Hong Kong protest
© Reuters/Thomas Peter
Nhiều cơ quan truyền thông quốc tế ngày 14/11 đã đưa thông tin và hình ảnh các sinh viên Trung Quốc Đại lục được di tản bằng đường biển từ Hồng Kông sang Thâm Quyến trong khi báo chí Trung Quốc mạnh mẽ lên án những người biểu tình quá khích "tấn công vào giáo dục, phá hoại tương lai của Hồng Kông"; cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã có những diễn biến mới theo chiều hướng xấu...

Bạo lực leo thang, xung đột lan vào khuôn viên trường đại học

Ngày 8/11 xảy ra vụ sinh viên Chu Tử Lạc (Alex Chow) của Đại học Công nghệ Hồng Kông bị chết do ngã lầu đêm 3 rạng sáng 4/11 tại một bãi đỗ xe khi tham gia biểu tình. Cái chết này đã gây nên một đợt biểu tình bạo lực quy mô mới.

Những người biểu tình phát động hoạt động "Tam bãi" (bãi công, bãi thị, bãi khóa) từ ngày 11/11. Sáng hôm 11/11 đã xảy ra 2 sự kiện bạo lực nghiêm trọng: tại phố Tây Loan Hà (Sai Wan Ho) xảy ra vụ cảnh sát nổ súng bắn bị thương 2 người biểu tình quá khích "định cướp súng"; tại khu Mã An Sơn (Ma On Shan), những người biểu tình quá khích đã tưới xăng lên người một người đàn ông trung niên phản đối biểu tình rồi châm lửa đốt khiến ông bị bỏng nặng. Cảnh tượng được truyền hình trực tiếp đã khiến nhiều người kinh sợ trước các hành động bạo lực cực đoan.

Ngày 12/11, Hồng Kông tiếp tục chìm trong hỗn loạn và tình trạng bạo lực đã lan vào các trường đại học. Những người biểu tình dựng chướng ngại vật trên các ngã tư để cản trở giao thông, khi cảnh sát đến tháo dỡ đã bị ném gạch đá, chai xăng, bắn tên, thậm chí bằng pháo sáng tín hiệu. Khi cảnh sát truy đuổi, những người biểu tình đã chạy vào trong trường đại học cố thủ. Một số phần tử quá khích trong những người biểu tình thậm chí tuyên bố sẽ tử thủ và chuẩn bị mọi thứ để đối phó lâu dài.

Theo phóng viên Thời báo Hoàn cầu ở Hồng Kông từ tối ngày 12/11 đã bắt đầu diễn ra hoạt động di tản sinh viên Trung Quốc sang Thâm Quyến với sự hỗ trợ của cảnh sát và dân chúng Hồng Kông. Phóng viên mô tả trên trang Weibo cá nhân: khuôn viên của Đại học Trung Văn Hồng Kông khói lửa ngút trời và "giống như chiến trường Syria"; những người biểu tình áo đen đe dọa cảnh sát, nếu không đồng ý với yêu cầu của họ, họ sẽ làm nổ tung khuôn viên trường và đốt cháy ngọn núi. Tại thời điểm đó, có một số lượng lớn các sinh viên đại lục bị mắc kẹt trong khuôn viên Đại học Hồng Kông, một số tổ chức và người dân Hồng Kông hoặc tự lái xe, hoặc điều phối phương tiện đến Đại học Hồng Kông, để giải cứu các sinh viên đại lục đến Thâm Quyến.

Trên mạng xã hội xuất hiện các hình ảnh về sinh viên Đại Lục leo tường vượt rào trốn ra ngoài và cảnh sát đường thủy huy động ca nô, tàu thủy chở sinh viên từ Hồng Kông về Thâm Quyến, gây nên phản ứng mạnh mẽ trong dư luận.

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 14/11, đã có rất nhiều sinh viên Đại Lục đang học ở Hồng Kông buộc phải di tản sang Thâm Quyến; Đài Loan hôm 13/11 cũng thông qua Văn phòng Kinh tế, văn hóa ở Hồng Kông giúp di tản 126 sinh viên Đài Loan đang học ở đây trở về Đài Bắc. Lãnh sự quán một số quốc gia Âu, Mỹ ở Hồng Kông cũng bắt đầu giúp đỡ sinh viên và công dân rời khỏi Hồng Kông. Đa Chiều bình luận: hành động bạo lực của những người biểu tình quá khích đã chà đạp giá trị của Hồng Kông. Các hành động phá hoại lan tràn khắp Hồng Kông, rõ ràng là hành vi tự sát, sẽ chỉ làm cho Hồng Kông ngày càng thua thiệt, sẽ phá hoại pháp trị và tương lai của Hồng Kông. Xã hội Hồng Kông đã trở thành "con tin" trong tay những người biểu tình quá khích "phản đối để phản đối".

Đối với tình trạng bạo lực trong các trường đại học Hồng Kông hiện nay, tờ Nhân dân Nhật báo - cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc bình luận viết, "không được biến khuôn viên nhà trường thành chiến trường bạo lực - những kẻ nghĩ rằng mình là các "nghĩa sĩ" thực tế là một đám đông côn đồ".

Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) bình luận "việc toàn bộ các trường học Hồng Kông đều bị đóng cửa, trách nhiệm thuộc về các kẻ côn đồ", "Không có lớp nào được học, ngay cả môi trường giáo dục cũng bị xâm hại. Hồng Kông đang bị tổn hại chưa từng thấy, thật khiến người ta phẫn nộ".

CCTV cho rằng, "những kẻ côn đồ phạm tội giáo dục là tội ác đối với học sinh, là tội ác chống lại ngày mai của Hồng Kông. Nếu giáo dục bị quấy rối nghiêm trọng, Hồng Kông sẽ mất tương lai và những kẻ côn đồ phải chịu trách nhiệm. Chỉ có hành động mạnh mẽ, kiên quyết hơn, hiệu quả hơn để trừng phạt các hành vi phạm tội, phạm pháp, mới chấm dứt được bạo lực, sự hỗn loạn và lập lại trật tự".

Biểu tình khiến Hồng Kông thiệt hại nghiêm trọng

Phong trào chính trị khởi đầu bằng cuộc biểu tình chống Luật Dẫn độ Hồng Kông liên tục leo thang và bạo lực tiếp diễn. Hội nghị hàng năm của giới điều hành hàng không quy mô lớn nhất châu Á, dự kiến ban đầu được tổ chức tại Hồng Kông, đã bị hủy bỏ.

Theo Bloomberg ngày 14 tháng 11, các nhà tổ chức sự kiện ngành hàng không này là Hiệp hội Hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) và hãng bay Cathay Pacific, đã đưa ra quyết định này và nói trong một tuyên bố, "Với quan điểm của chúng tôi về cam kết dốc mọi nỗ lực để tổ chức sự kiện quan trọng của ngành, đây là một quyết định rất khó khăn, nhưng nó phản ánh sự khó lường của tình hình Hồng Kông. Đồng thời, chúng tôi đặt quyền lợi của các đại biểu và khách mời vượt trên tất cả mọi thứ khác".

Các hãng hàng không thành viên AAPA thay phiên nhau tổ chức hội nghị này mỗi năm một lần. Năm 2018, hội nghị đã được tổ chức tại Hàn Quốc bởi Korean Air. Năm 2019, hội nghị dự kiến diễn ra từ ngày 21 đến 22 tháng 11 tại Hồng Kông nhưng đã bị hủy bỏ.

Trong phong trào biểu tình diễn ra suốt 5 tháng qua, tính đến cuối tháng 10 có ít nhất 3.001 người biểu tình trong độ tuổi từ 12 đến 81 đã bị bắt.

Cục trưởng Bảo an Hồng Kông Lý Gia Siêu (Li Jiachao hay John Lee Ka-chiu) ngày 13 tháng 11 cho biết, 510 người trong số đó đã bị buộc tội bạo động, tụ tập bất hợp pháp, tàng trữ vũ khí tấn công, hủy hoại hình sự và đeo mặt nạ trong quá trình tụ tập bất hợp pháp. Ngoài ra, trong số 3.001 người bị bắt, có 430 người dưới 18 tuổi và 165 dưới 16 tuổi, trong đó 19 người bị buộc tội.

Nền kinh tế Hồng Kông cũng bị ảnh hưởng tiêu cực đáng kể. Ngày 31 tháng 10, chính quyền Hồng Kông đã công bố số liệu ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính trong quý 3 năm 2019, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là lần đầu tiên Hồng Kông có mức tăng trưởng âm trong 10 năm kể từ năm 2009.

Theo báo cáo "Năng lực cạnh tranh thành phố toàn cầu" do Viện Khoa học xã hội Trung Quốc công bố, so với năm 2018, Thượng Hải đã tăng 3 bậc, Bắc Kinh tăng 2 bậc, Hồng Kông bị giảm 2 bậc và Thượng Hải đã vượt qua Hồng Kông. Chính phủ Đặc khu hành chính Hồng Kông nói rằng, nền kinh tế Hồng Kông đang phải chịu các yếu tố bất lợi bên ngoài và sự kiện xã hội bất ổn bản địa. Đây là tình trạng tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua. Bất kỳ cuộc đình công quy mô lớn và xung đột bạo lực nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người dân và hoạt động kinh tế ở các quận khác nhau của Hồng Kông.

Trung Quốc tới đây sẽ làm gì?

Trước diễn biến hiện nay ở Hồng Kông và thái độ của chính phủ Trung Quốc, trang tin Đa Chiều ngày 14/11 đã có bài phân tích, cho rằng: Phong trào chính trị đường phố kéo dài ở Hồng Kông đã ngày càng trở nên bạo lực và đẫm máu, phá hoại nghiêm trọng trật tự xã hội của Hồng Kông, thách thức quyền lực của chính quyền đặc khu và việc thực hiện "một quốc gia hai chế độ".

Thái độ của Bắc Kinh đối với phong trào chính trị ở Hồng Kông không phải là không thay đổi. Lúc đầu, Bắc Kinh tỏ ra rất cảnh giác và nhạy cảm với việc mất kiểm soát cục diện Hồng Kông, thậm chí đã thể hiện ý đồ thông qua phô diễn sức mạnh quân sự để uy hiếp nhằm dẹp yên tình hình. Nhưng cục diện biến đổi liên tục, Trung Quốc đã giữ được sự bình tĩnh và kiềm chế trước phong trào chính trị ở vùng lãnh thổ tự trị cao này. Chính phủ Trung Quốc chỉ liên tục bày tỏ tín nhiệm và ủng hộ chính quyền đặc khu và bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carie Lam), đồng thời lên án hành vi bạo lực của những người biểu tình, chứ không trực tiếp can thiệp.

Đa Chiều cho rằng, có ba nguyên nhân khiến chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn "tĩnh quan kỳ biến" (ngồi im nhìn tình hình biến đổi):

Thứ nhất, có thể Bắc Kinh cho rằng, tình hình Hồng Kông tuy hỗn loạn, cần phải chấm dứt bạo loạn, khôi phục trật tự, nhưng tình hình chưa tới mức động loạn, cần trung ương phải ra tay cứu vãn cục diện. Đối với Bắc Kinh, khi mà Hồng Kông chưa xảy ra động loạn, chính phủ Hồng Kông không thể kiểm soát, nguy hại đến an toàn thống nhất đất nước thì nhất định không trực tiếp ra tay...

Thứ hai, trong thể chế "một quốc gia hai chế độ", cho đến nay Bắc Kinh chưa có cách ra tay giải cứu. Hiện nay chỉ có thể trông chờ vào chính quyền và cảnh sát Hồng Kông. Chính quyền và cảnh sát Hồng Kông vẫn còn không gian và biện pháp để khống chế tình hình, như thực thi Luật khẩn cấp, thực hiện giới nghiêm quản chế biểu tình, nghiêm trị hành vi cực đoan...

Thứ ba, nếu Bắc Kinh trực tiếp ra tay, như sử dụng lực lượng vũ trang Đại lục dẹp loạn tất sẽ đưa Trung Quốc lâm vào cục diện bị động trên cộng đồng quốc tế, khiến Hồng Kông trở thành "Sự kiện 4 tháng 6" mới, đối với Bắc Kinh sẽ là điều "lợi bất cập hại". Đương nhiên, đó không phải là nhân tố then chốt của việc Bắc Kinh không ra tay, nhưng cũng là một điều quan trọng được xét đến.

Đa Chiều cho rằng, Bắc Kinh bình tĩnh và kiềm chế, không có nghĩa là họ bỏ mặc vấn đề Hồng Kông, càng không phải họ coi thường phúc lợi của 7 triệu người Hồng Kông. Thực ra, Trung Quốc đã tìm hiểu đầy đủ và phân tích kỹ lưỡng phong trào chính trị Hồng Kông cùng nguyên nhân sâu rộng phía sau. Đối với bước tới đây sẽ là gì, có thể đã có định hướng và phương án rõ ràng. Hội nghị Trung ương 4 khóa XIX vừa kết thúc mới đây cũng đã tiến hành thiết kế ở tầng lớp cao nhất. Có một điểm rất rõ ràng, đó là "quyết không thỏa hiệp với các phần tử bạo lực". Đó là cách làm nhất quán và ranh giới cuối cùng của Bắc Kinh để giải quyết vấn đề.