Dutch Ruffe
© Michael Kooren / ReutersThủ tướng Hà Lan Mark Rutte bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về hiệp định liên kết giữa Liên minh châu Âu và Ukraine.
Đa số cử tri Hà Lan phản đối hiệp định liên kết EU-Ukraine và giới phân tích cho rằng đây là thắng lợi của nhà lãnh đạo Nga Putin.

Cái tát từ châu Âu

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức ngày 6/4 tại Hà Lan cho thấy có trên 61% cử tri nước này phản đối việc phê chuẩn hiệp định liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine.

Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu để trả lời câu hỏi "Bạn ủng hộ hay phản đối việc phê chuẩn hiệp định liên kết giữa EU và Ukraine?" đạt trên 30%, điều kiện cần thiết để cuộc trưng cầu ý dân được coi là hợp lệ.

Cuộc trưng cầu nêu trên không mang tính ràng buộc đối với Chính phủ Hà Lan. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định đây được xem là phép thử đối với EU và việc người dân phản đối thoả thuận sẽ là một "bước lùi" của Chính phủ Hà Lan, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EC).

Hiện chưa rõ Chính phủ Hà Lan sẽ phản ứng ra sao khi người dân chống lại thoả thuận liên kết này.

Ngay trước khi bắt đầu cuộc trưng cầu, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã kêu gọi cử tri ủng hộ hiệp định liên kết EU-Ukraine, cho rằng thoả thuận sẽ giúp mang lại "sự ổn định hơn cho khu vực biên giới ngoài EU" cũng như giúp Ukraine "xây dựng một nhà nước pháp quyền và một nền dân chủ".

Thoả thuận nêu trên được cho sẽ giúp tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa về kinh tế và chính trị giữa EU với Ukraine. Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng nó sẽ càng làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa EU với Nga và Ukraine.

Cho tới nay, Hà Lan là quốc gia duy nhất trong EU chưa phê chuẩn Hiệp định liên kết EU-Ukraine dù trước đó đã được Quốc hội nước này thông qua. Đáng chú ý, đây mới là cuộc trưng cầu ý dân thứ hai trong lịch sử hiện đại của Hà Lan.

Cuộc bỏ phiếu cho Nga?

Trước khi Hà Lan tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, giới phân tích thậm chí đã có ý kiến đánh giá đây là phép thử mối quan hệ với Nga

Theo đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tỏ ra bực bội khi các nhà hoạt động chống Brussels thành công trong việc yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu, cho rằng sự kiện này có thể trở thành một cuộc trưng cầu ý dân đối với một EU ngày càng không được lòng dân.

Những người ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân thậm chí còn quay sang "nhắc khéo" EU. Ông Bart Nijman, nhà sáng lập một trang mạng tin tức trào phúng đã nhận được hơn 300.000 chữ ký yêu cầu một cuộc bỏ phiếu về việc này, cho biết: "Chúng tôi muốn EU dừng lại để suy nghĩ và trước tiên hãy xóa bỏ những khiếm khuyết dân chủ" trong cách vận hành của mình.

Kết quả cuộc bỏ phiếu dù không thể vô hiệu hóa được hiệp định liên kết EU-Ukraine vốn đã được Quốc hội Hà Lan phê chuẩn và được 27 nước thành viên EU khác thông qua, song nó đẩy Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào một vị thế chính trị cực kỳ khó khăn.

Cho đến trước khi thảm họa này xảy ra, Hà Lan vẫn được xem như một trong những nước EU gần gũi nhất với Nga, với khối lượng hàng hóa Nga khổng lồ được vận chuyển qua cảng Rotterdam của Hà Lan và nhiều công ty Hà Lan đầu tư lớn tại Nga.

Trong khuôn khổ Đại hội thể thao Olympic mùa Đông Sochi 2014, người ta đã chụp được bức ảnh Nhà vua Hà Lan cùng thưởng thức bia Heineken với Tổng thống Putin mặc dù khi đó phần còn lại của châu Âu đang xa lánh Moskva trong bối cảnh những sự kiện trên quảng trường Maidan ở Kiev, Ukraine, đang lên đến đỉnh điểm.

Ông Harry van Bommel, thành viên Quốc hội và là người phát ngôn các vấn đề đối ngoại của đảng Xã hội cánh tả phản đối hiệp định liên kết EU-Ukraine, nói: "Không phải ủng hộ quan điểm của Putin nhưng chúng tôi hiểu Nga cảm giác rằng EU và NATO đang tiến về phía Đông bởi thực tế là như vậy".

Theo ông, việc phê chuẩn thỏa thuận này chỉ khiến quan hệ với Nga thêm căng thẳng và chẳng mang lại lợi ích cho ai bởi Nga và châu Âu đều cần nhau.

Đa số người Hà Lan cho rằng phản đối hiệp định liên kết sẽ là một thắng lợi cho ông Putin. Trong khi đó, có 44% tin rằng ủng hộ thỏa thuận đó sẽ đẩy mối quan hệ của Hà Lan với Nga vào nguy hiểm.

Mặc dù một số đảng phái trong Quốc hội Hà Lan nói rằng họ sẽ buộc phải tuân theo kết quả bỏ phiếu, nhưng Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Dijsselbloem nói: "Quan điểm của chính phủ là chúng ta sẽ tuân theo luật pháp", có nghĩa rằng chính phủ sẽ tìm cách bảo vệ hiệp định, dù kết quả có thế nào.


Nhận xét: Đây là một ví dụ của cái gọi là dân chủ phương Tây. Ý kiến của người dân chỉ được kể đến khi nó phù hợp với dự tính của tầng lớp lãnh đạo.


Trước cuộc trưng cầu ý dân, Đảng Lao động của Bộ trưởng Dijsselbloem, thuộc liên minh cầm quyền của Thủ tướng Mark Rutte, đã tiến hành chiến dịch với áp phích đăng ảnh chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy chống EU Geert Wilders ôm hôn ông Putin.

Joshua Livestro - nhà vận động cho phiếu "thuận" trong cuộc trưng cầu dân ý nói: "Bóng đen của ông Vladimir Putin đang lởn vởn quanh thỏa thuận này", đồng thời lập luận rằng kết quả bỏ phiếu "chống" sẽ hoàn toàn có lợi cho ông Putin.

Ông này nhấn mạnh: "Cuối cùng, có phải chúng ta sẽ trao cho ông Putin những gì ông ta muốn?".

Ám ảnh MH17

Chỉ hơn tuần trước ngày trưng cầu ý dân này, loạt vụ tấn công khủng bố tại Brussels đã phủ bóng lên chiến dịch vận động. Vụ tấn công đã trở thành vấn đề chính trị trọng tâm sau khi có tin rằng một trong những kẻ đánh bom liều chết đã bị trục xuất từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hà Lan năm ngoái.

Vấn đề đã buộc Chính phủ của Thủ tướng Rutte vào thế phải giải trình xem liệu họ lẽ ra đã có thể làm hơn nữa để ngăn chặn thảm họa xảy ra hay không.

Đặc biệt, giới phân tích cho rằng còn một vết thương lòng khác, xảy ra chính tại Đông Ukraine 2 năm trước đây, có ảnh hưởng đến cuộc trưng cầu ý dân này. Mối quan hệ của Hà Lan với Nga đã trở thành vấn đề nhạy cảm lớn sau vụ nổ máy bay chở khách số hiệu MH17 của hãng Hàng không Malaysia trên không phận Ukraine lúc đó đang do phe li khai kiểm soát hồi tháng 7/2014.

Tất cả 298 người trên chiếc máy bay xuất phát từ sân bay Schiphol của Hà Lan đã thiệt mạng, trong đó có 194 công dân Hà Lan.

Giới phân tích phương Tây phải thừa nhận việc cử tri Hà lan nói "không" với hiệp định liên kết EU-Ukraine trao cho Tổng thống Nga Vladimir Putin một chiến thắng trong cuộc khẩu chiến với phương Tây.