chiến thuật của quân đội, ông nhận thấy chỉ huy quân đoàn, Trung tướng Charles Jacoby đã chỉ định một danh mục sách chuyên khảo cho các cấp dưới trực tiếp. Daddis thất vọng khi biết rằng A Better War ("Một cuộc chiến thành công hơn") của Sorley là cuốn sách duy nhất về Chiến tranh Việt Nam nằm trong danh sách này. Hoàn toàn không đáng ngạc nhiên bởi quan điểm của Sorley rằng chiến thắng trong tầm tay của quân Mỹ tại Việt Nam đã bị tước đi bởi các nhà hoạt định chính sách dân sự, bởi truyền thông tự do chủ nghĩa và những người biểu tình chống chiến tranh vẫn còn dư âm trong giới sĩ quan, mặc cho vũng lầy ở Iraq đã bước sang năm thứ sáu.

Lâu nay các sĩ quan thường lập danh mục sách chuyên khảo như hướng dẫn giúp thuộc cấp của họ đối mặt với những thử thách cam go phía trước. Ý tưởng này rất đáng ngưỡng mộ, nhưng mối nguy tiềm ẩn trong những danh mục sách này là sự tác động lên tư tưởng của cả một thế hệ lãnh đạo tương lai. Trong trường hợp Chiến tranh Việt Nam, mối nguy này trở nên hiện hữu. Trong suốt nhiều năm, các tướng lĩnh đã đọc và chỉ định đọc những cuốn sách có vấn đề, những tác phẩm nhằm mục đích củng cố niềm tự hào binh nghiệp giữa một chuỗi những cuộc chiến không thành công và không có hồi kết.

Ngay sau ngày 11/9, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Richard Myers, người đọc diễn văn tại lễ tốt nghiệp West Point của khóa tôi, đã đưa On Strategy ("Về chiến lược") của Summers vào danh mục của ông. Vài năm sau, Tướng Peter Schoomaker, Tham mưu trưởng Lục quân lúc bấy giờ, thêm Dereliction of Duty ("Sự tắc trách") của McMaster. Xu hướng tiếp diễn tới ngày nay. Tư lệnh Thủy quân lục chiến Robert Neller giữ lại sách của McMaster và bổ sung Diplomacy ("Ngoại giao") của Henry Kissinger (tác giả những vụ ném bom phi pháp vào Lào và Cam-pu-chia và kẻ mang tai tiếng tội phạm chiến tranh). Tham mưu trưởng Lục quân đương nhiệm, Tướng Mark Milley giữ cuốn của Kissinger và thêm Lewis Sorley. Sau chót, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis đưa vào một cuốn sách khác của Kissinger và thêm vào một danh mục khác cuốn The Army and Vietnam ("Quân đội và Việt Nam") của Krepinevich.

Quan trọng không kém việc cuốn sách nào lọt vào danh sách là những gì còn thiếu trong đó: Không vị chỉ huy cấp cao nào đưa vào những nghiên cứu, tiểu thuyết, phóng sự mới hơn - những tác phẩm có khả năng đặt ra những câu hỏi hóc búa và không mấy dễ chịu về việc liệu Chiến tranh Việt Nam có thể thắng được hay không, có cần thiết không, hoặc có nên được tiến hành hay không, hay thêm vào những tiếng nói trong cuộc có thể làm bật lên những giới hạn của tầm ảnh hưởng và quyền lực của nước Mỹ.

Phục vụ trong cái bóng của Chiến tranh Việt Nam

Hầu hết các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc chiến chống khủng bố đã không tham chiến ở Việt Nam. Họ tốt nghiệp trường đại học hoặc trường West Point sau khi Mỹ đã rút gần hết quân khỏi Việt Nam: Petraeus năm 1974, chỉ huy tương lai của cuộc chiến Afghanistan Stanley McChrystal năm 1976, và Cố vấn An ninh quốc gia đương nhiệm H.R. McMaster vào năm 1984. Bộ trưởng Quốc phòng Mattis hoàn thành khóa huấn luyện sĩ quan dự bị và tốt nghiệp Đại học Trung Washington năm 1971, trong khi Tham mưu trưởng John Kelly nhập ngũ vào cuối chiến tranh Việt Nam và được phong hàm sĩ quan năm 1976.

Nói cách khác, thế hệ sĩ quan chỉ huy cuộc chiến chống khủng bố ngày nay nhập ngũ vào cuối hoặc sau cuộc chiến thảm khốc ở Đông Nam Á. Điều đó có nghĩa là họ đã tránh được chiến đấu trong cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ II và mất luôn uy tín nghề nghiệp đi kèm với đó. Họ được chỉ dạy bởi các sĩ quan chiến thuật của học viện, giảng viên khóa huấn luyện sĩ quan dự bị, và những người chỉ huy đã trải nghiệm cuộc xung đột. Việt Nam chi phối bầu không khí thời đại mà họ sống, và điều đó chưa bao giờ chấm dứt.

Petraeus, Mattis, McMaster và một số người khác nhập ngũ đúng vào lúc uy tín của quân đội tụt xuống mức thấp nhất hoặc vẫn đang phục hồi. Những danh mục sách đó đã chỉ cho các sĩ quan trẻ biết phải đổ lỗi cho ai - cho những dân thường ở Washington hoặc trên đường phố khắp cả nước, cho bộ chỉ huy quân sự đã quá nhu nhược không biết sử dụng quyền lực của mình. Sau này, họ phục vụ trong cái bóng của Chiến tranh Việt Nam, cái bóng của sự thất bại, và những bài học họ rút ra từ đó sẽ chỉ dẫn đến những thảm họa của thế kỉ XXI.

Từ Việt Nam tới cuộc chiến chống khủng bố rồi cuộc chiến thế hệ

Những "bài học" sai lầm từ Việt Nam báo trước sự tăng quân và các điệp vụ dạng "cố vấn - yểm trợ" được quân đội Mỹ áp dụng trong các cuộc chiến ở Trung Đông và châu Phi. Đại diện của cả hai trường phái xét lại hiện đang dẫn dắt công cuộc hiện thực hóa chiến lược toàn cầu theo kiểu của chính quyền Trump. Các cố vấn quân sự phái Clausewitz của Tổng thống đang kêu gọi, và được trao nhiều quyền lực hơn bao giờ hết để thực hiện mong muốn đáng nguyền rủa của họ, như vị tướng về hưu và cựu binh Chiến tranh Việt Nam Edward Meyer từng kêu gọi vào năm 1983: "nhiều quyền tự do hơn trong tiến hành chiến tranh". Nói nôm na là nhiều bom hơn, nhiều quân hơn, và tự do tuyệt đối trong việc leo thang chiến tranh đến chừng nào họ muốn.

Trong khi đó, phái "trái tim và tâm trí" trong bộ sậu của Tổng thống Trump bao gồm các sĩ quan đã dành ba nhiệm kì tổng thống để mở rộng các chiến dịch chịu ảnh hưởng của nhóm COIN tới 70% các quốc gia trên thế giới. Thêm vào đó, gần đây họ đã đấu tranh và được chấp thuận việc tăng thêm quân tại Afghanistan với mục đích "phá vỡ tình trạng bế tắc", "đảo ngược sự suy yếu", và "chấm dứt thế giằng co" tại đó - một thứ ngôn ngữ đậm chất Chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng 100.000 lính Mỹ (con số năm 2011 khi tôi đang ở đó) và 16 năm chiến tranh đã không thể giúp ổn định tình hình tại Afghanistan. Những tín đồ của tư tưởng xét lại duy ý chí đứng đầu bộ máy an ninh quốc gia đã thuyết phục được Trump đi ngược lại trực giác ban đầu của ông, rằng thêm 4.000 - 5.000 hay 6.000 - 7.000 binh lính, drone, máy bay và khí tài sẽ giải quyết được vấn đề. Đó gần như là một tấn bi hài kịch.

Cả hai trường phái đang đứng đầu bộ máy quân sự sau ngày 11/9 có lẽ sẽ không bao giờ ngừng tranh cãi rằng phiên bản Chiến tranh Việt Nam mà họ đưa ra là chìa khóa của chiến thắng, có nghĩa họ sẽ không bao giờ ngừng hao tâm tổn trí vào một cuộc chiến không thể thắng được và không đáng để chiến đấu. Dường như không nhân vật tiếng tăm nào trong quân đội nghĩ đến việc Washington đã không thể chiến thắng ở Việt Nam bởi như Tham mưu trưởng Không quân Merrill McPeak, người từng bay 269 nhiệm vụ trên bầu trời Việt Nam nói trong bộ phim tài liệu mới đây của Ken Burns "chúng ta đã chiến đấu ở nhầm phía".

Những lãnh đạo ngày nay thậm chí không buồn giả bộ rằng những cuộc chiến hậu 11/9 rồi sẽ kết thúc. Petraeus - vẫn được xem là bậc thầy thông thái trong giới quân sự - mô tả cuộc chiến Afghanistan là "mang tính thế hệ". Trùng hợp là Tướng Creighton Abrams cũng đưa ra dự đoán tương tự khi nói chuyện với Nhà Trắng vào thời điểm cuộc chiến ở Đông Nam Á đang đi đến hồi kết. Ngay cả khi Tổng thống Richard Nixon rút dần quân Mỹ khỏi Việt Nam và chuyển giao nhiệm vụ cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH) - một quá trình có tên gọi "Việt Nam hóa chiến tranh", Tướng Abrams vẫn cảnh báo rằng mặc dù QLVNCH đã có tiến bộ, sự hỗ trợ của Mỹ "cần phải được tiếp tục vô thời hạn để duy trì một lực lượng có hiệu quả". Việt Nam cũng từng là một cuộc chiến thế hệ.

Cuộc chiến này và những bài học sai lầm từ nó sẽ tiếp tục tác động đến các chỉ huy quân sự Mỹ tới khi những ảo tưởng mới được sinh ra nhằm biện hộ cho những thất bại mới tại Iraq, Afghanistan, và đâu đó khác, nhờ vào những cuốn sách được viết bởi các cựu binh của những cuộc xung đột này về chủ đề Washington đáng lẽ đã có thể thắng cuộc chiến chống khủng bố như thế nào.

Không phải là các vị tướng của chúng ta không đọc. Chỉ là họ rất kiên định trong việc đọc nhầm sách.

Năm 1986, Tướng Petraeus kết thúc bài báo nổi tiếng của ông trên tạp chí Parameters bằng một trích dẫn từ nhà sử học George Herring: "Mỗi một hoàn cảnh lịch sử là độc đáo, và sự so sánh dẫn tới cái nhìn sai lệch, thậm chí là nguy hiểm". Trong trường hợp Chiến tranh Việt Nam với một đội ngũ sĩ quan hình thành dưới cái bóng của nó (và vẫn tin rằng họ đã có thể thắng), "nguy hiểm" khó có thể lột tả hết hậu quả. Họ đã mang đến cho chúng ta những cuộc chiến dài cả thế hệ, và cho những binh lính trẻ hôm nay bi kịch không có hồi kết.
Thiếu tá Danny Sjursen, cộng tác viên thường xuyên của trang TomDispatch, là sĩ quan Lục quân Hoa Kỳ và cựu giảng viên lịch sử tại trường sĩ quan West Point. Anh từng phục vụ cùng các đơn vị trinh sát tại Iraq và Afghanistan. Anh là tác giả cuốn sách "Ghost Riders of Baghdad: Soldiers, Civilians, and the Myth of the Surge", cuốn hồi kí và phân tích mang tính phê bình về cuộc chiến Iraq. Anh hiện sống cùng vợ và bốn con trai tại Lawrence, bang Kansas.