snakes in suits
© shutterstock.comRắn độc mặc complê: Những kẻ thái nhân cách
Điều không có gì bí mật là các chính trị gia có thể bị thúc đẩy bởi cái tôi rất lớn. Ý tôi là, có ai trong chúng ta thực sự nghĩ rằng họ xứng đáng được một ghế trong Quốc hội - hay một cái bàn ở Phòng Bầu dục?

Nhưng liệu chỉ cái tôi quá lớn có thể giải thích được tại sao rất nhiều quan chức được dân bầu bị bắt quả tang nói dối, ngoại tình, có những phi vụ tài chính khuất tất hoặc tham gia vào các hành vi tai tiếng khác? Không phải ai cũng tin vào điều đó, và một số người trong giới blog đã đi đến độ tự hỏi liệu các chính trị gia tai tiếng ấy thực chất có phải là những kẻ thái nhân cách không. Một bài viết gần đây trên tờ The Atlantic đã đặt câu hỏi như sau:
Liệu họ có thể đúng không? Nếu ý họ là những người trên chính trường là tà ác hay "điên rồ", thì có lẽ là không. Nhưng nếu họ chỉ chỉ ra rằng các chính trị gia và những kẻ thái nhân cách có nhiều điểm tương đồng thì họ có thể có ý đúng.
Nhưng là một kẻ thái nhân cách nghĩa là gì? Hóa ra thái nhân cách không phải là một chẩn đoán tâm thần chính thức mà là một thuật ngữ được phổ biến bởi nhà tâm thần học từ Trường Đại học Y Georgia, Hervey Cleckley, trong công trình kinh điển năm 1941 Mặt nạ của Sự Bình thường (The Mask of Sanity) của ông.


Nhận xét: Ngày nay, Bảng Kiểm tra Thái nhân cách - Có Sửa đổi (Psychopathy Checklist - Revised) phát triển bởi Giáo sư Robert Hare là công cụ có độ tin cậy cao cho phép xác định ai đó có phải thái nhân cách hay không. Thái nhân cách là một rối loạn nhân cách có thật và có thể được chẩn đoán một cách khách quan chứ không phải một nhãn hiệu đưa ra một cách vu vơ.


Những kẻ thái nhân cách bề ngoài có vẻ bình thường nhưng thường có xu hướng lạnh lùng, thiếu sự đồng cảm, ích kỷ, hay thao túng người khác, vô trách nhiệm và chống đối xã hội. Hoặc, như một bài viết năm 2007 trên tạp chí Khoa học Hoa Kỳ (Scientific American) viết:
Hấp dẫn bề ngoài, những kẻ thái nhân cách thường có xu hướng để lại ấn tượng tốt ban đầu cho những người khác và thường tỏ ra hoàn toàn bình thường đối với người quan sát. Tuy vậy, chúng rất ích kỷ, thiếu trung thực, không đáng tin cậy, và đôi khi chúng tham gia vào những hành vi vô trách nhiệm mà không vì lý do gì cả ngoài việc chỉ để cho vui... Những kẻ thái nhân cách thường xuyên đưa ra lời bào chữa cho các hành động liều lĩnh, thái quá của chúng, và đổ lỗi cho người khác.
Hừm. Đoạn trên có thể mô tả nhiều hơn một vài chính trị gia - mặc dù bạn và tôi có thể không đồng ý trong việc lựa chọn những ai là ứng cử viên cho danh hiệu thái nhân cách. Nhưng trước khi đi vào suy đoán thiếu căn cứ, tôi tìm đến Tiến sĩ Martha Stout. Là một nhà tâm lý học lâm sàng, người đã làm việc lâu năm với Khoa Y Trường Đại học Havard, bà là tác giả cuốn sách Kẻ Thái nhân cách ở Nhà bên (The Sociopath Next Door) và nhiều cuốn sách bán chạy khác về rối loạn cảm xúc (bao gồm cả một cuốn sắp xuất bản khám phá mối liên hệ giữa rối loạn cảm xúc và chính trị). Nhân tiện cũng nói thêm, Tiến sĩ Stout có xu hướng dùng thuật ngữ "thái nhân cách xã hội" (sociopath) thay vì "thái nhân cách" (psychopath). Bà giải thích với tôi rằng hai từ này thường được dùng thay thế cho nhau bởi các chuyên gia về sức khỏe tâm thần.


Nhận xét: Thực ra có sự khác nhau giữa hai thuật ngữ này. "Thái nhân cách xã hội" mang hàm ý rằng chứng thái nhân cách là do môi trường xung quanh và sự nuôi dưỡng gây ra, trong khi "thái nhân cách" không có hàm ý đó. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thái nhân cách là một rối loạn mang tính di truyền nên từ "thái nhân cách xã hội" là không chính xác.


Dù sao đi nữa, khi tôi hỏi Tiến sĩ Stout liệu có chút sự thật nào trong quan điểm rằng các chính trị gia có nhiều khả năng là thái nhân cách không, bà nói trong một email rằng không có thống kê đáng tin cậy nào để chứng minh hay bác bỏ giả thuyết ấy. Tuy nhiên, bất chấp việc thiếu bằng chứng, bà đưa ra một câu trả lời dứt khoát đến đáng ngạc nhiên cho câu hỏi của tôi:
Vâng, các chính trị gia có nhiều khả năng là thái nhân cách hơn những người bình thường trong cộng đồng nói chung. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ không tìm được chuyên gia nào trong lĩnh vực nghiên cứu thái nhân cách phản đối điều đó... Thực tế rằng có một thiểu số nhỏ trong xã hội loài người không có lương tâm theo nghĩa đen đã và đang là viên thuốc đắng đối với xã hội chúng ta - nhưng nó có thể giải thích được rất nhiều điều, một trong số đó là những hành vi dối trá trơ trẽn trong chính trị.
Trước kia, bà tiếp tục, từ thái nhân cách gợi lên hình ảnh những kẻ giết người hàng loạt. "Nhưng hóa ra, phần lớn những kẻ thái nhân cách chưa bao giờ tự tay giết một ai, và chúng cũng không bị bắt ở trong tù," bà nói. "Một kẻ thái nhân cách thông minh có thể tránh được nhà tù và tìm những cách khác ít bị chú ý hơn để thỏa mãn khao khát thống trị và kiểm soát người khác của hắn, và còn có cách nào tốt hơn là thông qua chính trị và các tập đoàn doanh nghiệp lớn?"

Chính trị gia nào đáng bị coi là thái nhân cách? Tiến sĩ Stout không muốn gọi tên chính trị gia nào còn sống, nói rằng sẽ là phi đạo đức nếu làm vậy. Nhưng bà nói với tôi qua email: "Tôi nghĩ rằng hầu hết các chuyên gia sẽ đồng ý rằng Hitler, Pol Pot, Nicolae Ceausescu và những kẻ tương tự là thái nhân cách. Nhưng một nhà lãnh đạo chắc chắn không cần phải là một tay độc tài khét tiếng để là thái nhân cách." Trên thực tế, bà nói, những kẻ thái nhân cách thường cực kỳ có tài lôi cuốn, điều khiển mọi người. Chúng có thể không cảm nhận được các "cảm xúc cao hơn" như tình yêu và sự hối lỗi, chúng có thể không có lương tâm, nhưng chúng nghiên cứu chúng ta, những người có những thứ đó, và đơn giản là bắt chước theo.

Một số người đưa ra giả thuyết rằng có những lúc chúng ta sẽ muốn các nhà lãnh đạo của chúng ta là người lạnh lùng, tính toán và thậm chí dối trá - ví dụ, trong cơn khủng hoảng hay khi an ninh quốc gia bị đe dọa. Nhưng phần lớn mọi lúc, tôi cho rằng sẽ là điều rất tồi tệ khi chúng ta bầu lên những người nghĩ rằng họ có thể nói và làm bất cứ điều gì bất chấp hậu quả.

Một người dân quan tâm đến vấn đề này có thể làm gì? Tiến sĩ Stout đưa ra một đề nghị không dễ thực hiện lắm: cùng với việc công bố chứng từ khai thuế và hồ sơ y tế (và đôi khi giấy khai sinh), có lẽ các ứng cử viên chính trị cần được yêu cầu chứng minh sức khỏe tâm thần của họ trước khi tên họ được đưa lên lá phiếu. Mặc dù những kẻ thái nhân cách đôi khi có thể đánh lừa cả những bác sĩ tâm thần có chuyên môn rằng chúng là người bình thường, Tiến sĩ Stout vẫn cho rằng những bài kiểm tra tâm lý được tiêu chuẩn hóa (và đến một ngày nào đó có thể là soi quét não) có thể cảnh báo cử tri về những ứng cử viên có các đặc điểm tính cách đáng lo ngại.

"Tôi không biết chúng ta có sẽ làm điều đó không," bà nói về việc kiểm tra tâm lý các chính trị gia. "Nhưng xem xét tầm quan trọng của vấn đề, đó có thể là một ý tưởng tốt."

Nếu việc kiểm tra tâm lý thực sự có thể phân biệt các nhà lãnh đạo vĩ đại và những thằng quái gở chuyên đi phá hoại, tôi ủng hộ ý tưởng ấy. Bạn nghĩ thế nào? Nếu bạn muốn tham gia thảo luận, xin vui lòng để lại nhận xét ở dưới.

Dịch bởi SOTT.net