s-400 f-35
© ReutersS-400 và F-35
F-35 cũng phải hiện hình

Ngày 20/9, Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố khẳng định, các phòng thủ tên lửa tại Kaliningrad hoàn toàn có khả năng đẩy lùi các cuộc tấn công trên không từ Mỹ, bao gồm cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm (ám chỉ F-35, F-22).

"Vùng Kaliningrad của Nga được bảo vệ tuyệt đối khỏi mọi kế hoạch xâm lược mà các tướng lĩnh Mỹ mang đến châu Âu", tuyên bố của Bộ Quốc phòng nêu rõ.

Bộ Quốc phòng Nga chỉ ra rằng, tất cả các phi công NATO tình cờ thực hiện các chuyến bay gần không phận Nga ở khu vực Baltic đều nhận thức rõ về năng lực công nghệ của lực lượng phòng không Nga tại Kaliningrad.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga bao gồm khả năng phát hiện mục tiêu sớm và nếu cần sẽ tiêu diệt chúng trước khi chúng đạt được mục đích.

"Nó (hệ thống phòng không) hoàn toàn có thể vô hiệu hóa máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ - loại máy bay vốn chỉ tàng hình đối với người dân và các khách hàng nước ngoài của Mỹ", Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.

Bộ Quốc phòng Nga cũng nói rằng, Lầu Năm Góc hoàn toàn có lý do để lo ngại rằng, việc Nga chuyển giao các hệ thống S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm lu mờ hình ảnh của máy bay tàng hình F-35.

"Tư lệnh Lực lượng Không quân Hoa Kỳ ở Châu Âu và Châu Phi Jeffrey Lee Harrigyan đã thiếu suy nghĩ và tin vào một điều khá ngây thơ về kế hoạch chinh phục Kaliningrad.

Điều này sẽ tác động không tốt tới trước hết là cấp dưới của ông - những người hiểu rõ nguyên tắc quan trọng nhất trong quân đội đó là: Tất cả các kế hoạch đều hoàn hảo cho đến khi trận chiến thực sự bắt đầu", Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo.

Kế hoạch xuất phát từ nỗi lo

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, tướng Jeffrey Lee Harrigian cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xây dựng một kế hoạch đánh bại hệ thống phòng không của Nga bố trí tại vùng lãnh thổ cực tây Kaliningrad, trong trường hợp Moscow thực hiện hành vi gây hấn.

"Nếu như chúng tôi phải tới đó để hạ gục Hệ thống phòng không tích hợp (IADS) ở Kaliningrad, thì không nghi ngờ gì, chúng tôi đã có kế hoạch để làm điều đó.

Chúng tôi đã tập huấn để làm điều này. Chúng tôi đã nghiên cữu kỹ lưỡng những kế hoạch đó toàn thời gian. Nếu buộc phải làm điều đó, chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện", ông Harrigian nói.

Ông Harrigian chỉ ra rằng, phản ứng của Mỹ đối với hành vi gây hấn có thể của Nga từ khu vực Kaliningrad sẽ là đa miền, rất kịp thời và hiệu quả.

Tuy nhiên, vị quan chức quốc phòng Mỹ không tiết lộ chi tiết về kế hoạch, chỉ nói rằng phản ứng sẽ bao gồm các cuộc tấn công từ trên không, trên bộ, trên biển, trong không gian, không gian mạng và tác chiến điện tử.

NATO đang đặc biệt quan tâm tới Kaliningrad vì hành lang kéo dài khoảng 80km chạy dọc biên giới Ba Lan - Lithuana, là một trong những địa bàn dễ bị tổn thương nhất trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Nga.

Theo Sputnik, các tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối không của Nga đặt tại khu vực này có thể đe dọa phần lớn NATO, buộc lực lượng không quân của NATO phải tìm ra cách bảo vệ tốt hơn các căn cứ quân sự của khối và phân tán máy bay chiến đấu đến nhiều địa điểm khác nhau.