The happy people of Cuba
Báo cáo mới công bố của Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) kết luận Cuba hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới đạt tiêu chuẩn phát triển bền vững, theo đăng tải ngày 7/3 của mạng tin "20minutos.es".

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, công trình được WWF tiến hành 2 năm/lần đánh giá mức độ phát triển bền vững dựa trên 2 yếu tố là chỉ số phát triển con người - theo thống kê chính thức của Liên hợp quốc (LHQ) và chỉ số "dấu chân sinh thái" - nói cách khác là mức độ tiêu thụ năng lượng và tài nguyên tính theo bình quân đầu người.

Ông Jonathan Loh, một trong những tác giả của báo cáo này, khẳng định chỉ có Cuba đồng thời đạt mức thỏa mãn tối thiểu ở cả hai chỉ số. Cuba đạt mức độ phát triển con người theo đánh giá của LHQ, với tỷ lệ biết đọc biết viết hay tuổi thọ trung bình đều ở mức cao, đồng thời không thuộc diện quốc gia tiêu thụ nhiều năng lượng hay tài nguyên thiên nhiên.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh cũng ở gần chuẩn bền vững nhất, với Brazil và Mexico cũng rất gần mức đạt cả hai tiêu chuẩn tối thiểu. Trong khi đó, châu Phi là nơi có nhiều nước đạt chuẩn về "dấu chân sinh thái" (tiêu thụ tài nguyên thấp) nhưng lại không đạt chuẩn về phát triển con người, trong khi châu Âu gặp tình huống hoàn toàn đảo ngược. Ông Loh nhận xét kết quả báo cáo cho thấy Mỹ Latinh và Caribe là khu vực người dân hạnh phúc nhất - kết quả của sự phát triển cân bằng với môi trường tự nhiên.

WWF cũng đưa ra một số con số đáng lo ngại về hiện trạng sinh thái thế giới. Cụ thể, báo cáo dự báo nếu tiếp tục với mức tăng hiện tại, tới năm 2050, nhân loại cần phải tiêu thụ lượng tài nguyên và năng lượng gấp 2 lần khả năng cung cấp của Trái Đất; đồng thời cho biết số lượng loài động vật có xương sống đã giảm 30% trong vòng 33 năm qua; chỉ số "dấu chân sinh thái" của toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần trong giai đoạn 1961 - 2003 và hiện nay đã vượt 25% so với quá trình tái hồi phục của Trái Đất.

Tổ chức bảo vệ thiên nhiên này cũng khẳng định các nước phát triển tiếp tục là các nước có tỷ lệ tiêu thụ năng lượng/tài nguyên trung bình mỗi người hay "dấu chân sinh thái" cao nhất thế giới, trong đó lần lượt là Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Mỹ, Phần Lan, Canada, Kuwait, Australia, Estonia, Thụy Điển, New Zealand và Na Uy.