ethiopia drought
© www.dw.com
Theo kết quả nghiên cứu mới công bố của NASA, tình trạng hạn hán kỷ lục diễn ra tại khu vực phía đông Địa Trung Hải có thể do biến đổi khí hậu.

Theo Haaretz, báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) cho biết, đợt hạn bắt đầu từ năm 1998 ở khu vực phía đông Địa Trung Hải có thể là đợt hạn lớn nhất trong vòng 900 năm qua.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu những lớp vân gỗ của cây tại các vùng trong khu vực gồm Cyprus, Israel, Jordan, Lebanon, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để phục dựng lại lịch sử hạn hán của cả vùng rộng lớn.

Chủ trì nghiên cứu và cũng là nhà khoa học nghiên cứu khí tượng Ben Cook tại Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA và Đài quan sát trái đất Lamont Doherty của Đại học Columbia cho biết: "Quy mô và mức độ nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đòi hỏi chúng ta phải thực sự hiểu về quy mô toàn diện của những biến đổi thời tiết tự nhiên".

Đợt hạn hán gần đây tại phía đông Địa Trung Hải, từ năm 1998-2012, không chỉ kéo dài một cách bất thường, mà còn khô hơn 50% so với giai đoạn khô cằn nhất 500 năm trước đó, và khô hơn 10-20% so với đợt hạn kỷ lục kể từ năm 1100.

Các kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Địa chất - khí tượng, một ấn phẩm của Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, trong hầu hết trường hợp, khi khu vực phía đông Địa Trung Hải gánh chịu hạn hán thì vùng đông Âu cũng trải qua tình trạng này.

Chuyên gia khí hậu Yochanan Kusshnir của Đài quan sát trái đất Lamont Doherty cho rằng: "Chắc chắn Địa Trung Hải là một trong những khu vực tiếp tục khô hạn trong tương lai dưới ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra".