Azerbaijan Armenia Nagorno Karabakh
© Twitter / RFE/RL
Chiến sự bùng phát dữ dội ở Nagorno-Karabakh

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2-4 đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc vì thông tin hoạt động chiến sự trên tuyến "biên giới" giáp ranh với Nagorno-Karabakh lại bùng phát dữ dội - Thư ký báo chí của nguyên thủ Nga, ông Dmitry Peskov cho biết vào ngày 2-4.

"Tổng thống Putin lấy làm tiếc vì tình hình một lần nữa lại đi đến xung đột vũ trang, đồng thời kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột hãy mau chóng ngừng bắn và thể hiện sự kiềm chế" - Vị thư ký báo chí của Điện Kremlin dẫn lời nhà lãnh đạo Nga.

Ông Peskov cho biết, thời gian gần đây, kênh liên lạc ba bên (Nga, Armenia, Azerbaijan) và kênh quốc tế (Nhóm Minsk của OSCE về Nagorno-Karabakh gồm các đại diện Nga, Pháp và Hoa Kỳ), đã thực hiện hàng loạt nỗ lực to lớn, mở ra hy vọng sẽ tiến tới đạt giải pháp cho cuộc xung đột.

Tuy nhiên, rất đáng tiếc là xung đột lại tiếp tục bùng phát mà không có dấu hiệu nào báo trước, đẩy nhân dân Nagorno-Karabakh vào lò lửa chiến tranh, với sự tham gia của 2 quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ là Armenia và Azerbaijan - ông Peskov nhận định.

Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa không được công nhận Nagorno-Karabakh thông báo rằng, lực lượng vũ trang của Azerbaijan đêm 2-4 đã đột ngột phát động cuộc tấn công nhắm vào hàng loạt điểm của khu vực xung đột Nagorno-Karabakh.

Bộ Quốc phòng CH Nagorno-Karabakh cho biết, ngoài những trận đánh ở tiền tuyến, quân đội Azerbaijan còn tấn công bằng pháo hạng nặng vào những điểm dân cư yên bình và những nơi đóng quân của các đơn vị quân sự của nước Cộng hòa tự xưng này.

Vào thời điểm này, trên toàn bộ chiều dài của tuyến giáp giới đang diễn ra đụng độ dữ dội. Quân đội Azerbaijan đã huy động cả pháo binh, xe bọc thép và máy bay, chiến sự đã vượt tầm một cuộc xung đột thông thường, khiến Lực lượng vũ trang Armenia đã phải tham chiến.

Theo tin ban đầu, lực lượng phòng không Armenia - được tích hợp vào hệ thống phòng không chung trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB) với Nga, Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgystan - đã bắn rơi một máy bay trực thăng của Không quân Azerbaijan.

Nagorno-Karabakh - một trong "Tứ quốc ly khai" từ Liên Xô

Khủng hoảng chính trị dẫn tới cuộc nội chiến ở Ukraine và sự ra đời của 2 nước Cộng hòa tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã khiến người ta phải chú ý đến một số phong trào đòi độc lập hoặc đòi sáp nhập ở các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Sau khi Liên bang Xô viết tan rã, có 4 vùng lãnh thổ đã lên tiếng đòi độc lập, tách khỏi các chủ thể cũ trước đây của mình. Tuy các vùng lãnh thổ này không được sự công nhận rộng rãi của các quốc gia trên thế giới (trừ Nga và một số quốc gia khác) nhưng các nước này vẫn là các quốc gia độc lập trên thực tế.

Điểm đặc biệt là cũng giống như cuộc chia tay của 2 nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) ở khu vực đông nam Ukraine, Nga có ảnh hưởng rất lớn đến "Tứ quốc ly khai" này, bao gồm Transnistria, Nagorno-Karabakh, Abkhazia và Nam Ossetia.

Trong đó, Transnistria nguyên thuộc Moldova, Abkhazia và Nam Ossetia chính thức tách ra khỏi Gruzia năm 2008, còn Nagorno-Karabakh là một vùng đất trước đây thuộc Azerbaijan, sau tách ra đòi độc lập và đi theo xu hướng sáp nhập vào Armenia.

Bốn quốc gia không được công nhận này duy trì quan hệ hữu nghị với nhau và hình thành một tổ chức không được thừa nhận là Cộng đồng vì Dân chủ và Quyền của các Dân tộc.

Trước đây, các quốc gia này được xếp vào dạng "xung đột lạnh" tức là không tiềm ẩn yếu tố gây chiến tranh.

Tuy nhiên, kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, những nhân tố tiềm ẩn đã được dịp bùng phát, có khả năng biến "xung đột lạnh" thành "xung đột nóng". Và hiện nay, xung đột quân sự đã bùng phát và chắc chắc sẽ lôi kéo cả Nga tham gia.

Nga sẽ nghiêng về ai trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh?

Nagorno-Karabakh là vùng đất phía Nam Caucasus, nằm giữa hạ Karabakh và Zangezur, bao phủ khu vực phía đông nam của núi Lesser Caucasus. Vùng này hầu hết là đồi núi và rừng và có diện tích 8.223 km2 (3.175 sq mi).

Phần lớn khu vực này nằm dưới quyền quản lý của Cộng hòa Nagorno-Karabakh - một quốc gia chưa được công nhận. Tuy nhiên, nó là một quốc gia độc lập trên thực tế, được tách ra và tuyên bố độc lập từ một phần lãnh thổ của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Azerbaijan, thuộc Liên Xô cũ.

Lãnh thổ này tuy được cộng đồng quốc tế xem là một phần của Azerbaijan, nhưng nước này vẫn chưa triển khai quyền lực trên phần lớn vùng lãnh thổ này từ năm 1991, hơn nữa, đại bộ phận nước cộng hòa này lại là người Armenia nên họ đã ngả về phía Yerevan và chống lại Bacu.

Trước khi Liên bang Xô viết chính thức sụp đổ (31-12-1991) không lâu, Nghị viện Nagorno-Karabakh đã tiến hành trưng cầu dân ý vào ngày 10-12-1991. Tuy bị cộng đồng người Azerbaijan tẩy chay nhưng với số lượng người Armenia áp đảo bỏ phiếu ủng hộ, vùng lãnh thổ này tuyên bố độc lập và tách khỏi Azerbaijan.

Sau khi kết thúc Chiến tranh Nagorno-Karabakh năm 1994, đại diện chính phủ Armenia và Azerbaijan đã tiến hành đàm phán hòa bình về tình trạng của khu vực với sự trung gian của Nga và Mỹ.

Tuy nhiên, các đàm phán này không giải quyết được vấn đề gì khi Azerbaijan cương quyết coi khu vực này thuộc lãnh thổ của mình, còn Armenia không chấp nhận yêu sách của đối phương.

Tuy từ đó đến giữa Azerbaijan và Armenia không có chiến tranh nhưng nguy cơ xung đột giữa 2 nước vẫn còn tiềm ẩn âm ỉ và có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong thời gian gần đây, sau khi cuộc chính biến trên quảng trường Độc Lập ở Kiev nổ ra, dẫn đến sự thay đổi chính quyền ở Ukraine.

Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ, Nga được coi là hậu thuẫn không chính thức cho Armenia trong các cuộc chiến trước đây và hiện nay Moscow cũng có quan hệ rất thân thiết với Yerevan.

Trong vòng mấy năm qua, mặc dù Liên minh châu Âu ra sức chèo kéo nhưng Armenia đã cương quyết từ chối ký thỏa thuận liên kết với EU và đã trở thành thành viên của Liên minh Thuế quan và Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga dẫn dắt.

Nước này cũng đã trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (ODKB), gồm 7 nước là Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Kyrgystan, đồng thời chịu sự bảo vệ của cái ô phòng không Moscow, khi được tích hợp vào hệ thống phòng không chung Nga-Armenia.