protester signs okinawa japan
© Toru Yamanaka /AFP/Getty Images
Sau vụ một lính Mỹ bị cáo buộc cưỡng hiếp và giết một người phụ nữ Nhật Bản, người dân Nhật vẫn đang rất phẫn nộ.

Hàng chục nghìn người Nhật đã tụ tập trên đảo Okinawa của Nhật Bản vào ngày 19.6 để biểu tình phản đối các căn cứ quân sự của Mỹ. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất trong hai thập kỷ qua, sau khi một người Mỹ, nghi phạm giết chết một người phụ nữ Nhật Bản bị bắt giữ.

Việc bắt giữ người Mỹ, đồng thời là một nhân viên quân sự, trong tháng trước đã buộc quân đội Mỹ phải công bố 30 ngày tưởng nhớ nạn nhân. Một quy định hạn chế lính Mỹ ra ngoài căn cứ và cấm uống rượu cũng được đưa ra để xoa dịu sự tức giận của địa phương.

Tuy nhiên, sau đó, một lính Mỹ lại tiếp tục bị bắt giữ ở Okianawa vì nghi ngờ uống rượu lái xe gây ra tai nạn.

"Tất cả các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản nên đóng cửa. Tôi muốn thủ tướng Nhật Abe lắng nghe những gì người dân Okinawa đang nói," Ryoko Shimabukuro, một nhân viên chính phủ 28 tuổi tại cuộc biểu tình cho biết.

Các nhà tổ chức cho biết 65.000 người đã tham dự cuộc biểu tình tại một công viên ở trung tâm thành phố Naha.

Cuộc biểu tình là một tín hiệu xấu trong việc cải thiện quan hệ Nhật - Mỹ và đe dọa kế hoạch di chuyển căn cứ không quân Futenma của Mỹ đến một nơi khác của hòn đảo, ít dân cư hơn.

Năm 1996, Mỹ và Nhật Bản đã đồng ý chuyển căn cứ Futenma nằm trong khu dân cư sau vụ 3 sĩ quan quân sự Mỹ hãm hiếp một nữ sinh Nhật Bản 12 tuổi. Sự việc cũng làm dấy lên một loạt các cuộc biểu tình. Kế hoạch đó đã bị hoãn lại vì người dân ở gần khu vực dự định chuyển căn cứ tới phản đối kế hoạch này. Họ lo lắng về tiếng ồn, ô nhiễm và tội phạm.

Tại Okinawa có 50.000 người Mỹ, trong đó có 30.000 nhân viên quân sự và các nhà thầu dân sự.

Đây là nơi diễn ra một trong những trận chiến đẫm máu nhất giữa Mỹ và Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Okinawa vẫn thuộc sự chiếm đóng của Mỹ cho đến năm 1972 và khoảng 1/5 diện tích đảo vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Mỹ.

Trung tướng Lawrence D. Nicholson tại Okinawa nói với Reuters Washington có thể trả 40,5 km vuông đất rừng cho Nhật vào năm sau. Đây có thể là vụ bàn giao lớn nhất từ năm 1972.