Television
Mười năm trước đây có một bộ phim Hollywood lớn mang tên "Idiocracy" được phát hành. Đó là phép ẩn dụ tuyệt vời cho những gì xảy ra với nước Mỹ trong suốt thập kỷ tiếp sau đó. Trong phim, một "người Mỹ trung bình" tỉnh giấc 500 năm sau trong tương lai và khám phá ra rằng ông ta là người thông minh nhất vượt xa cái xã hội đã bị "ngu đi" mà ông thấy mình trong đó.

Đáng buồn thay, tôi thực sự tin rằng nếu một người có trí tuệ trung bình ở những năm 1950 và 1960 được đưa đến năm 2016, có nhiều khả năng họ sẽ được coi là đại trí tuệ so với chúng ta. Chúng ta có một quốc gia nơi bọn tội phạm đang được trả tiền $1.000 mỗi tháng để không bắn người, và viên chức nhà nước được hưởng lương cao nhất trong hơn một nửa số bang là một huấn luyện viên bóng đá. Hầu như không ai có thì giờ để đọc sách nữa. Thế nhưng người Mỹ trung bình dành 302 phút một ngày xem truyền hình. 75% thanh niên của chúng ta không thể tìm thấy Israel trên bản đồ Trung Đông, nhưng họ chắc chắn biết làm thế nào để tìm trang web đen trên Internet. Có thể là khó tin nhưng ngày nay trên Internet có hơn 4 triệu trang web người lớn, và chúng có lượng người xem nhiều hơn Netflix, Amazon và Twitter cộng lại.

Cái quái gì đã xảy đến với chúng ta? Làm thế nào mà chúng ta đã trở nên quá ngu ngốc đến vậy? Theo một báo cáo mới phát hành gần đây, gần 10% sinh viên tốt nghiệp đại học của chúng ta tin rằng Judge Judy là thẩm phán Tòa án tối cao...
Hội đồng quản trị cựu sinh viên ACTA công bố báo cáo từng kỳ về những gì sinh viên biết:

Gần 10% sinh viên tốt nghiệp đại học được khảo sát nghĩ rằng Judith Sheindlin, người đóng vai "Thẩm phán Judy" trên show truyền hình, là thành viên Tòa án Tối cao Mỹ. Ít hơn 20% biết kết quả của Tuyên Ngôn giải phóng nô lệ. Hơn 1/4 không biết Franklin D. Roosevelt là tổng thống trong Thế chiến II; 1/3 không biết ông là người khởi đầu New Deal.
Có thể các con số như thế làm bạn buồn cười cho đến khi bạn nhận ra hết cuộc điều tra này đến cuộc điều tra khác đã cho ra những kết quả tương tự.

Chỉ cần xem xét những gì Newsweek phát hiện một vài năm trước đây ...
Khi gần đây Newsweek đề nghị 1.000 công dân Mỹ làm thử bài thi kiến thức công dân chính thức mà người nước ngoài phải làm trước khi nhận quốc tịch Mỹ, 29% không thể nhớ được tên phó tổng thống Mỹ. 73% không nói đúng lý do tại sao chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh lạnh. 44% không thể nói được Tuyên ngôn Nhân quyền là gì. Và 6% thậm chí không thể khoanh ngày Quốc khánh trên lịch.
Thậm chí tệ hơn nữa là những kết quả cực kỳ đáng thất vọng của một nghiên cứu tiến hành vài năm trước đây bởi Common Core ...
  • Chỉ có 43% số học sinh trung học Mỹ biết rằng cuộc Nội chiến đã diễn ra trong khoảng thời gian giữa 1850 và 1900.
  • Hơn 1/4 số học sinh trung học Mỹ cho rằng Christopher Columbus thực hiện chuyến đi nổi tiếng của mình qua Đại Tây Dương sau năm 1750.
  • Khoảng 1/3 số học sinh trung học Mỹ không biết rằng Tuyên ngôn Nhân quyền bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo.
  • Chỉ có 60% số sinh viên Mỹ biết rằng Thế chiến I đã diễn ra trong thời gian giữa 1900 và 1950.
Tất nhiên kết quả cuộc khảo sát có thể không chính xác, và phụ thuộc nhiều vào cách các câu hỏi được hỏi.

Tuy nhiên, ngay cả các nghiên cứu được tiến hành một cách khoa học cũng khẳng định dân Mỹ đã trở nên ngu ngốc đến mức nào. Trong thực tế, báo cáo của Educational Testing Service (ETS) thấy rằng người Mỹ đang tụt lại phía sau rất xa so với phần còn lại của thế giới công nghiệp. Sau đây là từ CBS News ...
Người Mỹ sinh ra sau 1980 đang tụt hậu so với đồng nghiệp của họ ở các nước khác nhau, từ Úc đến Estonia, theo báo cáo mới từ các nhà nghiên cứu tại ETS. Nghiên cứu xem xét điểm số văn và toán từ một thử nghiệm được gọi là Chương trình Đánh giá Năng lực Quốc tế Dành cho Người lớn. Chương trình này thử nghiệm khả năng của người dân ở 22 quốc gia.

Kết quả là đáng suy nghĩ, với những tác động nghiêm trọng đối với nước Mỹ. Nó gợi ý rằng sinh viên Mỹ có thể đã tụt hậu không chỉ trong những năm học phổ thông của họ, mà cả ở cấp đại học. Mặc dù nhiều người Mỹ trong độ tuổi từ 20-34 đang có mức độ giáo dục cao hơn, họ vẫn đang tụt lại phía sau so với lứa của họ ở các nước khác. Tại Nhật Bản, Phần Lan và Hà Lan, thanh niên chỉ bằng cấp trung học có điểm số tương đương với người Mỹ thế hệ Y có 4 năm đại học, báo cáo cho biết.
Trong số 22 quốc gia là một phần của nghiên cứu này, ETS phát hiện thấy người Mỹ đã đứng chết sau cùng về khả năng công nghệ, chết sau cùng trong toán học và chỉ có 2 nước hiện tồi tệ hơn Mỹ khi nói đến khả năng đọc thông thạo...
Một nửa người Mỹ có điểm thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu về khả năng đọc viết. Chỉ có 2 nước có điểm tồi hơn theo cách tính này: Italy (60%) và Tây Ban Nha (59%). Các kết quả của Mỹ thậm chí còn tồi tệ hơn trong môn toán, với gần 2/3 số khảo sát không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về hiểu biết và làm việc với các con số. Điều đó đặt người Mỹ thế hệ Y đứng chết cuối cùng trong môn toán trong số 22 quốc gia phát triển đã nghiên cứu.
Vậy tại sao điều này xảy ra?

Tại sao chúng ta lại trở thành quốc gia vô cùng ngu ngốc như vậy?

Vâng, ít nhất một phần lỗi lầm phải thuộc về hệ thống giáo dục của chúng ta. Sau đây là một đoạn trích từ bài viết của phóng viên Mark Morford. Trong bài viết này, ông chia sẻ về việc một trong những người bạn của mình, từng làm giáo viên trường trung học ở Oakland - California một thời gian rất dài, đang cân nhắc đi khỏi đất nước khi ông nghỉ hưu do sự "ngu hóa không ngừng của bộ não người Mỹ " ...
Nó đã trở nên tồi tệ đến mức một người bạn của tôi đã gần nghỉ hưu nói rằng ông đang rất nghiêm túc cân nhắc việc chuyển ra nước ngoài để thoát khỏi cái mà ông biết sẽ là sự sụp đổ chắc chắn của xã hội Mỹ trong vài năm tới do sự phá hủy hoàn toàn không thể chối cãi, sự ngu hóa gây sốc và gần như không phương cứu vãn của bộ não người Mỹ.

Bây giờ, bạn có thể nghĩ ông ấy chỉ đơn thuần là một người cay cú, một giáo viên già mệt mỏi đã ngừng dạy từ lâu. Không đúng. Dạy học là cuộc đời của ông ấy. Ông nói ông yêu học sinh của mình, yêu nghề giáo dục và yêu việc làm tâm trí giới trẻ thức tỉnh. Vấn đề là, ông thấy điều đó xảy ra ít hơn rất nhiều so với trước.
Và tất nhiên mọi thứ chẳng tốt hơn lên khi nói đến sinh viên đại học của chúng ta. Trong một bài viết trước, tôi đã chia sẻ số liệu thống kê từ USA Today về tình trạng xuống cấp nhanh chóng của giáo dục đại học Mỹ...
  • "Sau 2 năm đại học, 45% sinh viên không nhận được lợi ích gì đáng kể trong việc học tập; sau 4 năm, 36% thấy không có mấy thay đổi. "
  • "Sinh viên dànhthời gian để học ít hơn 50% so với vài thập kỷ trước".
  • "35% sinh viên bỏ ra 5 giờ hoặc ít hơn mỗi tuần để tự học".
  • "50% nói rằng họ không bao giờ đến lớp nơi mà họ phải viết hơn 20 trang bài học trong một học kỳ bình thường."
  • "32% không bao giờ đến lớp nơi họ phải đọc hơn 40 trang mỗi tuần trong một học kỳ bình thường."
Tôi đã trải qua 8 năm học tại một số trường đại học công tốt nhất cả nước, và tôi có thể cho bạn biết từ kinh nghiệm cá nhân rằng, ngay cả các khóa đại học khó nhất của chúng ta cũng đã bị ngu hóa đi một cách thảm hại.

Còn tại các trường ĐH công "thấp hơn tốt nhất" của chúng ta, trình độ giáo dục giống như một trò đùa độc ác. Trong bài viết trước, tôi đã chia sẻ một số ví dụ về các khóa học thực tế được giảng dạy tại các trường ĐH Mỹ những năm gần đây Bạn có thể tưởng tượng được nhận được tín chỉ đại học thực sự từ một khóa học mang tên "Nếu Harry Potter là có thực thì sao?"

Đây là lý do tại sao nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH của chúng ta chỉ có trình độ vừa đủ để đặt hai câu lại cùng với nhau. Họ không được thử thách chút nào, và chất lượng giáo dục mà hầu hết họ nhận được là vô cùng tồi tệ.

Nhưng ngay cả khi không bị thử thách, các sinh viên phải mất nhiều thời gian hơn bao giờ hết để tốt nghiệp ĐH. Thống kê liên bang cho thấy chỉ có 36% sinh viên toàn phần tốt nghiệp sau 4 năm, và chỉ có 77% sinh viên toàn phần giành được bằng cử nhân sau 6 năm.

Tất nhiên hệ thống giáo dục của chúng ta không phải là có lỗi hoàn toàn. Sự thật là giới trẻ Mỹ dành quá nhiều thời gian cho phương tiện truyền thông hơn là họ đánh vật với những cuốn sách, và những gì được coi là "giải trí" ngày nay đang nhanh chóng biến não họ thành bã đậu.

Theo một báo cáo được đưa ra bởi Nielsen, dưới đây là lượng thời gian một người Mỹ trung bình dành cho truyền thông trên các thiết bị khác nhau mỗi ngày...
  • Xem truyền hình trực tiếp: 4 giờ, 32 phút
  • Xem truyền hình ghi lại: 30 phút
  • Nghe các đài phát thanh: 2 giờ, 44 phút
  • Sử dụng smartphone: 1 giờ 33 phút
  • Sử dụng Internet trên máy tính: 1 giờ, 6 phút
Khi bạn cộng tất cả vào, một người Mỹ trung bình dành hơn 10 giờ mỗi ngày cắm mặt vào một số hình thức truyền thông.

Và nếu bạn cho phép bất cứ ai nhồi "chương trình" vào tâm trí bạn 10 giờ mỗi ngày, nó sẽ có một tác động đáng kể.

Suy cho cùng, tôi thực sự tin rằng tất cả chúng ta đánh giá quá thấp ảnh hưởng của truyền thông lên tất cả chúng ta. Chúng ta sẵn sàng cắm mặt vào "ma trận" truyền thông bất tận, nhưng rồi bằng một cách nào đó chúng ta vẫn nghĩ chúng ta có thể "tự suy nghĩ".

Có rất ít người trong số chúng có thể nói rằng họ đã không bị trải qua hàng ngàn rồi lại hàng ngàn giờ nhồi sọ. Và tất cả những thứ rác rưởi đó khiến cho việc suy nghĩ một cách rõ ràng trở nên rất khó khăn.

Không phải là vì thiếu thông tin mà xã hội chúng ta đã trở thành quá ngu ngốc như vậy. Vấn đề lớn là ở chỗ những gì chúng ta đang cho vào tâm trí của chúng ta.

Nếu chúng ta tiếp tục cho rác rưởi vào, chúng ta sẽ tiếp tục nhận được rác rưởi ra. Đó là sự thật lạnh lùng, nghiệt ngã của vấn đề.

Dịch bởi Blog Thời Thổ Tả