Bây giờ, sau khi biết nhiều hơn về bản chất điện của Mặt Trời, và lưu ý đến sự suy giảm hoạt động của nó, đã đến lúc xem xét cách mà một số điều chúng ta thảo luận có thể có liên hệ với, hay thậm chí gây ra, những hiện tượng tự nhiên khác thường trên Trái Đất.
Trước tiên, chúng ta cần khám phá một chi tiết quan trọng trong mô hình Vũ Trụ Điện: Đó là bản thân Trái Đất cũng giống như một tụ điện. Chúng ta biết rằng Trái Đất được cung cấp năng lượng bởi Mặt Trời thông qua gió mặt trời, thứ bao phủ và thâm nhập vào Trái Đất cùng tầng điện ly của nó và tích điện cho nó. Đây là lý do tại sao, bất chấp rất nhiều cú phóng điện giữa bề mặt Trái Đất và tầng điện ly (ví dụ dưới dạng sét), điện trường giữa Trái Đất và tầng điện ly không biến mất: nó thường xuyên được sạc bởi Mặt Trời.
Kết hợp với nhau, phần trên và phần dưới của bầu khí quyển Trái Đất có thể được coi như bong bóng cách điện hay lớp kép (DL) của nó. Tầng điện ly trải rộng từ độ cao khoảng 50 km đến hơn 500 km. Khu vực này bị ion hóa cao so với tầng khí quyển dưới thấp do tương tác trực tiếp của nó với bức xạ Mặt Trời. Hạt cơ bản từ Mặt Trời ion hóa các phân tử chủ yếu ở dạng khí của tầng điện ly. Trên thực tế, chính vì sự có mặt của những ion này mà tầng trên của khí quyển được gọi là tầng điện ly.
Điện tích của tầng điện ly là dương. Do điện tích của Trái Đất là âm, một điện trường theo chiều thẳng đứng tồn tại trong khí quyển giữa tầng điện ly và bề mặt Trái Đất. Như hình bên cho thấy, điện trường trong khí quyển có cường độ trung bình là 100 volt trên mét, mặc dù nó mạnh nhất ở xích đạo và giảm dần theo vĩ độ.
Bạn có thể tự hỏi, nếu một điện trường thẳng đứng như vậy tồn tại trong khí quyển, tại sao chúng ta không bị điện giật? Suy cho cùng, không khí xung quanh đầu chúng ta có điện thế cao hơn chân chúng ta khoảng 180 volt. Một lý do là bất chấp sự khác biệt lớn về điện thế, mật độ dòng điện trong không khí là cực kỳ nhỏ, chỉ khoảng 10-12 ampe trên mỗi mét vuông. Vì vậy, dòng điện bắt nguồn từ điện trường này, trong hầu hết các trường hợp, nhỏ đến mức hầu như không thể nhận thấy.
Hình dưới mô tả ảnh hưởng của hoạt động Mặt Trời lên điện trường trong khí quyển và từ lõi đến bề mặt của Trái Đất.
Ở bên phải hình, hoạt động Mặt Trời yếu, do đó Trái Đất nhận được ít gió mặt trời (mang điện tích dương) hơn (mũi tên nhỏ màu vàng). Do đó, điện thế tầng điện ly ít dương hơn và nó có xu hướng thu hút ít electron từ bên trong Trái Đất ra bề mặt của nó, khiến bề mặt Trái Đất ít tích điện dương hơn. Kết quả là điện trường giữa tầng điện ly và bề mặt Trái Đất (điện trường khí quyển) bị giảm đi (mũi tên nhỏ màu da cam ở hình bên phải).
Do số electron tự do thu hút từ bên trong Trái Đất ra bề mặt của nó ít hơn, điện trường giữa bề mặt Trái Đất và lõi của nó cũng nhỏ hơn (mũi tên hai chiều nhỏ màu đỏ ở hình bên phải).
Hãy nhớ lập luận rằng hoạt động yếu đi của Mặt Trời làm giảm điện trường trong khí quyển và giữa bề mặt - lõi Trái Đất, bởi vì nó sẽ là một yếu tố quan trọng giải thích cho nhiều hiện tượng tự nhiên bất thường mà chúng tôi sẽ xem xét trong các chương tiếp theo.
Chương 21: Sự gia tăng trong hoạt động sao chổi
Trong một chương trước, chúng tôi đề cập ngắn gọn đến sự gia tăng của hoạt động sao chổi trong thời gian gần đây. Trong chương này, chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng hơn hiện tượng này. Để làm vậy, chúng tôi sẽ tập trung vào những chủ đề phụ sau đây có tương quan trực tiếp với hoạt động sao chổi: sự gia tăng trong số cầu lửa (cầu lửa ở đây là các mảnh sao chổi đi vào khí quyển của chúng ta), ánh sáng mờ đi trên toàn cầu (liên quan đến sự gia tăng của bụi sao chổi trong khí quyển), sự gia tăng trong số sao chổi, tiểu hành tinh và vệ tinh tự nhiên mới được phát hiện (cả ba loại đều là vật liệu sao chổi với các kích thước khác nhau). Rồi chúng ta sẽ xem hoạt động gia tăng này được tường thuật bởi truyền thông chính thống như thế nào, và cuối cùng, chúng tôi sẽ nói đến một số hiệu ứng bất ngờ gây ra trên Trái Đất bởi hoạt động sao chổi.
Sự gia tăng trong số cầu lửa
Như chúng ta đã thấy trong chương 14, dữ liệu thu thập bởi AMS trong bảng dưới chỉ ra rằng số lượng các quả cầu lửa từ thiên thạch được xác nhận trong khí quyển của chúng ta đã gia tăng gần 700% trong giai đoạn 2005 - 2013. Hơn 2000 quả cầu lửa từ thiên thạch đã được quan sát và xác nhận tại Hoa Kỳ trong năm 2012; gần 3500 được quan sát trong năm 2013. Đó là sự gia tăng 64%.
Năm | Chỉ tiếng | Thay đổi theo năm | Chỉ mảnh vỡ | Thay đổi theo năm | Cầu lửa được xác nhận | Thay đổi theo năm | Tất cả báo cáo | Thay đổi theo năm |
2005 | 49 | / | 2 | / | 467 | / | 909 | / |
2006 | 41 | -16% | 1 | -50% | 517 | 11% | 923 | 2% |
2007 | 50 | 22% | 2 | 100% | 591 | 14% | 1231 | 33% |
2008 | 69 | 38% | 0 | -100% | 730 | 24% | 1604 | 30% |
2009 | 71 | 3% | 2 | / | 700 | -4% | 1885 | 18% |
2010 | 104 | 46% | 53 | 2550% | 954 | 36% | 2548 | 35% |
2011 | 183 | 76% | 517 | 875% | 1637 | 72% | 4625 | 82% |
2012 | 248 | 36% | 643 | 24% | 2151 | 31% | 6648 | 44% |
2013 | 337 | 36% | 929 | 44% | 3525 | 64% | 18459 | 178% |
Thay đổi 2005 - 2013 | 588% | - | 46350% | - | 655% | - | 1931% |
Lưu ý rằng sự gia tăng mạnh mẽ như vậy trong số quả cầu lửa được tường thuật (tăng 1931% trong giai đoạn 2005 - 2013) có rất ít khả năng chỉ là do sự gia tăng trong số người quan sát hay do sự gia tăng về danh tiếng của cơ sở dữ liệu AMS. Thật vậy, nếu đúng như vậy, số lượng các quan sát phải tiếp tục tăng năm này qua năm khác, nhưng điều đó đã không xảy ra. Ví dụ, giữa năm 2008 và 2009, số lượng quả cầu lửa được xác nhận giảm 4%.
Cơ sở dữ liệu AMS tập trung vào Hoa Kỳ, quốc gia chiếm ít hơn 2% bề mặt Trái Đất. Liệu chúng ta có thể suy ra từ đó rằng tổng số cầu lửa quan sát được trên khắp hành tinh trong năm 2013 là 50 lần số lượng quan sát được tại Hoa Kỳ? Nếu vậy, con số tổng cộng cho cả thế giới năm 2013 sẽ là gần 1 triệu lượt quan sát.
Sự gia tăng trong số quả cầu lửa được trông thấy không chỉ xảy ra ở Hoa Kỳ. Cùng một hiện tượng như vậy đã được ghi nhận tại Nhật Bản. Biểu đồ dưới là dữ liệu về số quả cầu lửa quan sát được thu thập bởi Mạng SonotaCo Nhật Bản.
Song song với sự gia tăng trong số quả cầu lửa quan sát được là số lượng gia tăng của các báo cáo về "tiếng nổ siêu âm", nghĩa là âm thanh nghe như tiếng nổ mà các nhân chứng thường thuật lại là đến từ trên cao, và chúng thường là không giải thích được vì nguồn gốc thông thường của những tiếng nổ siêu âm như vậy - máy bay phản lực phá vỡ hàng rào âm thanh - đã được loại trừ. Không có nhiều dữ liệu chính xác về hiện tượng này, nhưng cùng với các đồng nghiệp tại SOTT.net, chúng tôi đã thu thập hàng trăm báo cáo từ truyền thông trên khắp thế giới về những tiếng nổ siêu âm không giải thích được trong hơn mười năm qua. Nhìn chung, nó có vẻ như đã chuyển từ một hiện tượng xảy ra lẻ tẻ, có lẽ một lần mỗi tháng, thành thứ xảy ra quen thuộc hàng ngày. Ngay cả Wikipedia, một nguồn có xu hướng thiên về cách nhìn phù với khoa học chính thống (và thường là tha hóa) cũng liệt kê 39 báo cáo gần đây về những tiếng nổ siêu âm bí ẩn được thuật lại bởi truyền thông chính thống. Báo cáo đầu tiên là từ năm 2006, và hơn nửa số báo cáo được thuật lại trong năm 2012 và 2013 [Lưu ý là cuốn sách này xuất bản năm 2013.] Có vẻ như đây chỉ giới hạn trong những trường hợp mà nhà chức trách thấy buộc phải đưa ra lời phản hồi chính thức.
Các quả cầu lửa không chỉ gia tăng về số lượng, mà chúng còn gia tăng cả về khối lượng. Ngày 15/2/2013, một tiểu hành tinh với khối lượng ước tính 10.000 tấn đi vào khí quyển Trái Đất trên dãy núi Ural ở Nga và phát nổ tại độ cao khoảng 23 km trên thành phố Chelyabinsk.
Năng lượng phát ra bởi vật thể này là vào khoảng 500 kiloton, gấp 20 - 30 lần năng lượng giải phóng bởi quả bom nguyên tử mà chính quyền Hoa Kỳ thả xuống các thường dân của Hiroshima. Là vật thể lớn nhất rơi vào hành tinh này kể từ sự kiện Tunguska năm 1908, quả cầu lửa Chelyabinsk chiếu sáng chói gấp 30 lần mặt trời và sinh ra một làn sóng xung kích mạnh mẽ khiến hàng ngàn người bị thương từ mảnh kính bay do các cửa sổ của gần 8000 tòa nhà trong thành phố đều bị thổi bay vào, đồng thời bức xạ từ vụ nổ thiêu đốt mắt và da người dân.
Lượng vật chất sót lại trong khí quyển tạo thành một dải bụi mỏng nhưng tồn tại dai dẳng trong tầng bình lưu và được quan sát bởi một vệ tinh của NASA. Đến ngày 19/2, bốn ngày sau vụ nổ, lượng bụi đã được dòng jet stream đưa đi trọn vòng quanh bắc bán cầu và quay trở lại Chelyabinsk. Ba tháng sau, một vành đai bụi có thể quan sát được vẫn tồn tại dai dẳng quanh hành tinh.
Trong khi sự kiện Chelyabinsk là trung tâm của sự chú ý trong năm 2013, và nó xứng đáng được như vậy, nó vẫn chỉ là một trong số nhiều vụ nổ thiên thạch ngoạn mục trên bầu trời. Để bạn có thể hình dung về mức độ và sự đều đặn của những sự kiện này trên toàn cầu, hãy biết rằng vào cùng ngày với sự kiện Chelyabinsk, các nhà thiên văn đang theo dõi một tiểu hành tinh khác có vẻ không liên quan (2012 DA14) đang tiến đến điểm tiệm cận với Trái Đất. Tiểu hành tinh này được phát hiện một năm trước đó và được thảo luận thường xuyên trên các phương tiện truyền thông trong khi nó tiến đến gần. Lý do không chỉ là vì kích thước của nó tương tự như kích thước ước tính cho vật thể Tunguska mà còn vì nó bay qua bên trong quỹ đạo các vệ tinh địa tĩnh của NASA.
Chỉ hai ngày trước đó, vào ngày 13/2, một quả cầu lửa khác đã nổ tung trên bầu trời Caribbean, tạo ra một làn sóng xung kích làm rung chuyển nhà cửa ở Cuba đến tận móng. Hai ngày trước sự kiện này, vào buổi sáng ngày 11/2, một quả cầu lửa được quay lại bởi camera gắn trên một xe hơi đi trên đường cao tốc chỉ 250 km về phía tây Chelyabinsk.
Tối đi toàn cầu
Tối đi toàn cầu là sự suy giảm của lượng bức xạ mặt trời nhận được trên bề mặt Trái Đất trong điều kiện thời tiết tốt. Một trong những nguyên nhân chính của sự tối đi toàn cầu là bụi trong khí quyển. Rất nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng một quá trình tối đi toàn cầu đã và đang diễn ra trong nhiều thập kỷ.
Có một số tranh luận về việc liệu bụi trong khí quyển có gây ra một hiệu ứng ấm lên trên hành tinh này (vì nó hấp thụ nhiều bức xạ hơn nó phản xạ), hay nó gây ra một hiệu ứng lạnh đi (vì nó phản xạ nhiều hơn nó hấp thụ). Năm 2008, nhà khoa học khí quyển Richard Hansell kiểm nghiệm và đo đạc ảnh hưởng tổng thể của bụi trong khí quyển và kết luận rằng, mặc dù bụi trong khí quyển vừa hấp thụ vừa phản xạ bức xạ mặt trời, về tổng thể nó gây ra một hiệu ứng lạnh đi:
Phân tích cho thấy chỉ hơn nửa hiệu ứng làm lạnh của bụi được bù đắp bởi hiệu ứng làm ấm của nó. Phát hiện này, công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Địa Vật lý (Journal of Geophysical Research), giúp củng cố sự hiểu biết của các nhà khoa học về cách mà bụi tác động lên sự biến động của độ ẩm trong khí quyển và nhiệt độ bề mặt trên khắp hành tinh.Như có thể thấy trong hình trên, các nhà khoa học từ Viện Khoa học Đất, Nước và Môi trường phát hiện có sự suy giảm đáng kể, trung bình toàn cầu là 2,7% cho mỗi thập kỷ, trong lượng bức xạ mặt trời đến được bề mặt Trái Đất trong 50 năm qua.
Trong thập kỷ 90, xảy ra sự đảo ngược và hành tinh của chúng ta trải qua sự sáng lên tại một số vùng. Thế rồi, sau năm 2000, sự tối đi toàn cầu lại được khởi động lại và trở nên hỗn loạn hơn, với một số châu lục trải qua xu hướng ngược với xu hướng chung.
Theo khoa học chính thống, sự tối đi toàn cầu là do con người, gây ra bởi các hạt bụi nhỏ và khí lơ lửng trong khí quyển do công nghiệp hóa. Sự đảo ngược được nhận thấy trong thập kỷ 90 được cho là do lệnh cấm nhiều loại khí và các biện pháp chống ô nhiễm khác. Tuy nhiên, một bài viết xuất bản vào năm 2005 cho thấy rằng trong giai đoạn 1986 - 2000, mặc dù có sự tối đi ở mức độ nhẹ trên đất liền, sự sáng lên xảy ra chủ yếu trên các đại dương.
Nếu hoạt động của con người thực sự là nguyên nhân của sự tối đi toàn cầu, và sự cắt giảm trong nhiều loại khí con người sử dụng là nguyên nhân của sự sáng lên quan sát được trong thập kỷ 90, thì sự sáng lên trên đất liền lẽ ra phải được quan sát thấy, và có thể là sự sáng lên trễ hơn trên các đại dương (do lưu thông không khí), vì hầu hết các nguồn ô nhiễm công nghiệp nằm trên đất liền. Tuy nhiên, bài viết được nhắc đến ở trên cho thấy hoàn toàn ngược lại.
Kể từ năm 2000, sự tối đi đã được quan sát tại rất nhiều địa điểm, bao gồm cả Trung Quốc, Ấn Độ và toàn bộ nam bán cầu, bất chấp sự ô nhiễm do con người gây ra tương đối thấp hơn tại bán cầu ít được công nghiệp hóa hơn này. Chúng ta có thể suy ra rằng trong khi sự ô nhiễm của con người có thể ảnh hưởng tới lượng ánh sáng mặt trời đến bề mặt Trái Đất, rõ ràng nó không phải là nguyên nhân duy nhất, và ảnh hưởng của nó có lẽ là không đáng kể trong bối cảnh chung.
Không giống như ô nhiễm của con người, hoạt động sao chổi có thể, ít nhất là một phần, giải thích cả sự sáng lên quan sát được trên các đại dương vào thập kỷ 90 và sự tối đi toàn cầu từ năm 2000. Khoảng từ 40 đến 400 tấn vật chất vũ trụ được ước tính đi vào bầu khí quyển Trái Đất hàng ngày, hầu hết chúng đến dưới dạng bụi sao chổi. Tuy vậy, những ước tính từ nhiều năm trước này không kể đến sự gia tăng đột biến gần đây trong hoạt động sao chổi.
Nếu chúng ta tính đến sự gia tăng 655% trong số các quả cầu lửa đã được xác nhận (xem thống kê AMS ở trên) trong tám năm vừa qua, lượng bụi sao chổi đi vào bầu khí quyển Trái Đất sẽ cao hơn ước tính nói chung ít nhất là sáu lần; nghĩa là lượng bụi đi vào sẽ là khoảng từ 260 đến 2600 tấn.
Sự gia tăng trong số các tiểu hành tinh, sao chổi và vệ tinh
Những mảnh vụn và bụi này từ đâu đến? Vâng, đã có sự gia tăng đáng kể trong việc khám phá các tiểu hành tinh trong những thập kỷ gần đây: Vào năm 1980, có 9000 tiểu hành tinh được biết trong hệ mặt trời. Đến năm 2000, có 86.000. Đến năm 2007, có 380.000. Tính đến năm 2013, Trung tâm Hành tinh nhỏ của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế đã có dữ liệu về 1,1 triệu tiểu hành tinh.
Dữ liệu trong hình dưới nằm rải rác và được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau vì không có dữ liệu tập trung có hệ thống nào về các tiểu hành tinh được biết đến trong giai đoạn 1980 - 2013.
Trong số 1,1 triệu tiểu hành tinh được biết đến vào năm 2013, NASA công bố phát hiện NEO - Vật thể Gần Trái Đất nằm trên quỹ đạo cắt ngang Trái Đất - thứ 10.000 vào tháng 6/2013. Một con số đáng báo động, đặc biệt là khi chúng ta biết rằng hầu hết các NEO được phát hiện chỉ khi chúng bay qua sát Trái Đất, và rất thường xuyên là gần hơn khoảng cách đến mặt trăng. Một số ước tính khác đưa ra con số từ 100.000 đến 1.000.000 NEO chưa được phát hiện nằm trên những quỹ đạo cắt ngang Trái Đất tương tự, đưa con số ước tính về tổng số các tiểu hành tinh trong hệ mặt trời lên đến 100 triệu.
Số lượng sao chổi được phát hiện cũng gia tăng trong những năm gần đây. Hình dưới là dựa trên dữ liệu chính thức đưa ra bởi Hiệp hội Thiên văn Anh vào tháng 10/2013. Những cột màu cam thể hiện số sao chổi được xác định bởi dự án SOHO của NASA trong khi các cột màu xanh dương hiển thị tổng số sao chổi mới. Trong khi số sao chổi mới được phát hiện là gần như con số không vào đầu những năm 90 (ví dụ, chỉ có một sao chổi được phát hiện vào năm 1995, sao chổi 1995 O1 Hale-Bopp), đến năm 2000, hơn 150 sao chổi mới được phát hiện mỗi năm. Con số này tăng lên 265 vào năm 2009.
Lưu ý rằng số liệu từ năm 2009 đến 2013 chưa được hoàn thiện. Một khi cập nhật, tôi tin rằng con số cho những năm ấy sẽ cao hơn con số hiện tại.
Năm 2013 được tuyên bố một cách rất hợp lý là "Năm của Sao chổi", với số lượng lớn sao chổi hoạt động trong vùng lân cận mặt trời. Đến ngày 21/11/2013, 17 sao chổi có thể được quan sát bằng kính thiên văn nhỏ, trong đó 5 sao chổi có độ sáng từ +4 đến +7,5 (nghĩa là chúng có thể được quan sát bằng ống nhòm), và hai trong số đó (ISON và Encke) có thể được nhìn thấy bằng mắt thường.
Nhớ rằng đây chỉ là những sao chổi đã được xác định. Chúng đủ sáng để có thể được quan sát từ khoảng cách xa. Hầu hết "sao chổi" không phát sáng (như "tiểu hành tinh") và chúng chỉ phát sáng khi chịu stress điện gây ra bởi mặt trời do đi vào hệ mặt trời. Nếu căn cứ vào những sự kiện cầu lửa ngoạn mục trong năm 2013, năm 2014 có thể được dự đoán sẽ có nhiều điều ngạc nhiên từ vũ trụ hơn nữa dành cho chúng ta.
Tương quan trực tiếp với sự gia tăng trong số lượng sao chổi mới này, và cũng là một mảnh bằng chứng mạnh mẽ nữa chứng tỏ sự gia tăng trong hoạt động sao chổi, là con số ngày càng tăng của các "vệ tinh" tự nhiên quay quanh các hành tinh trong hệ mặt trời chúng ta. Ví dụ, vào năm 1974, Sao Mộc có 9 vệ tinh. Ngày nay, nó có 67 vệ tinh đã được xác định.
Hành tinh | 1975 | 2013 |
Sao Mộc | 9 | 67 |
Sao Thổ | 10 | 62 |
Sao Thiên Vương | 5 | 27 |
Lời giải thích thường được đưa ra cho sự đột biến trong số các vệ tinh này là kính thiên văn đã được cải thiện. Trong khi điều này có thể giải thích cho sự khám phá của một số vệ tinh mới, đặc biệt là những vệ tinh nhỏ, một số điều "bất thường" vẫn tồn tại. Nếu yếu tố duy nhất trong việc phát hiện các vệ tinh mới là độ mạnh của kính thiên văn, thì sau mỗi năm, chúng ta phải phát hiện được những vệ tinh ngày càng nhỏ hơn tại cùng một hành tinh, nhưng thực tế không phải vậy.
Một trong những vệ tinh mới quay quanh Sao Thổ được gọi là "Calypso" và được phát hiện vào năm 1980. Đường kính của nó là khoảng 20 km. Do vậy chúng ta có thể giả định rằng tất cả các vệ tinh phát hiện sau năm 1980 sẽ nhỏ hơn. Nhưng vào năm 2000, một vệ tinh mới của Sao Thổ gọi là "Siarnaq" được phát hiện từ một kính thiên văn trên mặt đất. Đường kính của nó là khoảng 40 km, nghĩa là 20 năm sau, một vệ tinh to gấp đôi Calypso mới được phát hiện, nhờ vào "công nghệ cải tiến".
Một lỗ hổng nữa trong giả định rằng những cải tiến trong công nghệ kính thiên văn là yếu tố duy nhất trong việc phát hiện các vệ tinh là sự ngắt quãng trong khám phá. Tiếp tục dùng Sao Thổ làm ví dụ, chúng ta nhận thấy rằng vào năm 1980, hành tinh này có 17 vệ tinh đã được xác định.
Từ năm 1981 đến 2000, chỉ có một vệ tinh nữa được phát hiện. Vệ tinh này là Pan, phát hiện vào năm 1990 từ bức ảnh mà tàu Voyager chụp vào năm 1980. Thế rồi, từ năm 2000 đến 2009, 44 vệ tinh được phát hiện.
Có phải chúng ta phải tin rằng trong hai thập kỷ (1980 - 2000), tiến bộ công nghệ hoàn toàn ngừng trệ? Có phải các nhà thiên văn học đã đình công? Có thể lập luận rằng tàu Voyager vào năm 1980 đã gửi về dữ liệu vượt trước thời đại và phải mất 20 năm để kính thiên văn trên Trái Đất bắt kịp về công nghệ và có được những bức ảnh với độ chính xác tương đương như những bức chụp từ tàu Voyager. Tuy vậy, cơ sở dữ liệu về các vệ tinh mới cho thấy ngay cả trong năm 1980, nhiều vệ tinh nhỏ đã được phát hiện bởi những đài quan sát trên mặt đất. Ví dụ, Calypso, vệ tinh nhỏ được nhắc tới ở trên, được phát hiện từ một đài quan sát trên mặt đất bởi Dan Pascu. Trên thực tế, vào năm 1980, năm mà tàu Voyager bay gần Sao Thổ, sáu vệ tinh mới được phát hiện, chỉ một nửa trong số đó là phát hiện bởi tàu Voyager. Nửa còn lại được phát hiện bởi các kính thiên văn mặt đất. Vậy là các đài quan sát mặt đất không hề tụt hậu về mặt công nghệ.
Một lời giải thích hợp lý hơn cho sự phát hiện đột ngột của những vệ tinh mới là trước khi được phát hiện, chúng đơn giản là không tồn tại; rằng các hành tinh chỉ mới có những vệ tinh mới gần đây.
Một điều kỳ lạ nữa là trình tự thời gian của sự xuất hiện các vệ tinh mới giữa các hành tinh với nhau. Từ dữ liệu có được, sau khoảng thời gian 20 năm không có vệ tinh mới nào được khám phá (thập kỷ 1980 và 1990), những hành tinh trong hệ mặt trời đột nhiên bắt đầu nhận được nhiều vệ tinh mới. Sao Thiên Vương bắt đầu nhận được hầu hết các vệ tinh mới của nó từ năm 1999, Sao Thổ từ năm 2000 và Sao Mộc từ năm 2001. Trình tự này rất thú vị bởi vì trong hệ mặt trời, Sao Thiên Vương là hành tinh thứ 7 kể từ Mặt Trời, Sao Thổ là thứ 6 và Sao Mộc là thứ 5.
Nếu việc phát hiện các vệ tinh mới là do tiến bộ công nghệ thì vệ tinh của hành tinh gần nhất lẽ ra phải được phát hiện trước. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Việc hành tinh xa nhất từ Mặt Trời nhận được vệ tinh mới trước gợi ý rằng những "vệ tinh" này có cùng một nguồn gốc, tiến đến Mặt Trời từ bên ngoài hệ mặt trời. Do vậy, các sao chổi hay tiểu hành tinh đi qua quỹ đạo của các hành tinh bên ngoài trước, và chúng chỉ đến gặp các hành tinh bên trong sau đó. Quỹ đạo hướng nội này (từ bên ngoài hệ mặt trời hướng đến trung tâm của nó) là phù hợp với mô tả của chúng tôi về quỹ đạo của Nemesis và đám mây sao chổi đi cùng nó. Một khi tiến vào hệ mặt trời, một số sao chổi trong đám mây đó sẽ bị thu hút bởi những thiên thể lớn nói chung, và Mặt Trời nói riêng.
Một ý kiến phản đối từ khoa học chính thống chống lại ý tưởng rằng các vệ tinh mới thực ra là sao chổi hoặc tiểu hành tinh mới bị bắt giữ là ở chỗ các vệ tinh được coi như một loại thiên thể hoàn toàn khác biệt. Nhưng thực ra có vẻ không có bất cứ sự khác biệt nào giữa chúng như chúng ta có thể thấy khi so sánh các hình dưới.
Sau nhiều năm chối bỏ, có vẻ giới thiên văn học chính thống đã nhận ra vấn đề và cuối cùng họ cũng thừa nhận rằng các vệ tinh có thể là những tiểu hành tinh bị bắt giữ. Một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế so sánh ánh sáng cực tím phản xạ từ bề mặt của Phobos, một trong hai vệ tinh của Sao Hỏa với tiểu hành tinh 624 Hektor và thiên thạch ở Hồ Tagish tìm thấy trên Trái Đất và kết luận chúng có "những điểm tương đồng mạnh mẽ".
Ai đó có thể nghĩ rằng với sự gia tăng gần đây của các vệ tinh, sao chổi, tiểu hành tinh và NEO (thiên thể gần Trái Đất) mới được phát hiện là do sự gia tăng đột ngột trong ngân sách NASA dành cho việc phát hiện các thiên thể. Trên thực tế, điều ngược lại đã xảy ra. Bộ phận vật lý thiên văn của NASA (bộ phận điều hành chương trình tìm kiếm các thiên thể) có ngân sách là 1,11 tỷ đôla trong năm 2007. Đến năm 2013, ngân sách đó giảm xuống còn 610 triệu đôla. Đó là sự suy giảm 45% trong sáu năm.
Nhận xét: Xem thêm các chương khác của cuốn sách Biến đổi Trái Đất và Mối Liên hệ Con người - Vũ trụ để hiểu thêm về quá trình biến đổi Trái Đất, trong đó bao gồm cả biến đổi khí hậu, đang diễn ra trên hành tinh này.