Kunming-Singapore railway map
© WikipediaSơ đồ dự kiến mạng đường sắt Côn Minh - Singapore
Trung Quốc và ASEAN đều được lợi nhờ tuyến đường sắt xuyên Á. Tùy vào sức khỏe kinh tế của mình, các nước có thể tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ quan điểm của ông xung quanh tuyến đường sắt xuyên Á (Singapore-Côn Minh) đang được Trung Quốc và các nước ASEAN tiến hành xây dựng.

Tất cả đều được lợi

Đánh giá về tuyến đường sắt xuyên Á đơn thuần dư ới góc độ giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy khẳng định, một khi tuyến đường sắt xuyên Á hoàn thành và đi vào hoạt động, Trung Quốc và các nước ASEAN đều được lợi. Tuyến đường này sẽ tạo ra một mạng lưới liên thông, nối kết với hải cảng của các nước, với các trung tâm thương mại, công nghiệp, các vùng kinh tế, vận chuyển khối lượng hàng hóa cực lớn, lưu tốc cao, giá thành rẻ và tương đối an toàn.

"Hiện nay, vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Trung Quốc qua các nước ASEAN chủ yếu bằng các phương thức: hàng không, đường bộ và đường biển. Những phương thức này được thực hiện thường xuyên nhưng để phát triển du lịch, đẩy mạnh sự lan tỏa của các tuyến đi vào vùng nội địa thì không thể dùng đường biển. Hơn nữa, đi đường biển, đường hàng không có nhiều rủi ro. Đường bộ thuận lợi nhưng khối lượng vận chuyển thấp, giá thành đắt. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả vận chuyển, tăng khối lượng, chất lượng vận chuyển, giảm giá thành và nâng cao độ an toàn, các nước ASEAN và Trung Quốc đã bàn đến chuyện xây dựng tuyến đường sắt từ Côn Minh (Vân Nam, Trung Quốc) đi xuyên các nước Đông Nam Á.

Các chuyên gia kinh tế và giao thông chắc chắn cũng đã phải tính toán giá thành, hiệu quả rồi thì mới xây dựng. Khi tuyến đường sắt xuyên Á này phát huy lợi thế, nó sẽ tạo ra sự nối kết hành khách, hàng hóa, du lịch giữa các quốc gia Đông Nanm Á và Trung Quốc. Trung Quốc có thể coi là nguồn tài nguyên to lớn về kinh tế và lưu lượng đi lại, nếu lưu thông với các nước thì ngành du lịch, vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang các nước rất lớn, tạo ra hiệu quả lưu thông cho các quốc gia", TS Nguyễn Xuân Thủy chỉ rõ.

Đối với Việt Nam, ông Thủy khẳng định Việt Nam cần phải phát huy lợi thế của vận tải đường sắt. Hiện thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã đạt 40 tỷ USD, chủ yếu là xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu ở biên giới. Tuy nhiên, thủ tục lưu thông còn rườm ra, nhiều khi bị ách tắc, hàng trăm, hàng nghìn xe ứ đọng khiến hàng hóa hư hỏng.

Việc lưu thông hai nước sẽ rất thuận lợi nếu mở tuyến đường sắt liên vận vì đặc điểm của đường sắt là vận chuyển khối lượng lớn, giá thành rẻ hơn. Hiện Việt Nam vẫn dùng đường sắt khổ 1m, Trung Quốc thì dùng khổ 1,435m nên qua đó phải chuyển tàu hoặc xây dựng đường sắt lồng. Nếu làm được, chắc chắn khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt sẽ tăng gấp 3-4 lần so với hiện nay.

"Nếu Việt Nam làm được, hàng hóa sẽ đảm bảo lưu thông liên tục từ Côn Minh (Trung Quốc) về Yên Viên - Hà Nội, rồi từ Hà Nội có thể đi Sài Gòn và các nơi khác với năng suất cao, giảm được giá thành, hạn chế hư hỏng. Tuy nhiên, lưu ý trường hợp này phải tính toán kỹ và có tầm nhìn hợp lý bởi xây dựng đường sắt rất đắt đỏ, nếu xe chạy ít chắc chắn sẽ lỗ. Nhưng nếu lượng hàng hoá nhiều thì chi phí sẽ giảm đi, thu hút nhiều khách hàng và sẽ nâng cao được hiệu quả kinh tế giữa các nước", TS Thủy lưu ý.

Vị chuyên gia giao thông cũng trấn an nỗi lo ngại khi tuyến đường sắt xuyên Á tập trung phát triển theo hướng Bắc-Nam: "Ngay từ xưa người Pháp đã chọn trục giao thông chính của Việt Nam là trục Bắc-Nam, dọc theo trục đó là các trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch. Xét lưu lượng vận tải phải nhìn vào nguồn cung và nguồn cầu. Về nguồn cầu, trục Bắc-Nam là hướng chính, có TP.HCM với số dân 10 triệu người, ĐSBCL khoảng 20 triệu người, Thanh Hóa, Nghệ An 3-4 triệu dân, Hà Nội 10 triệu dân...; có nhiều vùng kinh tế, khu công nghiệp và khu du lịch lớn.

Còn trục ngang (trục Đông- Tây) chủ yếu là một số tuyến vận tải lên Tây Nguyên, hay từ Viêng Chăn qua Việt Nam. Nếu Việt Nam làm đường sắt qua các nước Lào, Thái Lan, Campuchia theo trục Đông-Tây thì lưu lượng cũng không lớn lắm. Ngay như Thái Lan họ vẫn giao thương với Trung Quốc bằng đường biển và sau này khi có đường sắt xuyên Á , hàng hóa của họ đi lên phía Bắc cũng sẽ rẻ hơn. Dù sao cũng không nên ngại rằng tuyến đường sắt xuyên Á chỉ tập trung phát triển hưởng Bắc-Nam mà ít đầu tư cho hướng Đông-Tây bởi thực ra chính hướng Đông-Tây sẽ gom khách và hàng hóa cho hướng Bắc-Nam".

Làm sao giảm phụ thuộc vào Trung Quốc?

Trước một số lo ngại về việc các nước ASEAN sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc khi tuyến đường sắt xuyên Á hoàn thành, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, ý kiến đó có ý đúng và có lẽ các chuyên gia muốn lưu ý chuyện Trung Quốc có thể tận dụng tuyến giao thông này để mang lại lợi ích riêng cho mình.

Tuy nhiên, "nền kinh tế thị trường hiện nay phụ thuộc vào thỏa thuận và cung-cầu, không ai bắt buộc được ai. Khi làm đường sắt xuyên Á, nếu hàng hóa lưu thông nhiều, từ các nước ASEAN sang Trung Quốc và ngược lại thì đó cũng là quy luật: Tốc độ nhanh, giữ chất lượng hàng hóa tốt, giá thành rẻ thì nước nào đi cũng sẽ hiệu qủa. Nếu Trung Quốc thấy đi đường bộ nhanh và rẻ hơn thì họ sẽ đi đường bộ, nhưng nếu hàng hóa đi Viêng Chăn, Hà Nội... bằng đường sắt rẻ hơn thì họ sẽ đi bằng đường sắt. Do đó, ở đây là theo quy luật của thị trường - nơi nào giao thông rẻ, thuận tiện, giảm giá thành và tốt cho khách du lịch thì người ta sẽ đi", TS Thủy chia sẻ.

"Theo tôi, không nên quá nặng nề về vấn đề phụ thuộc vào Trung Quốc bởi thực chất nhiều quốc gia bây giờ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc, không chỉ Việt Nam mà ngay cả cường quốc kinh tế Mỹ. Hàng hóa Trung Quốc vừa rẻ vừa đẹp, có sức hấp dẫn.

Khi xây dựng đường sắt người ta đã tính toán rất kỹ, các nước được cái gì thì người ta mới làm. Nếu làm mà phụ thuộc vào Trung Quốc hay bị Trung Quốc ép buộc thì các nước chẳng làm làm gì. Do đó phải nhìn nhận ở góc độ thị trường và thị trường điều tiết thì hợp lý hơn. Phụ thuộc hay không phụ thuộc vào nỗ lực của từng nước. Nếu Việt Nam giỏi thì hàng hóa qua Trung Quốc nhiều, còn nếu Việt Nam kém thì phải nhập siêu hàng Trung Quốc. Tóm lại, nó phụ thuộc vào sức khỏe kinh tế của từng nước".

Để tận dụng được lợi ích và hạn chế bất lợi từ tuyến đường sắt xuyên Á, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: "Xét tầm nhìn xa trong 10-15 năm nữa, khi tuyến đường sắt này hoàn thành, muốn nâng cao hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam qua đường sắt đó phải tạo ra hệ thống hàng hóa tương đối đầy đủ, có thương hiệu, chất lượng, thu hút. Thành lập hệ thống kho bãi nguồn hàng hợp lý để tiếp cận các ga đường sắt nhanh chóng, giảm bớt các thu tục, đồng thời kỹ thuật logistics phải nâng cao... Ngoài ra, hệ thống đường sắt của Việt Nam cũng phải được nâng cấp nhằm đón lấy vận hội do đường sắt xuyên Á tạo ra.