Ảnh
Tôi không thể không nhận thấy rằng trong vài tuần qua, Đế Quốc đã trở nên cực kỳ ngớ ngẩn - quá ngớ ngẩn đến mức tôi tin rằng nó xứng đáng với danh hiệu Đế Quốc Ngớ Ngẩn Nhất Thế Giới. Người ta có thể cho rằng trước đây nó đã ngớ ngẩn rồi, nhưng những diễn biến gần đây dường như báo hiệu một bước đại nhảy vọt trong mức độ ngớ ngẩn của nó.

Mẩu ngớ ngẩn cực độ đầu tiên nổi lên khi Tướng Lloyd J. Austin III, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung ương Hoa Kỳ, nói với một ủy ban Thượng viện rằng chỉ có một số lượng rất nhỏ các chiến binh Syria đào tạo bởi Hoa Kỳ còn tiếp tục chiến đấu - con số có lẽ chỉ là năm. Chi phí để đào tạo và trang bị cho họ là 500 triệu đôla. Đấy là 100 triệu đôla cho mỗi chiến binh. Nhưng không sao, bởi vì mọi chuyện đều ổn cả miễn sao các nhà thầu quân sự được trả tiền. Mọi thứ thậm chí còn trở nên ngớ ngẩn hơn nữa vì hóa ra ngay cả những chiến binh ít ỏi này cũng bị bắt cóc bởi ISIS/al Qaeda (hay bất cứ cái tên nào mà chúng đang tự xưng vào thời điểm hiện tại) tại Syria, và bị tước hết xe cộ cùng vũ khí.

Khoảnh khắc ngớ ngẩn tiếp theo đến tại cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, nơi mà Obama, người nói lan man đến 30 phút thay vì thời gian được phân bổ 15 phút (Ngài Tổng thống Ngớ ngẩn có biết xem đồng hồ không ạ?), lập kỳ tích là sử dụng hết khoảng thời gian đó mà không nói được bất kỳ điều gì có nghĩa với bất cứ ai.

Nhưng chính bài phát biểu của Putin đã phơi bày sự ngớ ngẩn của Đế Quốc cho tất cả mọi người thấy khi ông mắng nước Mỹ về việc đã biến vùng Trung Đông thành một mớ hỗn độn máu me thông qua các cuộc can thiệp nặng tay của họ. Trích dẫn thường được lặp lại là "Các người có hiểu các người đã làm gì không?", nhưng nó không hoàn toàn đúng. Câu tiếng Nga "Вы хоть понимаете теперь, чего вы натворили?" có thể được dịch chính xác hơn là "Làm thế nào đến bây giờ các người vẫn không hiểu các người đã tạo ra một mớ hỗn độn đến thế nào?" Từ ngữ rất quan trọng: đây không phải cách ta nói với một siêu cường quốc trước hội đồng các nhà lãnh đạo thế giới; đây là cách ta mắng một đứa trẻ ngu ngốc và bướng bỉnh. Trong con mắt của toàn thế giới, điều này làm cho Đế Quốc trông khá là ngớ ngẩn.

Điều xảy ra tiếp theo đó là Nga thông báo bắt đầu chiến dịch ném bom của họ chống lại tất cả các loại khủng bố ở Syria (và có thể cả Iraq nữa; thư yêu cầu của Iraq đã nằm trong hộp thư của Putin). Điều đáng chú ý về chiến dịch ném bom này là nó hoàn toàn hợp pháp. Chính quyền hợp pháp, được dân bầu của Syria đã yêu cầu Nga giúp đỡ; chiến dịch được phê duyệt bởi cơ quan lập pháp của Nga. Mặt khác, chiến dịch ném bom mà Hoa Kỳ vẫn đang tiến hành ở Syria là hoàn toàn bất hợp pháp. Chỉ có hai cách để tiến hành ném bom một cách hợp pháp trên lãnh thổ nước khác: 1. một lời đề nghị từ chính quyền nước đó và 2. một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Hoa Kỳ chưa nhận được cái nào trong hai thứ đó.

Tại sao điều này là quan trọng? Bởi vì Liên Hiệp Quốc, với Hội đồng Bảo an của nó, được thiết lập để ngăn chặn chiến tranh, bằng cách làm cho các quốc gia khó mà tấn công quân sự lẫn nhau mà không phải chịu đủ loại hậu quả kinh tế và chính trị trên trường quốc tế. Sau Thế Chiến II, người ta nghĩ rằng chiến tranh là thứ khá tồi tệ và cần làm điều gì đó để ngăn chặn nó. Nhưng Hoa Kỳ cảm thấy điều này không cần thiết. Khi một phóng viên Nga (Gayane Chichakyan từ RT) hỏi thư ký báo chí của Nhà Trắng rằng Hoa Kỳ đang ném bom Syria dựa trên cơ sở pháp lý nào, lúc đầu anh ta giả bộ không hiểu câu hỏi, sau đó lắp bắp một cách rời rạc, trông khá là ngớ ngẩn. Bạn thấy đấy, Hoa Kỳ thích tham gia chiến tranh (hay đúng hơn, các nhà thầu quân sự của họ thích tham gia chiến tranh, bởi vì đó là cách họ làm ra tiền, và họ tình cờ sở hữu phần lớn chính quyền Mỹ). Nhưng Hoa Kỳ không thể chiến thắng được cuộc chiến tranh nào, và điều đó khiến toàn bộ nỗ lực chiến tranh của họ khá là ngớ ngẩn (và kinh hoàng, khủng khiếp đối với các nạn nhân).

Bất chấp tính ngoan cố của Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc trên thực tế có ngăn chặn chiến tranh. Gần đây nó ngăn cản Hoa Kỳ tiến hành "một cuộc tấn công hạn chế chống lại chính quyền Assad để đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học một cách trắng trợn" (đó là những gì Obama nói trong bài phát biểu tại Liên Hiệp Quốc của ông ta). Điều này xảy ra nhờ một phần vào sự khéo léo trong ngoại giao của Nga, thông qua đó Syria tự nguyện từ bỏ kho dự trữ vũ khí hóa học của họ. Không nản lòng bởi tiến trình ngoại giao, Hoa Kỳ phóng vài quả tên lửa hành trình về hướng Syria, nhưng Nga nhanh chóng bắn rơi chúng xuống đất, khiến Lầu Năm Góc phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc, và dĩ nhiên, khiến Hoa Kỳ trông khá là ngớ ngẩn.

Nhưng một khi bạn đã tự biến mình thành thằng ngốc thì tại sao lại dừng lại? Thật vậy, Obama không hề tỏ ra có ý định dừng lại. Gần như toàn bộ thính giả tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc biết rằng cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của chính phủ Syria lên người dân của họ chưa bao giờ xảy ra. Các hóa chất được cung cấp bởi Ả rập Xê út và phiến quân Syria vô tình sử dụng nó lên chính họ. Nói dối, khi tất cả mọi người đều biết bạn đang nói dối, và biết rằng bạn biết rằng bạn đang nói dối: còn gì có thể ngớ ngẩn hơn nữa?

Được rồi, thế còn việc bi bô liên tục về "tự do và dân chủ" ở Trung Đông, sau khi ném toàn bộ khu vực này vào sự hỗn loạn thông qua những can thiệp chết não của họ? Tiếng nói lý trí duy nhất ở Hoa Kỳ dường như là từ Donald Trump, người gần đây tuyên bố rằng Trung Đông từng ổn định hơn dưới thời Saddam Hussein, Moammar Khaddafi và Bashar al Assad. Đúng là như vậy. Việc nhà chính trị không ngớ ngẩn duy nhất còn lại ở Hoa Kỳ là Trump - cái gã trọc phú ba hoa rỗng tuếch ấy - cho thấy mức độ ngớ ngẩn cao ngất ngưởng của cả đất nước ấy nói chung.

Bi bô về "tự do và dân chủ" ở Trung Đông cũng là ngớ ngẩn bởi vì toàn bộ khu vực này mang tính bộ lạc - đã mang tính bộ lạc vài nghìn năm rồi, và sẽ mang tính bộ lạc vài nghìn năm nữa. Ở mỗi địa phương, một bộ lạc nào đó sẽ được lên đỉnh. Nếu ý tưởng là cắt nó thành những đơn vị lãnh thổ có chủ quyền (không có cái nào trong số đó đủ điều kiện để trở thành một quốc gia, bởi vì mỗi cái cuối cùng đều trở thành đa quốc gia) thì mỗi đơn vị lãnh thổ cuối cùng sẽ bị cai trị bởi một bộ lạc nào đó trong khi các bộ lạc khác lầu bầu tức giận. Dò dẫm mò vào và lợi dụng sự tức giận của họ để "thay đổi chế độ" - thì toàn bộ vùng đất sẽ cháy rụi, không thể khác được.

Một trường hợp điển hình là Israel: nó có bộ lạc đầu đàn là người Do Thái, và họ có thể bắn giết hay ném bom bất kỳ ai khác mà không bị sao cả. Nó được coi là "dân chủ" bởi vì người Do Thái được bầu cử, thứ rất tốt cho những người Do Thái. Những người Alawite ở Syria cũng được bầu cử - và họ bầu cho Bashar al Assad, tại sao điều đó lại không được? Tại vì tính đạo đức giả và tiêu chuẩn kép của Hoa Kỳ.

Nó cũng như vậy với những nước khác. Ả rập Xê út thuộc sở hữu của một bộ tộc - nhà Saud, và tất cả mọi người khác đều bị lép vế. Iraq từng được điều hành bởi người Sunni từ bộ tộc của Saddam Hussein, nhưng người Mỹ đánh bật họ, và những gì còn lại được cai trị bởi người Shia từ phía nam đất nước trong khi người Sunni chạy trốn và gia nhập ISIS. Tất cả những cái đó tưởng như rất đơn giản, nhưng không phải vậy đối với người Mỹ, bởi vì nó đi ngược với ý thức hệ của họ, cái ý thức hệ cho rằng cả thế giới phải được làm lại để cho giống Hoa Kỳ. Và vì thế họ tiếp tục cố gắng làm vậy (hay tiếp tục giả vờ đang cố gắng làm vậy, bởi vì kết quả không quan trọng miễn là nhà thầu quân sự của họ được trả tiền) và có vẻ không quan tâm chút nào đến việc nó làm cho họ trông rất ngớ ngẩn.

Và thế là câu chuyện thường diễn ra thế này: Hoa Kỳ ném bom một đất nước tan thành mảnh vụn, đổ quân vào xâm lược, thiết lập một chế độ bù nhìn và, nhanh chóng hoặc không nhanh chóng lắm, rút ra. Chế độ bù nhìn sụp đổ, và sau đó bạn có hoặc là sự hỗn loạn vô chính phủ hoàn toàn, hoặc là một dạng độc tài mới, đặc biệt tồi tệ nào đó, hoặc là một chút từ cả hai: một đất nước hoang tàn, như là Libya, Yemen, hay Afghanistan, Iraq và Syria. Kết quả thế nào không quan trọng (miễn là các nhà thầu quân sự được trả tiền), bởi vì phương châm của Hoa Kỳ có vẻ là "Hành động Ngớ ngẩn và Cứ thế Tiếp tục". Tàn phá một quốc gia - và rồi lại đến chiến dịch ném bom tiếp theo.

Nhưng đây là điểm mà tất cả nó trở nên cực kỳ ngớ ngẩn: ở Syria họ thậm chí không thể làm được điều đó. Người Mỹ đã ném bom ISIS một năm nay; trong thời gian đó, ISIS trở nên mạnh hơn và chiếm nhiều lãnh thổ hơn. Nhưng chúng chưa đến giai đoạn lật đổ Assad được; thay vào đó, các chàng trai ISIS bận rộn đi nghênh ngang quanh sa mạc, chùm kín mặt mũi, chụp ảnh tự sướng, nổ tung các khu đất vô giá về mặt khảo cổ, bắt phụ nữ làm nô lệ và chặt đầu bất cứ ai mà chúng không thích.

Nhưng bây giờ có vẻ người Nga đã đạt được sau năm ngày ném bom điều mà người Mỹ không làm được trong cả một năm và các chàng trai ISIS đang chạy trốn sang Jordan; những người khác thì chạy sang Đức và yêu cầu xin tị nạn. Điều này làm người Mỹ khó chịu bởi vì, bạn thấy đấy, người Nga đang ném bom những kẻ khủng bố "của họ" - những kẻ mà người Mỹ đã tuyển dụng, vũ trang, huấn luyện ... và rồi ném bom? Tôi biết, thật là ngớ ngẩn nhưng đúng như vậy. Người Nga không thèm nghe, bởi vì phương pháp của họ là, nếu nó trông giống như một kẻ khủng bố và kêu như một kẻ khủng bố, thì nó là một kẻ khủng bố, vậy nên họ ném bom chúng.

Nhưng cũng dễ hiểu là phương pháp ấy khiến người Mỹ không thích: ở đây họ đang cẩn thận bơm vùng đất ấy với đầy các loại vũ khí và trang thiết bị, đồng thời ném bom cẩn thận xung quanh để không làm hỏng những trang thiết bị đó, thế mà người Nga cứ thế xông vào và nổ tung tất cả lên! Người Ả rập Xê út tái sạm cả mặt, bởi vì chính họ là kẻ trả hầu hết những thứ đó. Thêm vào đó, những kẻ khủng bố là người anh em Wahhabi-Takfiri của họ - những kẻ thích đi tuyên bố những người Hồi Giáo khác mà chúng không thích là ngoại đạo, vi phạm luật Sharia của họ. Điều đó có khiến bạn nhớ đến ai không? Ai đó ngớ ngẩn ấy?

Nhưng dường như Hoa Kỳ chẳng làm được gì để ngăn người Nga, hay là người Trung Quốc (họ cũng muốn có một mẩu ISIS để mang về nhồi bông và bày trên tủ), hay là người Iran và các chiến binh Hezbollah, những người đã sẵn sàng tiến vào lau dọn hết những gì còn lại của ISIS một khi chiến dịch ném bom đã phá hủy tất cả các thiết bị vũ khí mà chúng tích tụ được. Và thế là người Mỹ đành phải bắt đầu cuộc chiến tranh thông tin bằng cách cáo buộc Nga gây thương vong cho dân thường.

Dĩ nhiên, do là người Mỹ, họ phải tiến hành cuộc chiến tranh thông tin này theo cách ngớ ngẩn nhất có thể. Đầu tiên, họ đưa ra những cáo buộc về thương vong dân sự trước khi Nga bắt đầu tiến hành bất cứ cuộc không kích nào. Sau đó họ tung đầy các trang mạng xã hội những bức hình giả mạo về trẻ em bị thương được tạo ra từ trước bởi các diễn viên đeo băng trắng được George Soros trả tiền. Và rồi, khi được hỏi về bằng chứng, họ từ chối không cung cấp bất cứ bằng chứng nào.

Đến đấy cũng ổn, nhưng nó còn ngớ ngẩn hơn nữa. Ngay sau khi lớn tiếng la lối về việc Nga gây thương vong dân sự, người Mỹ ném bom nổ tung một bệnh viện ở Afghanistan điều hành bởi tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, mặc dù đã được thông báo về vị trí của nó trước và trong khi vụ đánh bom diễn ra. "Đừng giết hại dân thường ... như thế này!" Nó còn có thể ngớ ngẩn hơn nữa được không? Dĩ nhiên là được: Hoa Kỳ có thể bắt đầu nói dối một cách trắng trợn về sự kiện đó: "Có chiến binh Taliban trốn trong bệnh viện ấy!" - không, không có ai cả; "Người Afghanistan bảo chúng tôi ném bom bệnh viện ấy!" - không, họ không bảo. Ném bom bệnh viện ấy là một tội ác chiến tranh thực sự - Liên Hiệp Quốc nói như vậy. Và bây giờ liệu người Nga có lắng nghe lời chỉ trích từ những kẻ tội phạm chiến tranh không? Đừng có ngớ ngẩn thế!

Thực sự rất khó để nói, nhưng có vẻ bây giờ bất cứ cái gì cũng trở thành có thể. Ví dụ, Hoa Kỳ dường như không có chính sách đối ngoại nào nữa: Nhà Trắng nói một đằng, Bộ Ngoại Giao nói một nẻo, Lầu Năm Góc nói một kiểu nữa, Samantha Power ở Liên Hiệp Quốc theo đuổi chính sách đối ngoại của riêng bà ta bằng Twitter, và Thượng nghị sĩ John McCain muốn trang bị vũ khí cho phiến quân Syria để bắn rơi máy bay Nga (Tất cả 5? John, đừng có ngớ ngẩn thế!) Phản ứng trước tất cả những sự hỗn loạn này, các con rối chính trị của Hoa Kỳ ở Liên minh châu Âu bắt đầu co giật không kiểm soát được và làm sai kịch bản, bởi vì trung tâm thần kinh tại Washington không còn gửi họ tín hiệu rõ ràng nữa.

Tất cả những cái đó sẽ kết thúc thế nào? Vâng, do chúng ta đều đang ngớ ngẩn cả, cho phép tôi đưa ra một đề nghị khiêm tốn: Hoa Kỳ nên ném bom tất cả mọi thứ nằm trong vùng Beltway ở Washington [Chú thích: nơi đặt các cơ quan chính của chính quyền liên bang Hoa Kỳ], cùng với một số quận ở Virginia. Điều đó sẽ làm giảm đáng kể khả năng ngớ ngẩn của đất nước này. Nếu như vậy vẫn không xong? - Thì đã sao? Suy cho cùng thì rõ ràng là kết quả không thành vấn đề. Miễn là các nhà thầu quân sự được trả tiền, tất cả đều ổn cả.

Dịch bởi Dấu Hiệu Thời Đại.