iran missile iraq
© Fars News AgencyTên lửa Iran được cho là đang được phóng vào căn cứ Mỹ ở Iraq
Giới chức Mỹ bí mật sử dụng kênh liên lạc không chính thống để gửi thông điệp yêu cầu Iran không trả đũa mạnh tay sau cái chết của chỉ huy đặc nhiệm Qassem Soleimani nhằm tránh khiêu khích Tổng thống Donald Trump. Thông điệp bí mật được truyền đến Iran thông qua những người trung gian ở Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran, theo tờ The New York Times.

Các quan chức Mỹ bí mật gửi thông điệp sau khi Tổng thống Trump ra lệnh cho quân đội tiến hành cuộc không kích hôm 3.1 giết chết chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran, tướng Qassem Soleimani ở sân bay quốc tế Baghdad (Iraq), khiến căng thẳng leo thang.

Theo tờ The Wall Street Journal, các quan chức chính phủ Mỹ đã gửi bản fax được mã hóa đến Iran chỉ vài giờ sau cái chết của ông Soleimani, cảnh báo Iran không nên leo thang căng thẳng.

Bản fax được mã hóa giúp mở đường cho hoạt động thông tin liên lạc "sân sau" giữa Mỹ và Iran kéo dài vài ngày thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran.

Lâu nay, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran được biết đến là nơi giúp chính phủ Mỹ liên lạc với Iran kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

"Chúng tôi không liên lạc nhiều với Iran, nhưng nếu phải làm điều đó thì phía Thụy Sĩ đóng vai trò quan trọng, giúp truyền tải thông điệp", tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ.

Tờ The New York Times cho rằng các quan chức gửi thông điệp bí mật nhằm mục đích cảnh báo Iran không nên có hành động báo thù mạnh mẽ, không làm leo thang căng thẳng đến mức khiến Tổng thống Trump cảm thấy phải tiếp tục có hành động quân sự đáp trả dữ dội hơn.

Sau khi nhận được tin nhắn, Iran đã phóng hơn 10 quả tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có lính Mỹ trú đóng ở Iraq hôm 8.1, nhưng không có người Mỹ nào thiệt mạng. Trong khi đó, quân đội Iraq xác nhận tổng cộng 22 tên lửa đánh trúng hai căn cứ và không có người Iraq thương vong. Văn phòng Thủ tướng Iraq Adel Abdul-Mahdi đồng thời tuyên bố đã nhận được "thông điệp bằng lời chính thức" từ Iran trước khi Tehran tiến hành cuộc tấn công.

Cũng thông qua Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran, Iran đã gửi thông điệp cho Mỹ, thông báo sẽ không tiếp tục trả đũa sau cuộc tấn công hôm 8.1, theo The New York Times.

Tờ báo cho biết thêm thông điệp này được truyền đến Washington chỉ trong vòng năm phút sau khi gửi và giúp thuyết phục ông Trump không có thêm bất kỳ hành động quân sự nào để trả đũa Iran. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn cho rằng Iran sẽ tìm cách trả đũa Mỹ trong thời gian tới.

"Tránh được chiến tranh với Mỹ, nhưng Iran rơi vào cuộc khủng hoảng mới. Đó là vụ bắn rơi máy bay dân sự Ukraine cùng ngày diễn ra vụ tấn công trả đũa hôm 8.1", chuyên gia Thomas Seibert thuộc Trung tâm an ninh mới của Mỹ đánh giá, theo tờ The Arab Weekly.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thừa nhận quân đội nước này tiến hành điều tra và phát hiện "máy bay Ukraine bị bắn hạ bằng tên lửa do lỗi của con người" và gọi đó là "sai lầm không thể tha thứ".

Trong ngày 11.1, hàng ngàn người xuống đường biểu tình phản đối chính phủ ở thủ đô Tehran cùng một số thành phố khác ở Iran, theo Reuters.

Người biểu tình lên án vụ Iran bắn nhầm chiếc Boeing 737-800NG của hãng Ukraine International Airlines (chuyến bay PS752) sau khi máy bay vừa cất cánh từ sân bay Imam Khomeini ở Tehran ngày 8.1, theo AFP. Tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng, hầu hết là công dân Iran.