Vietnam drought
© Đ.V./laodong.com.vnNhiều sông, suối tại Gia Lai đã khô kiệt nguồn nước
Tình trạng hạn hán hiện nay đang xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng. Mùa khô 2016, Tây Nguyên có thể đối mặt với hạn khốc liệt nhất trong vòng 60 năm qua.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa mưa năm 2015 kết thúc sớm hơn so với quy luật và lượng mưa trong khu vực chỉ bằng 60-70% so với trung bình nhiều năm. Do đó, lượng nước tại các sông suối, hồ thủy lợi, hồ thủy điện bị sụt giảm nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu nước tưới cho cây trồng trong mùa khô 2016.

Tính đến cuối tháng 2/2016, toàn vùng Tây Nguyên có khoảng 2.865 ha lúa phải dừng sản xuất; 1.100 ha lúa có nguy cơ mất trắng và trên 40.000 ha cây trồng thiếu nước tưới (chủ yếu là cà phê và hồ tiêu).

Tại Đắk Lắk,từ trước Tết Bính Thân đến nay, nhiều hộ trồng tiêu ở xã Ea H'leo (huyện Ea H'leo) đang rất lo lắng trước tình hình khô hạn kéo dài, nhiều vườn tiêu trị giá cả tỷ đồng có nguy cơ giảm sản lượng, chết rũ do không đủ nước tưới. Nhiều hộ đã tập trung công sức, thời gian, tiền bạc để đào và khoan từ 3-4 vị trí nhưng vẫn không tìm được đủ nguồn nước.

Ông Nguyễn Văn Liệu (thôn 2C) chia sẻ trên Báo Đắk Lắk: "Nhà tôi có 2.000 trụ tiêu đang kinh doanh, vụ này dự tính cho thu trên 8 tấn hạt tiêu khô, nhưng vườn tiêu hiện thiếu nước héo rũ. Từ trước tết đến nay, gia đình tôi dốc sức tìm nước tưới cho tiêu, bỏ luôn cả ăn Tết.

Tôi tự đào một cái giếng sâu 40 m nhưng gặp toàn đá xanh, đá granit mà chẳng thấy nước đâu. Tôi đầu tư tiếp 230 triệu đồng thuê thợ khoan đến 5 cái giếng, mỗi giếng sâu từ 60 m trở lên, mà vẫn không đủ nước, mỗi ngày chỉ bơm được 30 phút rồi cúp cầu dao nằm chờ. Chẳng riêng gì gia đình tôi, hơn 200 ha hồ tiêu của các hộ ở phía Đông xã Ea H'leo này đang thiếu nước tưới trầm trọng. Nhiều vườn tiêu trị giá bạc tỷ chắc chắn giảm hơn 50% sản lượng, có thể chết héo trong những ngày tới nếu trời không mưa sớm".

Dự kiến đến cuối tháng 3/2016, các hồ chứa nhỏ (khoảng 250 hồ) tại Đắk Lắk sẽ bị khô cạn và nhiều trạm bơm sẽ không có nước để hoạt động; tính trong vụ Đông - Xuân năm 2015-2016, Đắk Lắk ước tính có khoảng 70.000 ha cây trồng bị hạn, 25.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Tại Gia Lai,do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài, lượng mưa cả năm 2015 bị thiếu hụt 15-44% so với trung bình nhiều năm; dòng chảy trên các sông suối bị thiếu hụt nghiêm trọng; dung tích các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đến tháng 2 chỉ còn khoảng 30-50% dung tích thiết kế, một số hồ đập thủy lợi nhỏ đã cạn kiệt nguồn nước.

Đầu tháng 3 vừa qua, tỉnh Gia Lai đã công bố tình trạng hạn hán xảy ra trong vụ Đông Xuân 2015-2016 trên địa bàn tỉnh, với cấp độ rủi ro hạn cấp 1. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 10/3, tổng diện tích cây trồng bị hạn tại đây là 11.532 ha, ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2015-2016 là gần 100 tỷđồng.

Tại Đắk Nông,hàng trăm người dân tộc thiểu số tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut (Đắk Nông) đang có nguy cơ rơi vào cảnh đói nghèo khi hàng trăm ha cà phê rơi vào tình trạng hạn hán khốc liệt.

Chị H'Thương (buôn Trum, xã Tâm Thắng) chia sẻ trên báo Dân Việt: "Năm trước, tôi đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng khoan giếng. Năm nay, tôi lại phải tiếp tục vay tiền để khoan thêm một giếng nữa nhưng hiện giếng đã khoan xuống hơn 80 m mà vẫn không thấy nước. Giờ gần 1,5 ha cà phê đang héo úa hết mà chưa biết phải làm cách gì để cứu".

Tại Kon Tum, tình hình nắng nóng kéo dài, không có mưa khiến lượng nước trên các sông, suối ngày càng giảm, lượng nước tại nhiều hồ chứa nước cũng thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1,5 - 5,8 m.

Ghi nhận tình trạng hạn hán tại huyện Sa Thầy, đập dâng của công trình thủy lợi Đăk Ngao 1 (thị trấn Sa Thầy) đã bị trơ đáy, chỉ còn một chút nước không đủ cung cấp cho đồng ruộng.

Trước tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho cây trồng, người dân đã tập trung đào giếng tìm nguồn nước. Nếu như vào thời điểm đầu mùa khô, giá đào 1 mét giếng chỉ khoảng 600.000 đồng thì nay có nơi tăng lên gần 1 triệu đồng.

Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến nay, ở vụ Đông - Xuân năm 2015-2016, tổng diện tích phải dừng sản xuất tại Tây Nguyên là 2.865 ha (Gia Lai 2.650 ha, Đắk Nông 215 ha). Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích bị hạn hán, thiếu nước tại Đắk Lắk khoảng 70.000 ha, Lâm Đồng 45.000 ha, Đắk Nông 22.000 ha, Kon Tum 5.000 ha.