Formosa Hà Tĩnh
Dự án Formosa đang xây dựng
Nước xả thải đảm bảo theo quy chuẩn

Trước hiện tượng cá biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế chết hàng loạt, dư luận bày tỏ sự nghi ngờ tới việc biển Vũng Áng bị nhiễm độc và lây lan do nguồn nước thải từ khu công nghiệp chưa được xử lý.

Bên cạnh đó, kết quả quan trắc của Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc (thuộc Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ biển và do "nguồn nước bị nhiễm độc" chứ không phải do vi khuẩn gây bệnh.

Kết luận cũng nêu rõ "yếu tố gây độc trong môi trường nước" tại vùng biển Vũng Áng bắt đầu từ nguồn nước thải chưa được xử lý nhưng được đổ trực tiếp ra sông, biển, gây ô nhiễm nguồn nước, làm cá bị ngộ độc chết.

Trước những thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 22/4, Đại diện của Formosa tại Hà Nội khẳng định: "Việc cá chết hàng loạt không liên quan tới công ty chúng tôi, bởi hiện tại nhà máy chưa đi vào hoạt động, cuối tháng 6 chúng tôi mới đưa vào sản xuất, thậm chí còn không hoạt động được hết hiệu suất 100%".

Bên cạnh đó, theo vị đại diện trên, trong khu vực cống xả thải, cá vẫn sống bên trong rất nhiều, thậm chí rất khỏe. Bởi vì, cơ quan kiểm tra thường xuyên, không đến nỗi gây ô nhiễm như người dân nghi ngờ.

Công ty cũng thường xuyên lấy mẫu chất xả thải phân tích, lưu trong hệ thống máy vi tính, cứ 1h/lần lại lấy nước xả thải phân tích, tất cả đều là tự động. Tất cả chất xả thải đều theo tiêu chuẩn của Việt Nam quy định, mới được xả ra ngoài môi trường.

Việc người dân phát hiện đường ống xả thải tại đáy biển Vũng Áng, lo ngại sẽ ảnh hưởng đến môi trường biển, vị đại diện trên khẳng định: "Khi nước đã được xử lý đạt tiêu chuẩn thì chắc chắn sẽ không có chuyện ảnh hưởng đến môi trường.

Ống xả thải của chúng tôi đều có hệ thống quan sát tự động hằng ngày. Nước chảy chừng nào thì hệ thống sẽ lấy dữ liệu, gửi thông tin về máy chủ, tất cả được lưu hết. Nếu đạt tiêu chuẩn mới cho xả ra biển".

Phía Formosa cũng không hiểu nguyên nhân vì sao lại phát sinh hiện tượng cá chết trên vùng biển Việt Nam nhiều như vậy. Nhưng tại các địa điểm xả thải và ống xả thải ở KCN đều được lấy mẫu nước để xét nghiệm và hiện tại đang rất bình thường, đều đạt tiêu chuẩn của Bộ TN&MT Việt Nam.

Cũng theo vị đại diện trên, hiện nay chỉ có duy nhất một ống xả thải trong KCN rộng 1m, dài 1,5km, nằm sâu dưới lòng biển khoảng 17m, cách bờ biển 1,5km. Mỗi ngày tập đoàn xả ra 12.000 m3 nước xả thải nhưng mẫu nước đều đạt theo tiêu chuẩn nước xả thải công nghiệp của Việt Nam quy định.

"Chúng tôi rất bức xúc, khi cứ xảy ra sự cố, hay sự việc gì thì lại chỉ nghi ngờ cho Formosa, trong khi tại đây là tổ hợp của rất nhiều công ty khai thác. Bản thân chúng tôi cũng không muốn phá hủy đi danh tiếng của mình, nên không có chuyện làm việc trái pháp luật", vị đại diện này nhấn mạnh.

Không có chuyện không vào được KCN để kiểm tra

Về việc lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết rất khó vào kiểm tra KCN này, vị đại diện trên phản biện: "Hoàn toàn không có chuyện chúng tôi gây khó khăn cho các đoàn chức năng vào làm việc. Thế nhưng, đây là một nhà máy, một KCN, trong đó có nhiều bí mật, có bao nhiêu máy móc, nên không phải ai muốn vào cũng được.

Khi vào chắc chắn phải có chương trình báo trước, có giấy phép đồng ý của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, vì cả KCN rộng hơn 2000 ha, không ai quản lý được.

Bình quân 1 ngày, chúng tôi phải có 2-3 đoàn thăm quan, năm 2015 theo thống kê có hơn 600 đoàn vào thăm quan, đây không phải khu du lịch nên thích vào là vào, khi không có việc gì".

Còn nếu đã quyết định kiểm tra để tìm ra nguyên nhân cá chết, các cơ quan chức năng có thẩm quyền hãy liệt kê hàng loạt các công ty có thể gây ra ô nhiễm rồi đi kiểm tra toàn bộ các công ty đó, bởi ở đây, có rất nhiều tổ hợp nhà máy khác, không chỉ riêng Formosa.

Trước thông tin thời gian gần đây, Formosa có nhập về một lượng lớn chất tẩy rửa đường ống chảy tan vào nước biển, vị đại diện trên thừa nhận thông tin trên là có thật.

Vị đại diện cho biết: "Có việc nhập về lượng lớn chất tẩy rửa, vì khi hoạt động một thời gian dài, phải có chất tẩy rửa để tẩy đường ống, tránh tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên, chúng tôi không dùng nguyên chất axit mà có pha với nước.

Hơn nữa, chất tẩy sau khi rửa đường ống, đều được xử lý qua hệ thống mới cho thải ra biển. Thử hỏi xem có công ty nào không dùng chất tẩy rửa để làm sạch đường ống hay không, tôi chắc chắn công ty nào cũng sẽ dùng".

Thời gian này, bên Formosa chỉ có mong muốn và hi vọng các cơ quan nhà nước ở Việt Nam khi có sự cố phát sinh cần vào cuộc nhanh chóng, kịp thời để giải quyết, và xử phạt những ai làm sai, giải quyết mối nghi ngờ cho tập đoàn Formosa.