wuhan outbreak
Trong bài "Khi Trung Quốc đóng cửa, thế giới chia rẽ" trên tờ Le Figaro, tác giả bình luận, tình hình kinh tế - xã hội Trung Quốc đang thật sự căng thẳng. Tăng trưởng chính thức năm 2019 ở mức 6,1%, thấp nhất trong 30 năm qua, nhưng sẽ không vượt quá 5,7% trong năm 2020. Tổng nợ công và tư gần 270% GDP, các công ty mất khả năng chi trả tăng 5% và dòng vốn không ngừng chảy khỏi Trung Quốc.

Khi cánh cổng giao thương bị đóng

Tín dụng được "mở van" nhưng không che giấu được khủng hoảng cấu trúc của mô hình phát triển ồ ạt dựa vào kỹ nghệ và xuất khẩu, tác động tiêu cực đến môi trường. Cuộc chiến thương mại và công nghệ do Tổng thống Donald Trump khởi động khiến tốc độ tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc bị ngưng trệ. Tỷ lệ sinh giảm mạnh nhất kể từ nạn đói khủng khiếp năm 1961, thị trường lao động bắt đầu khan người, tiền lương tăng. Trung Quốc sẽ già đi trước khi thực sự giàu.

Bên cạnh đó, Vũ Hán là một trong những thành phố năng động nhất của Trung Quốc, với sông Dương Tử bao quanh, là chiếc nôi của nền công nghiệp xe hơi nước này và từng được mệnh danh là một "Detroit" của gã khổng lồ châu Á.

Một trong bốn tứ trụ của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc là Đông Phong đặt trụ sở tại Vũ Hán. Thành phố với 11 triệu dân cũng là nơi có khoảng một chục nhà máy lắp ráp xe hơi, mỗi năm sản xuất trên 2 triệu chiếc ô tô để phục vụ thị trường nội địa, là địa bàn mà hai tập đoàn xe hơi Pháp là Peugeot Citroen và Renault chọn làm cổng vào để thâm nhập thị trường Trung Quốc.

Vũ Hán không chỉ là "chiếc tủ kính" trưng bày của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc mà còn là một lò công nghệ luyện kim, nơi sản xuất đến 66% đường ray xe lửa cho toàn quốc. Gần đây, nhiều công ty khởi nghiệp của Trung Quốc và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã dồn về Vũ Hán.

Không chỉ là một thành phố năng động, một cơ sở sản xuất của Trung Quốc, Vũ Hán còn là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng, là một chặng trung chuyển không thể thiếu trong quan hệ thương mại quốc tế. Với một cảng lớn trên sông Dương Tử, với phi trường và các sân ga cỡ "XXL", Vũ Hán được xem là cánh cổng giao thương giữa Trung Quốc với châu Âu, với Trung Đông và cả Mỹ. Từ ba năm nay, một chuyến đường sắt đã nối liền thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc với Thành phố Lyon, miền Trung nước Pháp.

Thế nhưng từ một tuần qua, Vũ Hán trong tình trạng "nội bất xuất, ngoại bất nhập", đường phố vắng bóng người. Các nhà máy đóng cửa chưa biết đến khi nào sẽ mở lại, nhân viên bất đắc dĩ phải nghỉ phép "vô hạn định".

Mối đe dọa của virus corona tấn công vào cả lĩnh vực tiêu thụ, lẫn khu vực sản xuất của nền kinh tế thứ hai toàn cầu sau khi tưởng chừng yên tâm khi đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ. Tất cả những lợi thế vừa nêu đủ cho thấy, quyết định "cách ly" Vũ Hán trong những ngày qua sẽ đem lại những hậu quả tai hại tới mức độ nào.

Một mối đe dọa mới

Trong khi đó, ngày 29/1, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nhận định, dịch bệnh do virus corona chủng mới bùng phát ở Trung Quốc là một mối đe dọa mới, giữa lúc triển vọng kinh tế toàn cầu đang khởi sắc trong những tháng gần đây.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Powell phân tích việc Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại sơ bộ hồi đầu tháng này, giải pháp Brexit và việc các ngân hàng trung ương trên thế giới duy trì lãi suất thấp cho thấy, nền kinh tế thế giới sẽ bắt đầu mở rộng nhanh hơn sau khi bị tác động bởi các tranh cãi thương mại. Nhưng hiện nay viễn cảnh đó trở nên phức tạp do xuất hiện virus corona. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed lưu ý hiện vẫn chưa rõ quy mô thiệt hại kinh tế do virus này ở Trung Quốc và các nèn kinh tế trên thế giới.

Nhằm đối phó với dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã tạm ngừng hoạt động tại Trung Quốc. Starbucks cho biết hãng này có kế hoạch đóng cửa một nửa cửa hàng tại Trung Quốc, thị trường lớn thứ hai của hãng. Còn British Airways đã dừng toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, trong khi American Airlines dừng các chuyến bay từ Los Angeles đến Thượng Hải và Bắc Kinh và ngược lại. Giám đốc điều hành Apple Tim Cook cho hay các nhà cung ứng tại Trung Quốc của hãng này đã buộc phải lùi kế hoạch mở cửa trở lại các nhà máy, vốn tạm nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2020, cho đến ngày 10/2.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp thuộc ngành khách sạn, hàng không, sòng bạc và du thuyền mới là những nơi chịu tác động lớn nhất. S&P Global cho rằng, tác động đối với các hãng hàng không và các nhà khai thác hàng không khác tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ phụ thuộc vào quy mô và mức độ lây lan của virus corona ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Nên nhớ rằng, lúc cao điểm của dịch SARS hồi tháng 4/2003, nhu cầu hành khách sử dụng dịch vụ hàng không tại châu Á giảm tới 45%.

Việc Bắc Kinh đình chỉ toàn bộ hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài, kể từ ngày 28/1, đã tác động đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch ở Trung Quốc. Trước hết là các nước láng giềng châu Á như Thái Lan (10,5 triệu lượt du khách năm 2018), Nhật Bản (8,4 triệu lượt), Hàn Quốc (5 triệu lượt), Việt Nam (5 triệu lượt), Singapore (3,4 triệu lượt), Malaysia (2,9 triệu lượt), trong đó không kể Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (49 triệu lượt du khách). Chi phí của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài hàng năm ước tính khoảng 130 tỷ USD.

Trong khi đó, dầu mỏ là một trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng rõ nhất của dịch virus corona mới. Tiêu thụ của Trung Quốc chiếm gần 1/4 nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, kể từ khi thông tin dịch virus corona có thể lây từ người sang người được chính thức công bố, cùng với những lo ngại về tác động kinh tế tiềm tàng của dịch bệnh này, giá dầu trung bình giảm từ 65 USD/thùng xuống còn chưa đầy 59 USD/thùng.

Trong khi đó, ảnh hưởng từ Trung Quốc rất rõ ràng. Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ dầu mỏ số một thế giới, thế mà giờ đây tại nhiều thành phố, giao thông đình trệ, hàng trăm máy bay không được phép cất cánh. Nhà phân tích Neil Wilson của Market.com nhận xét: "Giới đầu tư lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại cùng với ngành du lịch toàn cầu. Đây là hai nguồn tiêu thụ chính của thị trường dầu mỏ thế giới".