Russian warplanes in Syria
© Sputnik/ Dmitry Vinogradov
Các chuyên gia quân sự cho rằng, kinh nghiệm thực chiến ở Syria giúp các tập đoàn sản xuất vũ khí Nga hoàn thiện hàng loạt loại vũ khí, trang bị.

Lực lượng tham chiến ở Syria của không quân

Ông Aleksandr Klementiev, Phó tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay Sukhoi của Nga nhận định, kinh nghiệm tiến hành các hoạt động không kích của Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở Syria là rất bổ ích cho các Tập đoàn chế tạo máy bay của nước này.

Những kinh nghiệm thu lượm được trong thực tế hoạt động trên chiến trường, những ưu, nhược điểm của các loại máy bay chiến đấu sẽ được các công trình sư Nga nghiên cứu kỹ lưỡng khi phát triển các đề án về chiến đấu cơ mới và cải tiến những máy bay hiện có.

Nga đã bắt đầu triển khai chiến dịch không kích vào các mục tiêu mặt đất của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS - Islamic State) ở Syria vào ngày 30-9-2015, theo đề nghị hỗ trợ chống khủng bố của Tổng thống Cộng hòa Ả Rập Syria là ông Bashar al-Assad.

Bộ quốc phòng Nga đã triển khai một nhóm gần 100 máy bay chiến đấu, máy bay bảo đảm (máy bay vận tải, máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm, máy bay trinh sát và tác chiến điện tử...), các máy bay trực thăng tấn công và vận tải, cùng số lượng lớn các nhân viên hậu cần-kỹ thuật.

Trong đội hình máy bay chiến thuật của Nga thi hành nhiệm vụ ở đây có các máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 và Su-34, máy bay cường kích Su-25, máy bay tiêm kích đa năng Su-27SM, Su-30SM và Su-35S.

Nga còn huy động các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 Backfire-C, Tu-95MS Bear-H, Tu-160 Blackjack từ các căn cứ trong nước, tham gia phóng tên lửa hành trình Kh-555 vào các mục tiêu mặt đất của IS, từ các điểm phóng Địa Trung Hải hoặc từ không phận của Iran.

Lực lượng trực thăng được huy động gồm có: Trực thăng tấn công Mi-24, Mi-35, Mi-28N, Ka-52, trực thăng đa năng Mi-8/Mi-17, được trang bị các hệ thống bảo vệ điện tử tiên tiến thế hệ mới nhất là Richag-AV, khiến chúng trở nên bất khả xâm phạm.

Lực lượng bảo đảm gồm có máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm (AEC&W) Beria A-50 Mainstay, máy bay trinh sát điện tử và giám sát Il-20M và Tu-214R. Các máy bay vận tải cỡ lớn gồm có Il-76MD và An-124 Ruslan; máy bay trinh sát không người lái Dozor-600, Yakovlev Pchela-1T, Orlan -10...

Ông Aleksandr Klementiev, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn chế tạo máy bay Nga "Sukhoi" tuyên bố khi tham dự Triển lãm "Airshow 2016" ở Singapore rằng, ông rất vui mừng khi các máy bay của hãng trong biên chế không quân Nga đang trải qua thử nghiệm trong thực tế chiến đấu ở Syria.

"Không nghi ngờ gì nữa, sau một thời gian, tất cả những gì diễn ra ở đó sẽ được phân tích kỹ lưỡng và những kết luận thu được sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng tôi trong việc mở rộng và nâng cao năng lực cho Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga" - ông Klementiev hào hứng nói.

Lực lượng tham chiến hải quân và lục quân
Uran-14 robot
Được biết, ngoài lực lượng không quân, Nga còn điều sang Syria một lực lượng hỗ trợ, bảo vệ căn cứ rất mạnh, bao gồm cả của lực lượng hải quân và lục quân.

Trong số các trang bị, vũ khí lục quân, người ta có thể điểm danh hàng loạt loại vũ khí nổi tiếng như: Xe tăng T-90S, thiết giáp BMP, pháo tự hành SAU 152mm Akatsiya, pháo phản lực BM-30, pháo phản lực bắn đạn nhiệt áp TOS-1A Solntsepyok (Buratino), tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tochka-U...

Điều đặc biệt là Nga đã mang sang Syria một lực lượng robot chiến đấu hùng hậu như Uran-9, Platforma-M và Argo, đảm nhận vai trò "lính xung kích" trên chiến trường, che chắn cho bộ binh Syria, giảm thiểu thương vong về con người.

Vào cuối năm 2015, 6 robot chiến đấu Platforma-M và 4 robot có khả năng tác chiến thủy-bộ Argo đã hỗ trợ quân đội Syria trong chiến dịch đánh chiếm thành công một điểm cao chiến lược trong vùng kiểm soát của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Aleppo.

Đây là lần đầu tiên các robot chiến đấu Nga tham gia một trận đánh thực sự và cũng là các robot chiến đấu đầu tiên trên thế giới làm được điều này. Đây là thành quả rất đáng tự hào của ngành công nghiệp cơ khí chính xác và điều khiển tự động hóa của Nga.

Ngoài ra, hiện diện ở sân bay Hmeymim, thuộc tỉnh Latakia bảo vệ không phận phía bắc Syria và phía đông Địa Trung Hải còn có các hệ thống tên lửa phòng không S-300, S-400, Buk-M2E, Pantsir-S; các hệ thống tác chiến điện tử mặt đất Krasukha-4.

Trong thời gian này, không quân Nga được sự tham gia hỗ trợ tác chiến của tàu nổi thuộc lớp Gepard 3.9 và Buyan-M của tiểu Hạm đội Caspian và tàu ngầm lớp Varshavyanka (Kilo) "Rostov-na-Donu" của Hạm đội Biển Đen. Các tàu này đã phóng tên lửa hành trình Kalibr, tiêu diệt hàng trăm chiến binh và hàng nghìn chủ thể cứ điểm của bọn khủng bố.

Ngoài ra, Nga còn triển khai hàng loạt chiến hạm hùng mạnh ở ngoài khơi Đại Trung Hải như tuần dương hạm Moskva, mang tên lửa phòng không S-300F và tên lửa chống hạm P-500 Bazalt; tàu ngầm Kilo, tàu tên lửa Buyan-M mang tên lửa Kalibr hình thành lá chắn vững chắc trên biển.

Được biết, việc điều động hàng trăm loại vũ khí khác nhau sang tham gia chiến dịch chống IS ở Syria sẽ giúp các lực lượng vũ trang Nga thu lượm được những kinh nghiệm chiến đấu quý báu - điều mà họ không thể có được dù có trải qua hàng nghìn cuộc tập trận với đối thủ giả định.

Một số loại vũ khí mới nhất của Nga cũng được mang ra thử nghiệm và hoàn thiện tính năng như tên lửa S-400, Pantsir-S; máy bay Su-34/Su-35; tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa hành trình Kh-555; tàu hộ vệ hạng nhẹ Buyan-M, tàu ngầm Kilo; hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4, Khibiny, Richag-AV...

Hiện một phần lớn ngân sách giành cho huấn luyện, diễn tập và thử nghiệm trang bị của quân đội Nga đã được điều chỉnh sang mục kinh phí cho cuộc chiến chống IS ở Syria, nhằm tăng cường hơn nữa các loại vũ khí, trang bị được tham gia vào thực tiễn chiến đấu.

Có thể khẳng định rằng, chỉ bỏ ra khoản tiền không lớn nhưng quân đội Nga đang nhận được những kinh nghiệm hết sức quý báu, nâng cao khả năng bám sát thực tiễn chiến tranh của hệ thống vũ khí trang bị - điều không phải cứ có nhiều tiền là đã đạt được.