temer
Tổng thống lâm thời Brazil Michel Temer
Mỹ đang có nhiều hoạt động nhằm kích hoạt điểm nóng tại Mỹ La tinh, đặc biệt là các quốc gia Brazil và Venezuela.

Tổng thống tạm quyền Brazil bị tình nghi là gián điệp Mỹ

Ngày 13/5, trang mạng Wikileaks dựa vào các bức điện tín từ năm 2006 cho rằng, Tổng thống tạm quyền của Brazil, ông Michel Temer đã cung cấp thông tin tình báo chính trị cho Hội đồng An ninh Quốc gia và quân đội Mỹ trong quá trình ông làm lãnh đạo Đảng phong trào Dân chủ (PMDB).

Chia sẻ trên Twitter, WikiLeaks cho biết: "Tổng thống mới của Brazil là người cung cấp tin tức (đại sứ) cho quân đội và tình báo Mỹ".

Theo nguồn tin, hồi tháng 1 và tháng 6/2006, trong 2 bức điện tín được đánh dấu "Nhạy cảm", ông Temer đã chuyển cho Bộ tư lệnh miền nam Mỹ ở Miami và Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ cùng nhiều đối tượng khác những quan điểm của ông về sự thống nhất trong đảng và trong các cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào thời điểm đó.

"Tổng thống lâm thời của Brazil, ông Temer, là người cung cấp thông tin đại sứ quán cho quân đội và tình báo Mỹ", Wikileaks khẳng định.

Tiết lộ gây chấn động nói trên của WikiLeaks được đưa ra trong bối cảnh Brazil đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Hôm 12/5, từ cương vị Phó tổng thống, ông trở thành tổng thống lâm thời của Brazil sau khi Tổng thống Dilma Rousseff bị đình chỉ trong vòng 180 ngày để chờ luận tội do những cáo buộc về che giấu thâm hụt ngân sách quốc gia.

Phát biểu trước Nội các mới, ông Temer bày tỏ tin tưởng rằng quốc gia Mỹ Latinh này sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị và các bê bối tham nhũng.

"Lời đầu tiên của tôi tới người dân Brazil đó là từ "tin tưởng". Hãy tin tưởng vào các giá trị đã hình thành nên tính cách của mỗi con người Brazil. Với sức sống của nền dân chủ Brazil, hãy tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế đất nước", ông Temer nói.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Tổng thống tạm quyền sẽ đối mặt với hàng loạt các thách thức mà Brazil đang phải giải quyết. Nổi tiếng với biệt danh "nhà đàm phán ẩn danh khéo léo" nhưng uy tín của ông Temer vẫn không phổ biến trong thời gian làm Phó Tổng thống.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, trong khi tỉ lệ ủng hộ của bà Rousseff giảm xuống dưới 10%, ông Temer cũng chỉ nhận được 1 đến 2% số phiếu ủng hộ trong các cuộc bầu cử Tổng thống.

President Maduro
© EPATổng thống Venezuela Nicolas Maduro
Venezuela lên kịch bản quân sự, đối phó âm mưu Mỹ


Cùng với Brazil, tình hình Venezuela hiện nay cũng đang trở nên hết sức căng thẳng dưới bàn tay của Mỹ.

Hãng tin Lenta của Nga ngày 13/5 dẫn các nguồn tin phương Tây cho biết, các nhà phân tích tình báo Mỹ tin rằng Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro, sẽ bị các thành viên đảng Xã hội Thống nhất "lật đổ" trước khi ông hoàn thành nhiệm kỳ của mình vào năm 2016.

"Tổng thống Maduro có thể sẽ buộc phải từ chức trong một cuộc đảo chính bằng phiếu bầu vào năm tới", giới tình báo Mỹ khẳng định.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do nền kinh tế của Venezuela đang lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc do các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng như sự sụp đổ của giá dầu.

Ngoài ra, một số bộ phận quần chúng Venezuela tỏ ra thất vọng với các chính sách cải cách của Tổng thống Maduro và lo ngại rằng ông có thể sẽ phá hỏng di sản chống đói nghèo của cố Tổng thống Hugo Chavez.

Trước những cảnh báo mới từ Mỹ, dường như ngay lập tức chính quyền Tổng thống Venezuela đã lên kịch bản quân sự nhằm đối phó.

Ngày 14/5, phát biểu trước những người ủng hộ, ông Nicolas Maduro đã yêu cầu tập trận quân sự vào cuối tuần tới trong bối cảnh làn sóng biểu tình yêu cầu ông từ chức gia tăng.

"Vào thứ 7 tuần tới, tôi kêu gọi các lực lượng vũ trang và quân đội tiến hành cuộc tập trận quân sự quốc gia nhằm chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Đất nước chúng ta đang bị xâm phạm và chúng ta phải làm cho các thế lực bên ngoài phải tôn trọng Venezuela", ông Maduro tuyên bố.

Trước đó ngày 13/5, phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Nicolas Maduro đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước nhằm đối phó với những âm mưu của phe đối lập nước này cũng như các thế lực bên ngoài hòng lật đổ chính phủ cánh tả của ông.

Tổng thống Maduro cho biết lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài trong vòng 60 ngày, song không nêu cụ thể các biện pháp được triển khai.

Ông Maduro nhấn mạnh sẽ không từ bỏ vị trí tổng thống đồng thời cáo buộc Mỹ xúi giục và đứng đằng sau âm mưu lật đổ ông. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Caracas cũng đề cập tới việc đình chỉ chức vụ tổng thống Brazil của bà Dilma Rousseff như là một dấu hiệu cho thấy ông có thể là người tiếp theo.

"Mỹ đang kích hoạt các biện pháp thể theo yêu cầu của phe cực hữu Venezuela vốn đang được tiếp thêm quyết tâm từ cuộc đảo chính ở Brazil".

Theo ông Maduro, tình trạng khẩn cấp giúp bảo vệ quốc gia khỏi các đe doạ từ bên ngoài và bên trong dù không đề cập các biện pháp đối phó cụ thể.

Trước đó, đầu tháng 3 vừa qua, nhà lãnh đạo Caracas đã chỉ thị xem xét lại "toàn diện" mối quan hệ với Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định gia hạn thêm một năm sắc lệnh coi Venezuela là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Caracas và nhiều nước Mỹ Latinh khác, gồm Cuba, đã phản đối quyết định này của ông Obama.