suptertanker oil Grace 1
© Reuters/StringerTàu chở dầu Grace-1
Mới đây, tòa án Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh tuyên bố lệnh bắt tàu Grace 1 (Iran) không còn hiệu lực và thuyền trưởng cùng ba thủy thủ được thả.

"Vì Iran đã đảm bảo bằng văn bản rằng đích đến của tàu Grace 1 không phải là một quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nên không còn cơ sở nào hợp lý để nói rằng việc bắt tàu là cần thiết", Anthony Dudley, chánh án tòa án tối cao Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh tuyên bố.

Quyết định thả siêu tàu chở dầu Iran được đánh giá là một bước đi táo bạo của chính phủ Anh, nó đi ngược lại những gì mà Mỹ hướng đến khi mà Washington muốn gia tăng căng thẳng vùng Vịnh Ba Tư, gây sức ép lên chính quyền Iran.

Theo Tổng chưởng lý Gibraltar Joseph Triay, Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa ra yêu cầu vùng lãnh thổ này tiếp tục giữ tàu dầu. Tuy nhiên, theo chánh án Dudley, tòa án chưa nhận được văn bản đề nghị giữ tàu Grace 1 từ phía Mỹ.

Ngay sau khi có thông tin tàu Grace 1 được thả tự do, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã viết trên Twitter rằng:

"Không thực hiện được mục tiêu thông qua khủng bố kinh tế, Mỹ đã cố lạm dụng hệ thống pháp lý để đánh cắp tài sản của chúng tôi trên biển. Nỗ lực cướp biển này là một hành vi coi thường luật pháp của chính quyền ông Trump".

Trong khi đó, Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad gọi phán quyết của tòa án Gibraltar là "một thất bại nhục nhã" với Mỹ.

Không thể ngăn cản Anh trả tự do cho tàu dầu Iran, ngày 15/8, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus tuyên bố Mỹ "có ý định thu hồi thị thực đã cấp cho các thành viên trên tàu Grace 1".

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Grace 1 "đang hỗ trợ Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) bằng cách vận chuyển dầu từ Iran đến Syria" và điều này "có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng".

Giới quan sát cho rằng, bằng lời đe dọa thu hồi thị thực cho các thành viên tàu Grace 1, Washington đang tỏ ra bất lực trước việc Anh thả tàu chở dầu Iran.

Thực tế, điều mà Washington nên lo lắng đó là việc đồng minh thân cận nhất của mình đang có xu hướng "tự chủ" trước những quyết định quan trọng. Việc Anh chủ động thả tàu Grace 1 không nằm ngoài mục đích tạo điều kiện đàm phán với Iran để thả tàu Stena Impero (bị Iran bắt giữ hồi cuối tháng 7).

Thay vì chờ đợi, leo thang căng thẳng trên Vùng Vịnh, gây sức ép cho Tehran, London đã tự giải thoát cho những công dân của mình mà không phụ thuộc vào những quyết định từ Washington.

Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, trong quá trình tranh cử đã tuyên bố sẽ không ủng hộ Mỹ tấn công quân sự Iran. Do đó, trong tương lai có thể chính quyền Anh sẽ không hào hứng với kế hoạch của Mỹ trên Vịnh Ba Tư, hoặc nếu có tham gia cũng là để "tròn nghĩa vụ".