Jupiter Impact
© John McKeon Chớp sáng từ một va chạm mới trên Sao Mộc (mũi tên) có thể thấy trên bức ảnh lấy từ video của nhà thiên văn nghiệp dư John McKeon quay vào ngày 17/2/2016.
Một chớp sáng xuất hiện trên hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt Trời hôm 17/3 và các chuyên gia nhận định nó có thể bắt nguồn từ một thiên thạch hoặc sao chổi.

Gerrit Kernbauer, một nhà thiên văn nghiệp dư tại thành phố Modling, Áo, nói với CNN rằng ông phát hiện chớp sáng trên sao Mộc hôm 17/3, khi quan sát hành tinh bằng kính thiên văn. Ông đăng video về cảnh tượng ấy lên YouTube và nó đã thu hút hơn một triệu lượt xem.

Ban đầu Kernbauer không phát hiện điều bất thường trong video. "Hình ảnh không đạt chất lượng cao nhất nên tôi không muốn xử lý video. Nhưng 10 ngày sau, tôi xem lại video và thấy chớp sáng lạ. Nó chỉ xuất hiện trong chưa đầy một giây bên rìa của đĩa sao Mộc", ông viết trong phần mô tả video.

Sự hiện diện của chớp sáng khiến nhà thiên văn nghiệp dư nhớ tới việc những mảnh vỡ của sao chổi Shoemaker-Levy 9 lao vào sao Mộc trong năm 1994. Phi thuyền Galileo của Mỹ cũng như nhiều nhà thiên văn trên địa cầu đã phát hiện cú va chạm giữa các mảnh vỡ và sao Mộc.


"Khi nhớ lại sao chổi Shoemaker-Levy 9, lời giải thích duy nhất của tôi là một thiên thạch hay sao chổi đã lọt vào tầng thượng quyển của sao Mộc và cháy hoặc nổ rất nhanh", Kernbauer bình luận.
Fragments of Comet Shoemaker-Levy 9
© NASA/ESACác mảnh sao chổi Shoemaker-Levy 9 vào tháng 7/1994 đã tạo ra những vệt đen lớn trên Sao Mộc, có thể được nhìn thấy từ cả kính thiên văn nhỏ.
John Mckeon, một nhà thiên văn nghiệp dư khác ở Ireland, cũng công bố video về cảnh tượng một vật thể lao vào sao Mộc.

Phil Plait, nhà thiên văn phụ trách mục Bad Astronomy cho trang Slate.com, phân tích cả hai video. Theo ông, vật thể bí ẩn có thể là một thiên thạch hoặc sao chổi cỡ nhỏ.

"Sao Mộc là một hành tinh ở rìa vành đai thiên thạch. Hành tinh này lớn đến nỗi lực hấp dẫn của nó có thể hút những vật thể khác", ông nói.

Mặc dù vật thể lao vào sao Mộc có kích cỡ nhỏ, Plait tin rằng nó vẫn gây nên cú va chạm mạnh.

"Vật thể bất kỳ sẽ lao vào sao Mộc với tốc độ gấp gần 5 lần so với vận tốc của nó khi lao vào địa cầu. Do đó, một viên đá nhỏ cũng có thể gây nên vụ nổ lớn trên sao Mộc. Tuy nhiên, vụ nổ không gây thiệt hại đáng kể cho tầng thượng quyển của hành tinh", Plait giải thích.

Các vật thể thường xuyên lao vào sao Mộc. Vào năm 2009, kính thiên văn không gian Hubble phát hiện một vật thể lao vào hành tinh này. Phi thuyền Juno của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ tới quỹ đạo sao Mộc vào tháng 7 năm nay. Juno sẽ là phi thuyền đầu tiên quan sát những tầng mây dày đặc của hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ.