Survivors Auschwitz
© UnknownNhững người sống sót rời trại tập trung Auschwitz sau khi được Hồng quân giải phóng tháng 2/1945
Đại sứ quán Mỹ tại Đan Mạch hôm 28/1 đã đăng một dòng trạng thái trên Twitter cho rằng, Quân đội Mỹ đã giải phóng trại tập trung hủy diệt người Do Thái Auschwitz tại Ba Lan.

Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã trả lời trạng thái này, mạnh mẽ lên án việc "viết lại lịch sử Thế chiến II" của các nhà ngoại giao Mỹ ở Đan Mạch. Một ngày sau, họ đã sửa lại nội dung này.

"Hôm qua, chúng tôi đã vô tình viết rằng Quân đội Mỹ đã giải phóng Trại Auschwitz. Tất nhiên, trại đã được giải phóng bởi quân đội Liên Xô. Chúng tôi ghi nhận những đóng góp quan trọng của tất cả các lực lượng Đồng minh trong Thế chiến II và tưởng niệm 6 triệu người Do Thái đã thiệt mạng trong thời kỳ Holocaust" - bài đăng sửa lại của Đại sứ quán Mỹ tại Đan Mạch viết rõ.

Dù đã được sửa lại, dòng trạng thái vẫn nhận nhiều lời chỉ trích về kiến thức sai lầm trầm trọng về lịch sử.

Không chỉ vậy, bài đăng của tờ báo Đức Der Spiegel công bố nói rằng Auschwitz là trại tử thần lớn nhất của Đức Quốc xã và "75 năm trước đã được giải phóng nhờ quân đội Mỹ".

Ban đầu, bài viết thu hút sự chú ý của những người sử dụng mạng nói tiếng Đức. Sau đó, ấn phẩm đã đăng xin lỗi "vì một sai lầm cực kỳ khó xử" và cũng lưu ý rằng ấn phẩm coi những lời phê bình là "một hình phạt công bằng" đối với sai lầm này.

Der Spiegel sau đó đã sửa lại thông điệp ban đầu của mình, ghi rõ rằng Hồng quân đã giải phóng trại tập trung.

Việc coi người Mỹ đã trực tiếp giải phóng trại Auschwitz đã xuất hiện tại Ba Lan từ lâu. Những cựu binh Hồng quân kể lại, họ biết về điều đó nhưng không thể thuyết phục người Ba Lan rằng chính họ mới là người đã trực tiếp tiếp cận trại tử thần này và giải phóng trại.

Cựu chiến binh Liên Xô Ivan Martynushkin - một trong những người có mặt đầu tiên và giải phóng Trại tập trung Auschwitz cho biết, có lẽ những người dân Ba Lan không được tiếp cận đủ thông tin về cuộc chiến và kiên quyết rằng quân đội Mỹ đã giải phóng nơi đây.

Quan điểm loại bỏ các vai trò của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II đã từng được đề cập bởi các quan chức, chính trị gia Ba Lan. Ngay cả Nghị viện Châu Âu cũng đã đồng ý thông qua một Nghị quyết vào tháng 9/2019, cho rằng Liên Xô cũng góp phần tạo nên Thế chiến II tương tự như Đức Quốc xã.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thể hiện rõ lập trường của Paris đối với những gì lịch sử đã được Hồng quân Liên Xô viết nên. Ông Macron hôm 27/1 đã nhấn mạnh vai trò của những người lính Liên Xô trong việc giải phóng trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan.

Nói tại đài tưởng niệm Shoah ở Paris nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày giải phóng Auschwitz, Tổng thống Pháp đã nhấn mạnh những người lính Hồng quân Liên Xô dũng cảm.

"Vào ngày 27 tháng 1 năm 1945, những người lính dũng cảm của Hồng quân đã đặt chân sau dây thép gai của trại tập trung. Lúc đó họ vẫn chưa biết rằng họ đang đi trên đống tro tàn của một ngôi mộ tập thể nơi hơn một triệu người đã thiệt mạng." - ông nói.

Có hơn 75.000 công dân Pháp bị giết tại trại Auschwitz.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là nhớ về quá khứ, nhớ tất cả các nạn nhân của Holocaust để xây dựng nên hòa bình hiện tại. Chúng ta cần tiếp tục nói với các thế hệ trẻ về thảm kịch này." - Tổng thống Pháp nhận định.

Việc dung túng nạn phân biệt chủng tộc, phủ nhận tội ác của Đức quốc xã, xâm phạm di sản lịch sử và lý tưởng là "không thể chấp nhận được" và thế hệ ngày nay không được nhượng bộ trước những hành động gây mù mờ thông tin về lịch sử.

"Công việc làm bất tử những ký ức của các nạn nhân trong Thế chiến II vẫn chưa kết thúc" - Tổng thống Macron nhấn mạnh.