Silk road train connecting China, Iran
Đoàn tàu lửa đầu tiên của Con đường Tơ lụa chạm đích
Ngày 15/2, chuyến tàu đầu tiên kết nối Trung Quốc với Iran đã đến Tehran đem theo đầy hàng hóa từ Trung Quốc.

Chuyến tàu đánh dấu Con đường Tơ lụa cổ đại chính thức được khôi phục. Đoàn tàu với 32 toa hàng xuất phát từ tỉnh miền đông Chiết Giang đã mất 14 ngày để hoàn thành hành trình trên tuyến đường dài 9.500 km xuyên qua lãnh thổ Kazakstan và Turkmenistan. Như vậy, chuyến tàu đã rút ngắn thời gian chuyển hàng đến 30 ngày so với hành trình trên biển, từ cảng Thượng Hải đến Bandar Abbas của Iran.

Tổng giám đốc Công ty Hỏa xa Iran Mohsen Pourseyed Aqayi cho biết, tuyến đường xe lửa sẽ không ngừng ở Iran mà sẽ còn kéo dài đến châu Âu trong tương lai, đưa hàng hóa của Iran vươn đến các thị trường mới. Vào lúc khởi đầu, con tàu sẽ rời ga mỗi tháng và tần suất hoạt động sẽ được tăng lên nếu cần thiết.

Chuyến tàu nói trên nằm trong thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Trung Quốc và Iran trong chuyến thăm Iran hồi tháng 1/2016 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngay sau khi Iran được tháo gỡ cấm vận nhờ vào việc đạt thỏa thuận đàm phán hạt nhân với 6 cường quốc, trong đó có Trung Quốc. Trong chuyến thăm đó, Iran và Trung Quốc đã ký 17 thỏa thuận, trong đó có cam kết về việc hồi sinh Con đường Tơ lụa cổ đại.

Khái niệm Con đường Tơ lụa kiểu mới cũng được Trung Quốc nhắc tới từ năm 2013, gồm hai phần cấu thành là Vành đai kinh tế trên bộ và Con đường tơ lụa trên biển. Bắc Kinh đã cam kết đầu tư hơn 200 tỷ USD cho các dự án Con đường tơ lụa khắp toàn cầu, trong đó có việc xây dựng các con đường, các tuyến đường sắt, các hệ thống đường ống dầu mỏ và khí đốt, các cảng và dự án các cơ sở hạ tầng. Các quốc gia như Nga, Hungary, Iran và Pakistan đã tham gia dự án này.

Tuy nhiên, Con đường tơ lụa không chỉ là vấn đề ngoại giao và tham vọng vai trò lãnh đạo toàn cầu. Đó còn là tham vọng kinh tế của Bắc Kinh. Trong bối cảnh sự tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, chiến lược này sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục phát triển. Ngoài ra, đây cũng là hướng phát triển kinh tế mới của Trung Quốc nhằm cạnh tranh sức ảnh hưởng với Mỹ.