The MC-21
© United Aircraft CorporationMáy bay dân dụng MC-21 của Nga
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể liên danh sản xuất máy bay dân dụng SSJ-100 (Sukhoi Superjet 100) và MS-21 (MC21). Đây là thông tin chính thức được đưa sau cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Antalya.

Trong buổi họp báo được tổ chức sau phiên họp của Ủy ban Liên chính phủ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức tại Antalya, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Liên bang Nga Alexander Novak thông báo rằng, kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện đứng thứ sáu trong số tất cả các quốc gia mà Moscow có giao dịch.

Đặc biệt, liên quan đến ngành nông nghiệp, Nga đang cung cấp lúa mì cho Thổ Nhĩ Kỳ, còn Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu cà chua, dưa chuột và các sản phẩm khác sang Nga. Trong tương lai, các doanh nghiệp nước này dự định sẽ xin giấy phép xuất các sản phẩm thịt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra còn có kế hoạch để tăng kim ngạch thương mại trong lĩnh vực dược phẩm.

Tuy nhiên, thông tin quan trọng nhất mà ông Novak tiết lộ là việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt tay hợp tác trong ngành hàng không dân dụng và quân sự. Đặc biệt là hai nước sẽ tổ chức liên doanh sản xuất máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định.

"Trong ngành công nghiệp, chúng ta đang nói về việc cung cấp máy bay trực thăng và việc thành lập một liên doanh để sản xuất máy bay trực thăng. Trong tương lai, đây sẽ bao gồm cả việc liên doanh sản xuất máy bay SSJ-100, MС-21" - Bộ trưởng Năng lượng Nga nhấn mạnh.

Được biết, thông tin này được ông Novak đưa ra trong bối cảnh hôm 26/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói với Bloomberg rằng, Ankara có thể xem xét lại hợp đồng trị giá 10 tỷ USD để mua sắm một trăm chiếc máy bay Boeing của Mỹ cho Hãng Turkish Airlines, mà chính phủ nước này sở hữu tới 49% cổ phần.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này là "những khách hàng mua tốt" nhưng sự xấu đi trong mối quan hệ giữa Washington và Ankara và sẽ buộc nước này phải xem xét những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình.

Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka hồi cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Erdogan đã bóng gió cảnh báo người đồng cấp Mỹ Donald Trump về sự ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đến các đơn đặt hàng 100 máy bay Boeing cho hãng hàng không hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau tuyên bố của ông Erdogan, giới phân tích cho rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ hủy đơn hàng 10 tỷ USD của hãng Boeing thì nước này có thể sẽ quay sang mua máy bay Airbus của châu Âu hay Sukhoi Superjet 100 hoặc Irkut MC-21 (MS-21) của Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ với EU cũng không mấy tốt đẹp thì Ankara có thể sẽ nghiêng về Nga nhiều hơn.

Và những tuyên bố mới nhất sau cuộc họp của Ủy ban Liên chính phủ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy rằng, dường như ông Erdogan đang thực hiện những tuyên bố của mình một cách đầy nghiêm túc chứ không phải chỉ đơn thuần là chiêu trò để mặc cả với ông Trump.

Boeing vốn đang khốn đốn vì vụ bê bối tai nạn của hai chiếc Boeing 737 MAX, khiến họ thiệt hại hàng trăm triệu USD tiền đền bù cho các nạn nhân cùng với hàng chục tỷ USD thiệt hại từ các đơn hàng bị hủy hoặc từ bỏ ý định mua sắm, nên chắc chắn hãng này sẽ làm tất cả nhằm tác động đến Tổng thống Mỹ Donald Trump để ông nới lỏng các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục bàn giao F-35 Lightning II cho nước này.

Nếu Boeing không thể lay chuyển được quyết tâm của ông Trump hoặc không còn nhận được sự tin tưởng của Thổ Nhĩ Kỳ thì đó sẽ là đòn nặng giáng vào công ty chế tạo máy bay Mỹ và cả chính quyền Washington; trong khi đó, Nga sẽ là người thắng lợi duy nhất.