Qassem Soleimani
Hình ảnh đống đổ nát sau vụ không kích của Mỹ bằng máy bay không người lái nhằm vào tướng Qassem Suleimani
Việc Mỹ ám sát Tư lệnh lực lượng Quds của Vệ binh cách mạng Iran, tướng Qasem Soleimani, sáng nay 3/1/2020, được cho là hành động quyết đoán của Tổng thống Donald Trump trong việc ngăn chặn Tehran mở rộng ảnh hưởng tại Trung Đông.

Từ Washington, những đồng minh của ông Trump ca ngợi chiến dịch, cho rằng vụ ám sát gửi thông điệp mạnh mẽ tới Tehran và có thể coi đây là sự răn đe đối với các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Iraq.

"Hành động phòng thủ mà Mỹ thực hiện chống lại Iran là phù hợp với các cảnh báo trước đó. Tehran đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo này. Họ đã tính toán sai lầm", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marco Rubio nhận định.

"Tướng Soleimani đã chết vì ông ta là tên khốn độc ác đã giết người Mỹ. Tổng thống đã đưa ra lời kêu gọi dũng cảm và đúng đắn. Người Mỹ nên tự hào rằng các quân nhân Mỹ đã thành công", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Ben Sasse, tuyên bố.

Như vậy, Mỹ ám sát Tư lệnh lực lượng Quds của Vệ binh cách mạng Iran, tướng Qasem Soleimani, là nằm trong kế hoạch làm thay đổi vị thế của Mỹ tại vùng đất nóng, điều mà Washington đã tìm mọi cách nhưng chưa thực hiện được.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cái chết của tướng Soleimani không thể làm thay đổi vị thế của Mỹ tại Trung Đông, trong đó đặc biệt là tại Iraq, nơi Washington vừa nhận thảm hoạ ngoại giao, khi Đại sứ quán Mỹ bị đốt cháy.

Thứ nhất, việc xác lập niềm tin chiến lược của Mỹ với thế giới Hồi giáo càng khó hơn bởi rào cản mặc định giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo sẽ được gia cố vững chắc hơn khi cái chết của tướng Soleimani được xem là tử vì đạo.

Nguyên tắc dân chủ dựa trên Nhân quyền của Mỹ đối lập với nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị của các quốc gia Hồi giáo, trong đó có ảnh hưởng của giáo luật với pháp luật, đã khiến Mỹ không thể chiếm được trái tim Hồi giáo.


Nhận xét: Cái gọi là "dân chủ" và "nhân quyền" của Mỹ chỉ là trò tuyên truyền lừa bịp. Nói không đi đôi với làm, đó mới là điều khiến Mỹ không thể chiếm được trái tim Hồi giáo.


Thậm chí Mỹ luôn bị xem như kẻ thù của thế giới Hồi giáo, mà thể hiện rõ qua lời của Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Adel al-Jubeir tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo tổ chức hồi tháng 5/2017 tại Riyadh.

"Từ diễn đàn này, chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp đến với thế giới phương Tây rằng thế giới Hồi giáo không phải là kẻ thù của họ", Al Arabiya tường thuật lời ông Al-Jubeir. Trong khi Ả Rập Saudi là đồng minh lớn của Mỹ tại vùng đất nóng.

Đây là lý do Mỹ không thể xác lập niềm tin chiến lược với thế giới Hồi giáo. Mà đã không xác lập được niềm tin chiến lược thì mọi hành động của Washington gây thiệt hại cho thế giới Hồi giáo đều là bất lợi với Mỹ.

Theo giới phân tích, hoàn toàn xảy ra khả năng những lực lượng thân Mỹ trong thế giới Hồi giáo sẽ chuyển sang bài Mỹ, sau khi Tư lệnh lực lượng Quds của Vệ binh cách mạng Iran, tướng Qasem Soleimani, được xem là tử vì đạo.

Điều này đã từng diễn ra với việc Israel thực hiện chiến dịch ám sát Ahmed Yassin, người sáng lập và là thủ lĩnh tinh thần tổ chức chính trị - vũ trang Hamas diễn ra ngày 22/3/2004.

Bởi sau khi thủ lĩnh tinh thần bị sát hại, Hamas đã có những thay đổi căn bản về quan điểm chính trị và bắt tay với Fatah, tiến tới thành lập chính phủ liên hiệp và cho ra đời Nhà nước Palestine được LHQ công nhận vào ngày 30/11/2012.

Đây là cảnh báo cho Washington chớ vội vui mừng sau khi ám sát vị tướng nổi tiếng của Iran, bởi đây có thể khởi phát cho một cuộc chiến thảm khốc ở Trung Đông, rồi đưa Mỹ vào thế nguy hiểm, như lời Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Tom Udall.

Vì từ Tehran, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của Tư lệnh lực lượng Quds Qasem Soleimani trong cuộc không kích của Mỹ vào Baghdad sáng nay.

Trong một thông điệp gửi tới người dân Iran được đăng tải trên trang web chính thức của mình, ông Khamenei nói rằng "sự báo thù khắc nghiệt đang chờ những kẻ phạm tội" liên quan tới cái chết của tướng Soleimani và những người khác.
Khamenei
© MEHR News AgencyAyatollah Ali Khamenei
Trong khi đó, theo Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Seth Moulton, một cựu binh trong chiến tranh Iraq, Trump muốn châm ngòi chiến tranh ở Trung Đông trong bối cảnh Mỹ chưa định hình được chiến lược sau khi chiến lược xoay trục của Obama chết yểu.

Thứ hai, sau khi lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein, Washington đã trao bảo bối cho Tehran, đó là giúp định hình bản Hiến pháp Iraq, xác lập quyền lực xoay quanh lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite, mà Iran là trung tâm.

Hiến pháp Iraq - do Mỹ định hình - quy định Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội - các định chế thực quyền - phải thuộc về đại diện của lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite, mà chiếm đa số dân số Iraq.

Đây được cho là mục đích của Washington nhằm nâng cao vị thế cho người Kurd ở Iraq, đồng thời xoá bỏ mọi tàn dư của chế độ Saddam Hussein trong đời sống chính trị và đời sống xã hội Iraq.

Mưu đồ của Washington đã đưa đất nước Iraq rơi vào vòng xoáy vô định với hỗn loạn và bạo lực, sau hơn 16 năm được Mỹ khai sáng bằng công cuộc "xoá độc tài - gieo dân chủ".

Tuy nhiên, cũng chính mưu đồ Mỹ đã giúp cho Iran tạo ảnh hưởng mạnh mẽ với Iraq mà mấy thập kỷ Tehran không thể có được khi Iraq nằm dưới chế độ của Saddam Hussein với quyền lực thuộc về lực lượng Hồi giáo dòng Sunni.

Khi thấy Tehran ngày càng thể hiện vai trò đạo diễn ván cờ Iraq do chính mình tạo dựng, Washington đã phải vội vã thực hiện những nước đi bị xem là thiếu lực nhằm lật thế cờ của Tehran.

Nhưng do Mỹ không giúp xây dựng chủ thuyết chính trị cho Iraq thời hậu Saddam, nên những nước đi thiếu lực của Washington chỉ là còn những mẹo vặt và việc ám sát tướng Qasem Soleimani thực ra cũng chỉ là mẹo vặt.

Bởi cơ chế chính trị của Iran xây dựng quyền lực xung quanh định chế Lãnh tụ tối cao, nên việc tác động tiêu cực đến các định chế khác không thể tạo ra những đột biến đối với sức mạnh của chế độ tại Iran.

Trong khi tại Iraq, nền tảng quyền lực được xác lập quanh lực lượng Hồi giáo dòng Shi'ite, từ đó tạo ra sự tương đồng căn bản với Iran. Đây chính là bảo bối mà người Mỹ sau khi lật đổ chế độ Saddam Hussein đã cố tình trao cho Tehran.

Rõ ràng, dù tạo ra cú sốc khi ám sát tướng Soleimani, song Mỹ chưa thể thay đổi vị thế sau sự kiện này, thậm chí Washington còn chuẩn bị đối mặt với các chuyển động chính trị nguy hiểm trong thế giới Hồi giáo, chứ không chỉ là việc trả thù của Tehran.

Điều đó cho thấy Mỹ vẫn không thể đảo ngược dây cháy chậm của thùng thuốc súng Trung Đông.