Russia's RD-180 rocket engine
Động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Nga có độ tin cậy và hiệu quả rất cao
Mặc dù đã vạch ra nhiều kế hoạch thay thế nhưng cuối cùng Mỹ vẫn phải cắn răng chấp nhận mua động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Khó chịu nhưng phải mua

Các quan chức Lầu Năm Góc và chính khách Mỹ đã nhiều lần phàn nàn về thực trạng ngành hàng không vũ trụ nước này quá phụ thuộc vào Nga khi tiếp tục phải bỏ ra hàng tỷ USD phải mua động cơ tên lửa đẩy và mua ghế ngồi trên tàu vũ trụ Nga để lên trạm không gian ISS.

Ngày 28-4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã dùng cụm từ "sự cần thiết khó chịu" khi đề cập đến vấn đề nước này tiếp tục phải chi hàng tỷ dolars trong hàng chục năm tới để mua động cơ tên lửa đẩy và "xí chỗ" trong các tàu vũ trụ Nga để bay lên quỹ đạo.

Ông Carter phát biểu trong cuộc điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ rằng, Bộ quốc phòng nước này bao giờ cũng muốn nước mình có được hai hoặc nhiều hơn các nhà cung cấp dịch vụ phóng hoàn toàn là của Mỹ, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì điều này là chưa khả thi.

Theo ông, về kỹ thuật thì Mỹ vẫn có phương án thay thế là phóng tên lửa đẩy Delta, nhưng giá thành mỗi vụ phóng tên lửa này lại quá đắt. Do đó, Lầu Năm Góc đã chọn tên lửa đẩy Atlas, chấp nhận thực tế khó chịu là cần mua thêm đến 18 động cơ RD-180 do Energomash sản xuất, cho tên lửa đẩy Atlas.

Hiện United Launch Alliance (ULA) - liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing đang sử dụng động cơ RD-180 trong giai đoạn đầu tiên của tên lửa Atlas, để cạnh tranh với SpaceX - công ty tư nhân cũng đang chế tạo động cơ của mình. Thiếu RD-180, liên danh này sẽ thất thế trước SpaceX.

Các quan chức Lầu Năm Góc nhiều lần thừa nhận rằng, mặc dù không muốn "cấp" thêm tiền cho ông Putin phát triển công nghệ quân sự nhưng nước này vẫn buộc phải mua các động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Nga, để phục vụ cho ngành hàng không vũ trụ, cả dân dụng lẫn quân sự của nước mình.

Động cơ Nga RD-180 được Mỹ sử dụng trong các tên lửa Atlas V, thực hiện các vụ phóng các thiết bị hàng không vũ trụ của không quân Hoa Kỳ, cơ quan an ninh quốc gia (NSA) hay Cục tình báo Trung ương (CIA) cũng như phục vụ sứ mệnh khoa học và nghiên cứu của NASA.

Việc các quan chức Lầu Năm Góc tiếp tục yêu cầu Quốc hội Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt để mua ngày càng nhiều động cơ tên lửa Nga đã vấp phải sự phản đối gay gắt trong Quốc hội. Các nghị sỹ kêu gọi phải giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực không gian.

Người đứng đầu Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ John McCain đã bày tỏ sự bất bình về yêu cầu của quân đội. Theo ông, ngân sách quân sự không thể chấp nhận chi 300 triệu USD từ nguồn lực quốc phòng quý giá của Mỹ để "trợ cấp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngành vũ khí Nga".

Mỹ muốn thoát Nga cũng không dễ

Không chỉ mất gần 20 triệu để mua một động cơ tên lửa đẩy Nga, ngành hàng không vũ trụ Mỹ còn tiêu tốn hơn 80 triệu USD để mua lấy một suất bay lên quỹ đạo trên các tàu vũ trụ Soyuz của Nga. Tính từ năm 2000 đến nay, ngành hàng không vũ trụ Mỹ đã phải chi hàng chục tỷ USD cho Nga.

Tháng 8-2015, người đứng đầu NASA là ông Charles Bolden đã thể hiện sự "bất bình" với quốc hội Mỹ trong bài báo viết cho tạp chí Wired với tựa đề "Quốc hội, đừng bắt chúng tôi quá giang tàu Nga", bởi các phi hành gia nước này tiếp tục phải bay tới Trạm không gian quốc tế ISS trên tàu vũ trụ Nga.

Trong bài viết, ông Bolden bày tỏ thái độ không hài lòng, sau khi NASA vừa gia hạn hợp đồng với Roscosmos, vận chuyển 6 phi hành gia Mỹ lên trạm ISS với giá 490 triệu USD, một cái giá "cắt cổ" hơn 80 triệu USD cho mỗi chỗ ngồi trên tàu vũ trụ Nga.

Ông Bolden viết trong bài báo rằng, tuy các chuyến bay vũ trụ là khó khăn phức tạp, nhưng Mỹ có 2 sự lựa chọn rất đơn giản: Một là đầu tư cho doanh nghiệp nước mình phát triển kỹ thuật, phục vụ tương lai lâu dài; hai là mang dollar của người nộp thuế Mỹ biếu cho Nga.

Trong nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào các hợp đồng cung cấp tên lửa đẩy của Nga, tháng 3 vừa qua, Bộ quốc phòng Mỹ đã quyết định ký liền 2 hợp đồng chế tạo động cơ tên lửa đẩy vũ trụ với các công ty chế tạo thiết bị hàng không Aerojet Rocketdyne và United Launch Services.

Trong đó, Aerojet Rocketdyne có nhiệm vụ chế tạo nguyên mẫu động cơ tên lửa đẩy AR1 theo một hợp đồng trị giá 115 triệu USD. Khả năng tổng ngân sách đầu tư quốc gia cho kế hoạch này sẽ lên tới 536 triệu USD.

Còn United Launch Services nhận trọng trách thiết kế tên lửa đẩy Vulcan BE-4 với động cơ đẩy ACES. Công ty này được trao một hợp đồng trị giá 47 triệu USD, khả năng tổng số tiền đầu tư quốc gia sẽ đạt tới 202 triệu USD.

Theo các điều khoản của hợp đồng, kế hoạch phát triển phải được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31-12-2019, tức là sau gần 4 năm nữa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để chế tạo được một loại động cơ đáng tin cậy như RD-180, các công ty Mỹ sẽ phải mất tới hàng chục năm nữa.

Ngoài ra, các công ty hàng không vũ trụ Mỹ cũng mất ngần ấy thời gian để chế tạo những con tàu vũ trụ vận tải và tên lửa đẩy chuyên phóng vệ tinh, để có thể chuyên chở phi hành gia và chuyên chở hàng hóa lên ISS và phóng những vệ tinh quân sự, dân sự.

Do đó, trong khoảng thời gian hàng chục năm nữa, ngoài số tiền đầu tư cho ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ quốc nội để chế tạo động cơ tên lửa và tàu vận tải mới, Mỹ sẽ còn phải chi hàng chục tỷ USD cho Nga để lấp chỗ trống từ nay đến giai đoạn đó.