Hong Kong protests Aug 2019
© Reuters / Tyrone Siu
Tổng biên tập Global Times Hồ Tích Tiến lần đầu trả lời phỏng vấn báo phương Tây để giải thích quan điểm cứng rắn của tờ báo đối với biểu tình Hong Kong.

"Bất ổn trên đường phố cần sự hỗ trợ, kích động và khích lệ tinh thần - đó chính xác là những gì Mỹ và phương Tây đang cung cấp theo một cách có chủ ý và rất quyết liệt", Hồ Tích Tiến, 59 tuổi, tổng biên tập Global Times (Thời báo Toàn cầu) nói với CNN hôm 15/8, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông với truyền thông nước ngoài kể từ khi một trong những phóng viên của tờ này bị người biểu tình Hong Kong tấn công.

Hồ Tích Tiến là cựu phóng viên chiến trường của People's Daily (Nhân dân Nhật báo), báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông có 20 triệu người theo dõi trên Weibo, nơi ông liên tục đăng các bình luận và video. Mặc dù Twitter bị chặn ở Trung Quốc, ông vẫn có tài khoản Twitter và có 75.400 người theo dõi.

Global Times được biết đến là có cách đưa tin đậm chủ nghĩa dân tộc và những bài xã luận mang quan điểm gay gắt, thường được truyền thông phương Tây trích dẫn. Được xuất bản bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh, Global Times phát hành hai triệu bản mỗi ngày và mỗi tháng phiên bản điện tử thu hút khoảng 30 triệu người truy cập.

Trong khi các cơ quan truyền thông nhà nước khác có giọng điệu từ tốn hơn, Global Times có cách tiếp cận quyết liệt khi đưa tin các vấn đề quốc tế, bằng cách công kích những điều họ cho là mối đe dọa với Trung Quốc từ khắp nơi trên thế giới. Hồ Tích Tiến nhấn mạnh quan điểm rằng các quan chức và chính trị gia Mỹ có thể đứng sau tình trạng bất ổn ở đặc khu tài chính. "Làm thế nào bạn có thể nói chắc chắn rằng Mỹ không chịu trách nhiệm cho những gì đang xảy ra ở Hong Kong?", ông đặt câu hỏi.
Julie Eadeh joshua Wong hong kong opposition protesters
© China DailyMaidan phần 2: Nhân viên lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông Julia Eadeh gặp lãnh đạo biểu tình
Kể từ đầu tháng 6, hàng trăm nghìn người Hong Kong đã biểu tình chống lại dự luật gây tranh cãi, cho phép bàn giao nghi phạm đến những nơi chưa ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục. Những người biểu tình lo ngại rằng các quyền tự do mà Bắc Kinh bảo đảm cho Hong Kong khi được Anh trao trả vào năm 1997 đang bị xói mòn.

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam tuyên bố dự luật "đã chết" nhưng những người biểu tình vẫn tiếp tục phong trào để yêu cầu bà Lam bãi bỏ hoàn toàn dự luật và từ chức. Bắc Kinh lên án cuộc biểu tình, nói rằng "những người biểu tình cực đoan" đã bắt đầu có "dấu hiệu khủng bố".

Quan chức Trung Quốc và Global Times cũng so sánh các cuộc biểu tình với "cách mạng màu", phong trào chính trị những năm 2000 đã lật đổ một số chính phủ các nước Liên Xô cũ và vùng Balkan. Sự so sánh cho thấy họ ám chỉ mục đích của người biểu tình là lật đổ chính quyền - điều không nằm trong số các yêu cầu mà người biểu tình đã nêu.


Nhận xét: Những người biểu tình chưa nêu mục tiêu lật đổ chính quyền vì họ biết không có khả năng, nhưng tất cả những gì họ làm ngày càng giống kịch bản các cuộc cách mạng màu từng xảy ra.


Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ cáo buộc Mỹ đóng bất kỳ vai trò nào trong cuộc khủng hoảng và kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế. "Chúng tôi bác bỏ cáo buộc sai lầm rằng chúng tôi là lực lượng nước ngoài đứng sau các cuộc biểu tình. Sự xói mòn liên tục quyền tự trị của Hong Kong có nguy cơ khiến họ mất đi tình trạng đặc biệt trong các vấn đề quốc tế", bộ này ra thông cáo. Theo Đạo luật Chính sách Mỹ - Hong Kong năm 1992, Washington coi Hong Kong là thực thể tách biệt với phần còn lại của Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và kinh tế.

Global Times đã chỉ định các phóng viên của mình đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Phong trào này trong những tuần gần đây biến thành những cuộc đụng độ trên đường phố giữa cảnh sát được trang bị hơi cay và người biểu tình đeo mũ bảo hộ và khẩu trang.

Một số vụ bạo lực tồi tệ nhất xảy ra vào tối 13/8, khi đám đông người biểu tình vào sảnh khởi hành tại sân bay quốc tế Hong Kong, ngăn cản khách hàng làm thủ tục, khiến sân bay phải dừng hoạt động. Trong lúc hỗn loạn, một nhóm người biểu tình đã bắt phóng viên Global Times Phó Quốc Hào, 28 tuổi. Họ đánh và trói tay phóng viên sau khi anh này từ chối xưng danh tính khi đi chụp ảnh cận mặt người biểu tình.

Phó sau đó được thả và được các nhân viên y tế đưa ra khỏi sân bay, nhưng việc anh bị giữ trong thời gian ngắn đã gây ra sự phẫn nộ ở Trung Quốc đại lục. Sự cố này biến phóng viên trở thành một "anh hùng" trên mạng xã hội Trung Quốc, nơi những người bình luận ca ngợi Phó là người dũng cảm vì đã đương đầu với nhóm biểu tình mà họ gọi là "côn đồ".

Hồ Tích Tiến bác bỏ lập luận rằng Bắc Kinh đang sử dụng sự việc này để thể hiện người biểu tình là những "kẻ bạo loạn ngang ngược". Ông nói rằng vụ Phó bị bắt giữ chỉ làm củng cố thêm ý kiến phổ biến ở Trung Quốc rằng những người biểu tình đã trở nên cực đoan.

"Global Times không mô tả cậu ấy như một anh hùng, tôi cũng không làm vậy trên mạng xã hội hay trong các bài xã luận", Hồ Tích Tiến nói. "Không ai cố gắng định hướng dư luận theo cách này".

Hồ Tích Tiến cho biết Phó không xưng danh tính với người biểu tình vì nhiều nhà báo Trung Quốc đại lục cảm thấy bị đe dọa ở Hong Kong và muốn giữ kín thông tin để tránh rắc rối. "Đó là điều nhiều nhà báo từ Trung Quốc đại lục áp dụng, không chỉ mình Phó. Cậu ấy không cố gắng lừa dối bất cứ ai".

Phó Quốc Hào không phải là người duy nhất bị đánh ở sân bay. Hai người khác cũng cần được chăm sóc y tế sau khi bị đám đông bao vây. Ngày 14/8, các nhóm nhỏ người biểu tình đã quay trở lại sân bay, cầm những tấm biển ghi "chúng tôi vô cùng xin lỗi". Một nhóm gửi tuyên bố qua email rằng: "Chúng tôi sợ hãi, tức giận, kiệt sức và muốn bày tỏ lời xin lỗi chân thành nhất".

Được thành lập vào năm 1993, Global Times được được điều hành bởi People's Daily (Nhân dân Nhật báo), 800 nhân viên của tờ này làm việc trong trụ sở ở đông Bắc Kinh.

Từ một phòng tin tức ở tầng 7 nhìn ra khu trung tâm kinh doanh của Bắc Kinh, Hồ Tích Tiến khẳng định tờ báo của ông đưa đến cho độc giả quốc tế góc nhìn rõ nhất về quan điểm của người dân Trung Quốc.

"Chúng tôi phát biểu to và rõ ràng", ông nói. "Bạn có thể nói chúng tôi cực đoan hay nặng tính chủ nghĩa dân tộc, nhưng chúng tôi phản ánh quan điểm thực sự của xã hội Trung Quốc. Bạn có thể tìm hiểu sự thật tốt hơn thông qua chúng tôi. Đó là sự hấp dẫn của chúng tôi và là lý do truyền thông phương Tây muốn trích dẫn chúng tôi".

Phản ánh lập trường ngày càng cứng rắn của giới lãnh đạo Bắc Kinh đối với người biểu tình Hong Kong, Global Times đã nhanh chóng đăng các video cho thấy quân Trung Quốc tuần này tập trung tại thành phố Thâm Quyến, gần với ranh giới Hong Kong. Tuy nhiên, Hồ Tích Tiến bác bỏ lập luận rằng Global Times đang giúp Bắc Kinh chuẩn bị tâm lý cho công chúng về khả năng Bắc Kinh can thiệp quân sự để chấm dứt biểu tình.

"Chúng tôi chỉ đưa tin. Chúng tôi đã thu được video và tin rằng việc tập trung vũ cảnh (Cảnh sát Vũ trang Nhân dân thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc) là hành động gửi đi tín hiệu mạnh mẽ", Hồ Tích Tiến nói. "Đó rõ ràng là lời cảnh báo cho những kẻ bạo lực ở Hong Kong. Đó là phân tích của chúng tôi. Bạn sẽ rút ra kết luận tương tự nếu ở vị trí của tôi. Chúng ta có thể coi đó chỉ là một bài diễn tập thông thường không? Làm vậy là không thành thật và chúng tôi sẽ mất uy tín".

Ngày 14/8, phóng viên CNN ở Thâm Quyến quan sát thấy những người mặc đồng phục vũ cảnh cầm khiên chống bạo động cùng dùi cui và nhiều phương tiện bán quân sự tại trung tâm thể thao của thành phố. Vũ cảnh là lực lượng bán quân sự 1,5 triệu thành viên thường được chính quyền Trung Quốc triển khai để giải tán các cuộc biểu tình.

Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc ít khả năng điều vũ cảnh vào Hong Kong vì động thái này có thể khiến họ bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ. Tuy nhiên, Hồ Tích Tiến nói rằng nghĩa vụ trước hết của Bắc Kinh là phục vụ người dân Hong Kong chứ không phải cộng đồng quốc tế.

"Mỹ muốn chứng kiến sự hỗn loạn ở Hong Kong và sử dụng nó để gây áp lực với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có trách nhiệm đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển ở Hong Kong", Hồ Tích Tiến nói. "Nếu không còn lựa chọn nào khác thì phương án quân sự sẽ phải được sử dụng và khi sự việc đến mức đó thì phản ứng từ Mỹ hoặc phương Tây không mấy quan trọng".

Hồ Tích Tiến bảo vệ cách tờ báo của mình đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hong Kong, gạt bỏ những chỉ trích rằng họ đưa tin "một chiều" và nhấn mạnh rằng "họ có lập trường chắc chắn khi đưa tin" giống như truyền thông phương Tây.

Ông đánh giá chỉ phương Tây mới cho rằng có sự khác biệt giữa "tin tức" và "tuyên truyền". Hồ Tích Tiến khẳng định ông có nhiệm vụ rõ ràng trong hệ thống chính trị Trung Quốc.

"Chúng tôi cần giúp chính quyền và người dân kết nối với nhau, thay vì gây chia rẽ giữa họ", ông nói. "Các phương tiện truyền thông gây chia rẽ giữa chính phủ và người dân không có tương lai ở Trung Quốc".

"Tôi muốn thúc đẩy tiến bộ ở Trung Quốc và bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Tôi có thể trở thành người gây tranh cãi vì điều này, nhưng như thế thì đã sao?".