trump
Ngày 23/8, sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc công bố quyết định áp thuế trả đũa đối với lượng hàng hoá của Mỹ trị giá 75 tỷ USD, cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Mỹ Ford, GM, Fiat Chrysler và Tesla đều trải qua đợt giảm giá.

Các công ty nông nghiệp, dệt may cũng như các nhà sản xuất ô tô Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc là những đối tượng gánh đòn thuế quan mới nhất của Trung Quốc. Động thái này có thể buộc các công ty phải tăng giá và giảm doanh số bán hàng.

Thế nhưng, chừng ấy vẫn chưa phải là điều xui xẻo cuối cùng của các doanh nghiệp Mỹ. Dòng tweet gây sốc của Tổng thống Donald Trump sau quyết định của Trung Quốc đã khiến thị trường rơi vào tình trạng khó khăn.

Theo đó, ông Trump tuyên bố thuế quan 25% hiện đang áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 30% kể từ ngày 1/10 - đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc. Cùng với đó, thuế quan 10% mà ông dự kiến áp lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên mức 15%. Nửa đầu tiên của kế hoạch 300 tỷ USD này sẽ triển khai từ ngày 1/9, phần còn lại được thực thi từ ngày 15/12.

550 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế là gần như toàn bộ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ hàng năm.

Tuyên bố này đã làm chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones lúc đóng cửa giảm hơn 600 điểm, tương đương 2,3%, Nasdaq giảm 3% và S&P 500 hơn mất 2,6%.

Đại diện các nhà bán lẻ lớn của Mỹ đã lên tiếng chỉ trích chỉ trích Nhà Trắng.

"Các doanh nghiệp không thể lập kế hoạch cho tương lai trong môi trường như thế này", ông David French, Phó Chủ tịch Liên đoàn bán lẻ quốc gia (NRF) của Mỹ cho biết trong một tuyên bố. Ông nói thêm: "Cách tiếp cận của chính quyền rõ ràng là không hiệu quả, và câu trả lời không phải là thuế đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ".

Ông Rick Helfenbein, Giám đốc điều hành của Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ cũng phàn nàn rằng cách tiếp cận của Nhà Trắng là "chiến lược thương mại của những năm 1930" và cho rằng nó "sẽ là một thảm họa đối với người tiêu dùng Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ và nền kinh tế Mỹ".

Đối với ông Trump, mối quan tâm chính là liệu cuộc xung đột leo thang có thể dẫn đến việc Trung Quốc giảm thu mua nông sản Mỹ sâu hơn nữa, một đòn giáng nghiêm trọng vào nông dân Mỹ.

Zippy Duvall, người đứng đầu Cục Nông nghiệp Mỹ, cho biết, việc Trung Quốc tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ báo hiệu "nhiều rắc rối hơn cho nông nghiệp Mỹ", đồng thời bày tỏ lo ngại rằng bất kỳ sự trả đũa nào cũng làm tăng thêm những khó khăn cho các gia đình nông trại và nông trại đang gặp phải".

Rộng hơn nữa, các nhà kinh tế nói rằng thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc có thể khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả tiền nhiều hơn cho mọi thứ, từ điện thoại, máy chơi điện tử đến hàng may mặc, giày dép.

Trong khi đó, sự leo thang mới nhất trong cuộc thương chiến diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, bao gồm lợi nhuận doanh nghiệp và công ăn việc làm đều giảm.

Chuyên gia kinh tế trưởng Paul Ashworth của Capital Economics cho rằng, cú đánh trực tiếp vào nền kinh tế Mỹ từ hàng loạt thuế quan có thể sẽ khiêm tốn. Mối đe dọa lớn hơn là không chắc chắn khi nào cuộc xung đột có thể kết thúc.