NATO meeting
© AP Photo/ Virginia Mayo
Lần đầu tiên kể từ năm 2006, Chính phủ Đức đang chuẩn bị cập nhật "Sách Trắng", văn kiện chỉ đạo về chính sách an ninh quốc gia của nhà nước.

Đáng chú ý là trong cuốn sách này Moscow không còn được xem là "đối tác" như trước, mà là "đối thủ".

"Moscow đang xúc tiến lợi ích riêng của mình bằng phương pháp vũ lực và tự quyền thay đổi biên giới hợp pháp được bảo đảm bởi pháp lý quốc tế, và do đó tạo thành mối đe dọa cho trật tự thế giới ở châu Âu vốn đã hình thành sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh", một quan chức Đức biên soạn "Sách Trắng" tiết lộ.

"Sách Trắng" cũng khẳng định Nga đang "quay lưng với phương Tây, tăng cường chiến lược cạnh tranh và đẩy mạnh hoạt động quân sự trên biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu".

Trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn Nga ngày 6/6, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói: "Nếu thông tin về phiên bản 'Sách Trắng' tương ứng với thực tế, thì điều đó khiến Nga thực sự quan ngại.

Bởi vì ở đây chúng ta đang nói đến tình trạng thiếu hiểu biết về bản chất lập trường của phía Nga, vốn luôn được nêu rõ, có tính chất nhất quán và không hướng tới đối đầu, mà chính hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về điều này là cơ sở để tạo lập bầu không khí hiệp lực với nhau và hợp tác cùng có lợi trên lục địa Âu".

Trái ngược với những nhận định trong Sách Trắng, trước đó 2 ngày, báo Frankfurter Allgemeinedẫn tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ ủng hộ ý tưởng Nga từng bước xích lại với châu Âu, cho tới khi hình thành một khu vực kinh tế chung.

"Tôi ủng hộ việc Nga từng bước xích lại không gian kinh tế châu Âu, để cuối cùng chúng ta có một khu vực kinh tế chung từ Lisbon đến Vladivostok.", bà Merkel nói tại Đại hội của Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).

Bà Merkel cũng nhắc lại luận điểm của mình sẵn sàng "chấm dứt ngay lập tức các biện pháp trừng phạt Nga" sau khi Moskva thực thi các thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) không thể thỏa hiệp nguyên tắc của mình trong bối cảnh "các hành động của Nga ở Ukraine."

Cuối tháng Năm vừa qua, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng đã nêu khả năng từng bước bãi bỏ các biện pháp trừng phạt Nga nếu đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tình hình Donbass.

Ông Steinmeier khẳng định: "Trừng phạt không phải là mục tiêu. Và đương nhiên trừng phạt không phải là phương tiện để buộc đối tác khác phải quỳ gối. Không ai quan tâm đến việc hủy hoại kinh tế Nga."

Ngoại trưởng Đức cho rằng trừng phạt cần là sự kích thích cho "hành vi chính trị, hướng tới chấm dứt xung đột".

Theo nhà ngoại giao Đức, các biện pháp trừng phạt không phải là công cụ để khuất phục đối tác. Ông cho rằng không ai mong muốn phá huỷ hoàn toàn nền kinh tế Nga, điều chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích gì cho an ninh ở châu Âu.

Trước đó, nhà ngoại giao hàng đầu của nước Đức cũng nói rằng, ông đánh giá cao sự đóng góp của Nga trong tiến trình hoà bình ở Syria đồng thời lên tiếng kêu gọi tăng cường sự hợp tác giữa Moscow và phương Tây.

"Thoả thuận ngừng bắn, việc các phái đoàn nhân đạo được tiếp cận với những khu vực gặp khó khăn ở Syria, sự khởi đầu của tiến trình đàm phán tại Geneva - tất cả những điều này đều không thể có được nếu không có sự tham gia, đóng góp mang tính xây dựng của Nga", Ngoại trưởng Đức Steinmeier thừa nhận.

Những phát biểu trên của Ngoại trưởng Steinmeier đã cho thấy, giới chức Đức không chỉ thừa nhận mà còn đề cao vai trò của Nga trong việc tháo gỡ tình hình ở Syria - một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của thế giới. Đây là điều khá bất ngờ trong bối cảnh Đức đang cùng phương Tây tham gia cuộc đối đầu căng thẳng với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trước khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, Nga và Đức vốn được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Người Đức có tình cảm sâu đậm với người Nga và ngược lại người Nga cũng dành tình cảm thắm thiết cho người Đức. Điều này xuất phát từ mối quan hệ đầy duyên nợ về mặt lịch sử giữa hai nước cũng như sự gần gũi về mặt địa lý.

Đối với rất nhiều người dân Đức, người Nga là những người giải phóng họ, đã cứu Berlin và nước Đức thoát khỏi vòng tay của thế lực phát xít hung bạo. Người dân Đức thực sự biết ơn những gì mà người Nga làm cho họ trong cuộc chiến chống phát xít.

Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.