Swede submarine
Tàu ngầm Thụy Điển trong chiến dịch săn "tàu ngầm Nga" vô ích năm 2014, tương tự những gì họ đã làm trong thời chiến tranh lạnh
Những thông tin mới được công bố trên báo chí Anh cho biết, Margaret Thatcher khi còn là thủ tướng Anh (1979-1990) đã từng chủ trương rằng, phải áp dụng mọi thủ đoạn để bôi nhọ Liên Xô, biến đất nước này trở thành một cường quốc hiếu chiến trong con mắt của cộng đồng quốc tế.

Chính vì mục đích này, các tàu ngầm của hải quân Anh với sự phê chuẩn của Thatcher và sự hỗ trợ của CIA đã tiến hành nhiều chiến dịch bí mật trong hải phận của Thụy Điển, trước khi công khai vu cáo đó là hoạt động do thám của Liên Xô.

Trò gian lận của tàu ngầm Anh, Mỹ

Tiết lộ đáng chú ý trên được công bố vào đầu tháng 2-2008 vừa qua trên tờ Sunday Times, dựa trên một số dữ liệu được nêu ra trong cuốn sách có tên "The Secret War against Sweden: US and British Submarine Deception in the 1980s" (Cuộc chiến bí mật chống Thụy Điển: Trò gian lận của tàu ngầm Anh và Mỹ trong những năm 1980) mới được xuất bản của Ola Tunander, giáo sư tại Viện Các vấn đề quốc tế ở Oslo.

Cuốn sách này khẳng định, theo lệnh của bà Thatcher, các tàu ngầm của hải quân Anh đã giả dạng tàu ngầm Xô viết để nhiều lần vi phạm hải phận của Thụy Điển.

Kết quả là từ năm 1982 đến đầu năm 1990, người ta đã ghi nhận hơn 4.000 thông báo về sự xuất hiện của tàu ngầm nước ngoài trong hải phận Thụy Điển. Báo chí phương Tây đều có chung một giọng điệu cho rằng, tất cả những vụ vi phạm trên đều do các tàu ngầm Liên Xô thực hiện với mục đích thăm dò hệ thống phòng thủ của Thụy Điển.

Cũng theo tác giả Tunander, rất nhiều chuyến "viếng thăm trái phép" trên là do các tàu ngầm của Anh và Mỹ tiến hành dưới dự điều phối chung của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Vào thời điểm đó, dư luận Thụy Điển hầu hết đều cho rằng, đây là những hành động vi phạm của Liên Xô. Tuy nhiên, mặc dù hải quân nước này đã triển khai một loạt các nỗ lực săn tìm những kẻ đột nhập nhưng họ đã không thể đưa ra được những bằng chứng xác thực về những "kẻ đột nhập".

Mùa thu năm 1982, hải quân Thụy Điển còn sử dụng cả vũ khí để tấn công hai đối tượng được cho là tàu ngầm lạ có mặt ở vùng bờ biển Stockholm. "Bằng chứng" chính về sự xâm nhập của các tàu ngầm Xô viết vào lãnh hải Thụy Điển (phía Nam quần đảo Horsferden) được đưa ra vào năm 1982 với một cuộn băng ghi âm dài có 4 phút, mà theo đánh giá của các phóng viên điều tra, nhiều khả năng đó là tiếng động của các tàu ngầm thuộc... NATO.

Một "âm mưu rất thành công"

Tuy nhiên, quan điểm chính thức của Stockholm vẫn chỉ là duy nhất: vi phạm lãnh hải của họ là tàu ngầm của khối hiệp ước Warsaw. Quan điểm này đã được khẳng định trong báo cáo của một ủy ban quốc hội, được thành lập nhằm điều tra các sự kiện tại Horsferden. Trên cơ sở bản báo cáo này, Thủ tướng Olof Palme đã gửi một công hàm phản đối gay gắt cho đại sứ Liên Xô tại Thụy Điển, khiến cho quan hệ giữa hai nước xấu đi nhanh chóng.

Tình hình càng nghiêm trọng hơn với vụ chiếc tàu ngầm U-137 của Liên Xô bị mắc cạn ở khu vực gần lãnh hải Thụy Điển. Ngay trong giai đoạn làm thủ tướng sau này của mình (từ 1991 đến 1994), Carl Bildt vẫn thường xuyên muốn Nga phải thừa nhận việc Liên Xô đã đột nhập trái phép vào lãnh hải Thụy Điển trước đây.

Trong một chuyến viếng thăm Moscow vào năm 1993, ông Bildt còn mang theo một cuộn băng ghi âm những tiếng động của tàu ngầm có độ dài 3,47 phút được ghi nhận tại Horsferden.

Theo khẳng định của các chuyên gia Thụy Điển, cuốn băng ghi âm này là bằng chứng không thể bác bỏ về các tàu ngầm Xô viết. Phía Nga về phần mình đã phản bác những lời buộc tội này, đồng thời yêu cầu mời các chuyên gia độc lập để giải mã cuộn băng trên. Có điều yêu cầu của Moscow không hề được chấp thuận, trong khi cuộn băng quan trọng trên vẫn được phía Thụy Điển lưu giữ trong tình trạng tuyệt mật.

Cần nói thêm là liên quan đến cuộn băng dài 3,47 phút trên, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Na Uy Yan Ingebrigtsen trong một lần trả lời phỏng vấn truyền hình Thụy Điển đã tiết lộ rằng, cuộn băng đã được bí mật chuyển tới Na Uy để giám định. Nhưng các chuyên gia Na Uy đã không phát hiện ra những tiếng ồn nào để có thể khẳng định chắc chắn đó là do tàu ngầm tạo ra.

Về phần mình, do là một thành viên trong ủy ban chuyên điều tra về sự xâm nhập của các tàu ngầm nước ngoài, Ola Tunander đã có dịp tiếp cận tất cả những tài liệu liên quan đến lĩnh vực này. Chính vì vậy, tác giả này đã không gặp nhiều khó khăn để chỉ ra những chi tiết bất hợp lý liên quan đến giả thuyết các tàu ngầm Xô viết. "Mô tả của nhiều nhân chứng cho thấy đó là hình dạng các tàu ngầm của phương Tây nhưng nhóm phân tích lại đưa ra kết luận đó là những tàu ngầm Xô viết mà không có bất cứ một cơ sở nào" - Ola Tunander khẳng định trong cuốn sách của mình.

Chẳng hạn như phần sống lưng tàu ngầm của Liên Xô và phương Tây đều có hình dạng giống nhau nhưng các chuyên gia quân sự của Thụy Điển lại khẳng định đó là tàu ngầm Xô viết do "tàu của các cường quốc phương Tây chẳng có lý do gì để xâm nhập lãnh hải Thụy Điển".

Trong một bằng chứng khác, các tín hiệu radar và máy phát thu được từ những tàu ngầm xâm nhập trái phép chẳng có cơ sở nào để khẳng định đó là tàu của Liên Xô nhưng Chủ tịch Sten Andersson của Ủy ban điều tra quốc hội vẫn vô tư kết luận đó là bằng chứng tàu của khối hiệp ước Warsaw.

Dù thế nào, chiến dịch tàu ngầm của Margaret Thatcher vẫn được đánh giá là một "âm mưu rất thành công" trong lịch sử của chiến tranh lạnh. Hậu quả của nó đã khiến quan hệ giữa Liên Xô và Thụy Điển (một quốc gia có đường lối trung lập và tiến bộ) lâm vào tình trạng căng thẳng trong một thời gian dài, một điều mà các quốc gia trong NATO hết sức mong muốn vào thời điểm đó.