Lavrov
© Russian MFA/Foreign BriefNgoại trưởng Nga Lavrov và Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trong hôm 25/7 đã có cuộc gặp với người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez Parrilla trong chuyến thăm Havana, nơi mà Moscow đang tìm cách phát triển quan hệ trong bối cảnh bị chính quyền Washington cấm vận. Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga từng chỉ trích quyết định áp lệnh hạn chế thương mại với Cuba mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi tháng Tư vừa qua, gọi đây là hành động "không thể chấp nhận" và "đe dọa kinh tế một cách phi pháp".

"Chúng tôi sẽ ủng hộ toàn diện người dân Cuba không chỉ về mặt chính trị, đạo đức, không chỉ bằng các biện pháp tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự, mà còn bằng các dự án kinh tế, thương mại để hỗ trợ nền kinh tế nước này mạnh mẽ hơn trước mọi kiểu đe dọa từ bên ngoài" - ông Lavrov nói.

Mối quan hệ giữa Havana với Moscow trong quá khứ đã trực tiếp ảnh hưởng tới quan hệ giữa Havana với Washington. Cuộc cách mạng năm 1952 ở Cuba đã lật độ Tổng thống Fulgencio Batista mà Washington hậu thuẫn, khiến cho Mỹ hết sức phẫn nộ. Mỹ sau đó thực thi một lệnh cấm vận kinh tế toàn diện nhằm vào Cuba, nước láng giềng chỉ cách bờ biển Florida khoảng 90 dặm.

Cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro - người nổi tiếng là sống sót qua hàng trăm âm mưu ám sát của CIA trước khi qua đời vì nguyên nhân tự nhiên vào năm 2016 - được kế nhiệm bởi ông Raul Castro. Năm ngoái, ông Raul đã từ chức để dọn đường cho cuộc bầu cử, và Chủ tịch hiện nay là Miguel Diaz-Canel. Trước đây, Tổng thống Barack Obama từng cố gắng gỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt kéo dài nhiều thập kỷ nhằm vào Cuba, nhưng đến thời của Chủ tịch Diaz-Canel, quan hệ Cuba-Mỹ lại trải quan một thời kỳ khó khăn mới.

Một loạt vụ việc được cho là tấn công bằng sóng âm nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Havana đến nay vẫn chưa được lý giải, dù một nghiên cứu hàn lâm công bố mới đây chỉ ra rằng, chúng gây ra nhiều hiệu ứng với não bộ. Chính quyền Trump cũng tiếp tục tìm cách cô lập Havana với các biện pháp gây tranh cãi mà ngay cả các đồng minh châu Âu của họ cũng phải lên tiếng chỉ trích.

Tháng Tư vừa qua, chính quyền Trump công bố loạt lệnh trừng phạt mới nhằm ngăn chặn nguồn vốn từ Mỹ đổ vào Cuba, sau khi cáo buộc Cuba ủng hộ chính quyền Venezuela - một quốc gia khác mà Mỹ cũng nhăm nhe lật đột chính phủ cánh tả.

Nền kinh tế của Venezuela hiện cũng đang suy giảm đến mức trầm trọng do các đòn trừng phạt của Mỹ. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, xuất hiện cáo buộc cho rằng chính phủ gian lận bầu cử; thủ lĩnh phe đối lập ở Quốc hội Juan Guaido đã tuyên bố trở thành Tổng thống tự phong vào hồi tháng Giêng năm nay, nhanh chóng được Mỹ cùng một số đồng minh của nước này ở Mỹ Latin ủng hộ. Cuba, cùng với Bolivia, Mexico và Nicaragua trong khi đó vẫn công nhận chính phủ hợp pháp của Tổng thống Nicolas Maduro.

Nga cũng ủng hộ chính phủ hợp pháp của Venezuela, cùng với Trung Quốc, Iran và một số các siêu cường khác, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cùng một số đối tác quốc tế của Mỹ lựa chọn ủng hộ ông Guaido. Điều này khiến Mỹ lên án cái mà họ cho là tầm ảnh hưởng của nước ngoài đến từ Moscow, Bắc Kinh, Tehran và nhiều nước khác đối với Caracas.

"Nghe các cáo buộc mà đại diện của Mỹ đưa ra rằng có ai đó ở bán cầu phía Đông không thể có các đối tác ở bán cầu Tây, và ngược lại, là điều nực cười. Hãy nhìn vào bản đồ xem nơi mà nước Mỹ hiện diện cùng với các căn cứ quân sự của họ" - ông Lavrov nói, chỉ ra ví dụ về căn cứ quân sự Anh trên quần đảo Falkland ngoài khơi Argentina.

Năm ngoái, xuất hiện một số thông tin cho rằng Nga có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ở Cuba. Thông tin này khơi dậy ký ức về cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Các loại tên lửa này sau đó đã bị gỡ bỏ để giải quyết cuộc khủng hoảng và các lớp tên lửa này sau đó bị cấm theo Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF). Tuy nhiên, Washington đã rút khỏi Hiệp ước vào tháng 2 năm nay, và đầu tháng này Moscow cũng tuyên bố rút, làm dấy lên quan ngại rằng các loại tên lửa này sẽ sớm xuất hiện trở lại.